Phẫu thuật thành công một bệnh nhân bị vỡ tim

Một bệnh nhân bị vỡ tim sau một tai nạn giao thông vừa được các bác sỹ cơ sở 2 của Bệnh viện Trung ương Huế phẫu thuật kịp thời và cấp cứu thành công. 

Ngày 11.10, thông tin tin từ cơ sở 2 Bệnh viện Trung ương Huế cho hay, rạng sáng ngày 3.10, Khoa Cấp cứu đã tiếp nhận bệnh nhân L.V.P. (26 tuổi, quê quán huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị). Anh P. bị tai nạn giao thông, nhập viện trong tình trạng khó thở nhiều, tím tái, vết thâm tím vùng ngực kèm theo đa chấn thương nghiêm trọng.

Sau khi các chuyên khoa khám, các bác sỹ hội chẩn và kết luận “bệnh nhân bị tràn dịch màng ngoài tim lượng nhiều nghi do vỡ tim/đa chấn thương với tình trạng nguy kịch, có chỉ định phẫu thuật khẩn cấp”, tiên lượng bệnh nhân rất nặng, nguy kịch nên kíp trực đã kích hoạt quy trình “báo động đỏ toàn viện”.

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, GS.TS ĐBQH Phạm Như Hiệp, một ê-kíp phẫu thuật tim mạch kèm theo thuốc men, trang thiết bị từ Bệnh viện Trung ương Huế khẩn trương nhanh chóng ra cơ sở 2 để phối hợp thực hiện phẫu thuật cấp cứu cho bệnh nhân.

2eb9f47d32758b2bd264-2550.jpg
Bệnh nhân L.V.P đang hồi phục ổn định sau phẫu thuật

Bệnh nhân vừa hồi sức cũng được chuyển thẳng lên phòng mổ để chuẩn bị đầy cho cuộc phẫu thuật. Khoảng 20 phút kích hoạt quy trình, ê-kíp đã có mặt tại phòng mổ, bệnh nhân và các phương tiện đã chuẩn bị sẵn sàng trong quá trình chờ đợi.

Dưới sự điều hành của Phó Trưởng khoa Ngoại Lồng ngực-Tim mạch, Ths.BS Nguyễn Xuân Hùng, bệnh nhân được tiến hành cắt xương ức bộc lộ toàn bộ màng tim, máu đang chảy phụt rất mạnh lượng máu mất khoảng 2,5 lít.

Kiểm tra thấy có lỗ thủng lớn kích thước khoảng 2cm tiến hành kẹp lỗ thủng và nhanh chóng khâu lại, kiểm tra cầm máu. Trong quá trình phẫu thuật ê kíp gây mê hồi sức tích cực cho bệnh nhân và được truyền tổng cộng 1.400ml (4 đơn vị hồng cầu khối) và 600ml plasma (4 đơn vị plasma). Cuộc phẫu thuật nhanh chóng hoàn thành và thành công với sự phối hợp của đa chuyên khoa.

Bệnh nhân được chuyển hậu phẫu tiếp tục theo dõi và hồi sức tích cực. Đến sáng 4.10, bệnh nhân tiến triển tốt về tri giác, huyết động… Bệnh viện đã tiến hành rút nội khí quản, sau rút bệnh nhân ổn định. Đến chiều 7.10 bệnh nhân tỉnh táo hoàn toàn, được rút dẫn lưu ngực và có thể xuất viện sớm hơn dự kiến.

Theo Ths.BS Nguyễn Xuân Hùng, tình trạng vỡ tim xảy ra trong khoảng 0,5-2% tổng số các trường hợp chấn thương ngực nghiêm trọng do tai nạn giao thông. Tuy đây là một tỷ lệ nhỏ, nhưng mức độ tử vong rất cao. Vỡ tim có tỷ lệ tử vong cực kỳ cao, lên đến 75-90%, bởi vì tình trạng này thường gây mất máu nhanh chóng hoặc gây ra suy tim đột ngột.

131791d257daee84b7cb-1743.jpg
Ê-kíp phẫu thuật tại cơ sở 2 Bệnh viện Trung ương Huế cứu sống bệnh nhân

Trong nhiều trường hợp, nạn nhân tử vong ngay tại hiện trường trước khi được đưa đến bệnh viện. Chỉ có khoảng 10-15% nạn nhân sống sót nếu được cấp cứu và phẫu thuật khẩn cấp ngay lập tức để sửa chữa tổn thương tim. Để cấp cứu thành công trường hợp vỡ tim nguy kịch như thế này, quan trọng nhất là yếu tố thời gian và hướng xử lý đúng.

GS.TS Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, thời gian tới, bệnh viện sẽ củng cố, xây dựng và phát triển hệ thống quy trình “báo động đỏ toàn viện” và “báo động đỏ liên viện”. Bên cạnh đó, đơn vị sẽ tích cực đào tạo chuyên môn cho bệnh viện tuyến dưới để cứu sống nhiều bệnh nhân tương tự như trên.

Tin tức

Bộ Y tế chỉ đạo khẩn vụ du khách nghi ngộ độc rượu ở Ninh Thuận
Sức khỏe

Bộ Y tế chỉ đạo khẩn vụ du khách nghi ngộ độc rượu ở Ninh Thuận

Liên quan tới vụ việc 6 vị khách du lịch bị nghi ngộ độc khi đi du lịch tại Ninh Thuận, tối ngày 1.4, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) có văn bản đề nghị Sở An toàn thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Sở Y tế chỉ đạo tập trung mọi nguồn lực tích cực điều trị cho các bệnh nhân, không để ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng người dân.

Mỗi năm Việt Nam có hơn 84.500 ca tử vong do hút thuốc chủ động và 18.800 ca tử vong do các bệnh gây ra bởi phơi nhiễm với khói thuốc thụ động. Ảnh: PV
Sức khỏe

Chính sách “cốt lõi” hướng tới mục tiêu giảm thiểu tiêu thụ thuốc lá tại Việt Nam

Giới chuyên gia nhìn nhận, tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá là một chiến lược then chốt và hiệu quả để giảm tiêu thụ thuốc lá, đặc biệt là đối với những người có thu nhập thấp và trẻ em. Tăng thuế thuốc lá sẽ góp phần cải thiện sức khỏe của người lao động, qua đó tăng năng suất, giảm chi phí y tế, tạo điều kiện tăng chi cho giáo dục, gia tăng tiết kiệm để phục vụ cho các hoạt động đầu tư và kinh doanh.