Đây là nhấn mạnh Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình tại Hội thảo “Phát triển Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam” tại TP. Đà Nẵng do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với UBND TP. Đà Nẵng tổ chức chiều 16.1.
Tạo cơ hội tốt để các trung tâm tài chính mới nổi khẳng định vị thế
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung, Trung tâm tài chính không phải là vấn đề mới trên thế giới nhưng lại là nội dung chưa có tiền lệ tại Việt Nam. Do đó, đòi hỏi phải có sự chung sức, chung lòng và sự tham gia, của các Bộ, ngành, địa phương và đặc biệt là các chuyên gia, tổ chức và nhà đầu tư quốc tế.
Sau khi phân tích xu hướng chuyển dịch các trung tâm tài chính truyền thống sang mô hình trung tâm tài chính mới đang dần trở nên thịnh hành ở nhiều quốc gia, tạo cơ hội tốt để các trung tâm tài chính mới nổi khẳng định vị thế; Thứ trưởng Đỗ Thành Trung khẳng định, Việt Nam có những ưu thế đặc biệt riêng như: kinh tế phát triển nhanh, nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng ngày càng tăng, cơ sở hạ tầng đang hoàn thiện và phát triển.
Nếu tận dụng tốt cơ hội này, Việt Nam sẽ tiếp nhận được nguồn lực tài chính dịch chuyển từ các Trung tâm tài chính quốc tế lớn khác trong khu vực cũng như quốc tế để bứt phá và tạo lập vị thế mới.
Từ đó, tạo một bước chuyển mới về chất, giúp thị trường tài chính ở Việt Nam trở nên lành mạnh, hiệu quả, tạo tiền đề đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên giàu mạnh và thịnh vượng.
Phát biểu tại hội thảo, Phó chủ tịch UBND Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh cho biết, Bộ Chính trị đã có thông báo kết luận số 47 đồng ý chủ trương thành lập trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam, trong đó có TP. Đà Nẵng.
Về mô hình phát triển trung tâm tài chính quốc tế, Đà Nẵng đề xuất phát triển hệ sinh thái đa thành phần, tập trung theo 3 nhóm dịch vụ. Đó là, cung cấp các dịch vụ tài chính quốc tế như dịch vụ thanh toán, thương mại quốc tế, dịch vụ quản lý rủi ro và giao dịch ngoại hối, dịch vụ tài chính xanh, trong đó có các dịch vụ tài chính gắn liền với sự phát triển của Khu thương mại tự do Đà Nẵng.
Thứ hai là các dịch vụ Fintech và TechFin như cung cấp phần mềm, nền tảng ứng dụng để thực hiện dịch vụ thanh toán, giao dịch tài sản mã hóa, các giải pháp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực tài chính dựa trên trí tuệ nhân tạo, cơ sở dữ liệu lớn, điện toán đám mây...
Thứ ba là các dịch vụ hỗ trợ đầu tư, phát triển doanh nghiệp và dịch vụ tiện ích như kiểm toán, kế toán, dịch vụ pháp lý, tư vấn thuế, hải quan, các dịch vụ nghỉ dưỡng, hội nghị, casino để tạo hệ sinh thái đa dạng, phát triển Đà Nẵng theo định hướng trung tâm tài chính và giải trí thế giới.
Theo lãnh đạo UBND thành phố Đà Nẵng, hiện các nhà đầu tư, quỹ đầu tư tài chính quốc tế đến từ Hoa Kỳ, Singapore, Trung Đông, Thụy Sĩ rất quan tâm đến việc phát triển trung tâm tài chính Đà Nẵng theo hướng gắn với đổi mới sáng tạo, tài chính xanh, công nghệ tài chính, tài chính thương mại.
Do đó, Đà Nẵng dự kiến sẽ huy động tối đa các nguồn lực đầu tư tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và nguồn vốn ngân sách nhà nước để đầu tư phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu, hệ thống cung cấp năng lượng và các hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông kết nối, hạ tầng xã hội hiện đại theo mô hình đô thị thông minh.
Tại hội thảo, các chuyên gia, doanh nghiệp, nhà quản lý đã tập trung phân tích, làm rõ các cơ hội và thách thức cho phát triển Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam; vai trò của chuẩn mực quốc tế trong việc thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững của Trung tâm tài chính quốc tế; kinh nghiệm quốc tế trong việc quản lý tài sản và quỹ đầu tư, bài học cho Việt Nam;
Chính sách và giải pháp thúc đẩy thanh toán quốc tế và ngân hàng số tại Trung tâm tài chính quốc tế; các cơ chế chính sách đặc thù, vượt trội để phát triển Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam; công tác đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam…
Hoàn thiện cơ chế cho Trung tâm tài chính quốc tế
Phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hoà Bình khẳng định, việc xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam là chủ trương, quyết sách chính trị có vai trò, ý nghĩa quan trọng, tạo cú hích mạnh mẽ cho nền kinh tế, góp phần thực hiện mục tiêu tăng tốc, bứt phá, củng cố các yếu tố nền tảng, làm tiền đề để nước ta tự tin bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc.
TP. Hồ Chí Minh và TP. Đà Nẵng là hai địa phương hội tụ đầy đủ những yếu tố hiện tại và tiềm năng trong tương lai để hình thành Trung tâm tài chính. Do đó, phải lựa chọn hướng đi đúng, hướng đi độc đáo, đặc thù của Việt Nam để xây dựng Trung tâm tài chính.
Phó Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan Trung ương nghiêm túc, quyết liệt triển khai các nhiệm vụ đã được giao theo Kế hoạch hành động được Chính phủ ban hành; nghiên cứu và triển khai xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách về Trung tâm tài chính theo phân công tại Kế hoạch hành động; bảo đảm đáp ứng yêu cầu, tiến độ đề ra.
Tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật phục vụ cho hình thành và phát triển Trung tâm tài chính quốc tế hiện đại; bảo đảm cơ chế, chính sách thông thoáng, minh bạch, phù hợp với thông lệ quốc tế. Quan tâm đào tạo nguồn nhân lực; cử nhân sự đến các Trung tâm tài chính lớn của thế giới để thực tập, đào tạo, học việc, bảo đảm đội ngũ sau đào tạo phải vận hành, triển khai được các nhiệm vụ đặt ra trong vận hành ở các Trung tâm tài chính quốc tế.
Phải có sự chuẩn bị tốt về hạ tầng, bao gồm hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng môi trường làm việc, hạ tầng sống và một hệ sinh thái hậu thuẫn cho vận hành Trung tâm tài chính quốc tế và khu vực.
“Khó phải vượt qua, không đi thì không thể đến, hôm nay là những bước đi đầu tiên. Khi có khát vọng thì chúng ta sẽ có lời giải tốt”, Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình khẳng định.