Phát triển trọng tâm, quảng bá trọng điểm

Hồng Hà 20/06/2022 05:56

Để đạt mục tiêu đón 60 triệu khách du lịch trong nước và 5 triệu khách quốc tế trong năm 2022, Việt Nam cần có chính sách mở, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, sản phẩm du lịch, xúc tiến số để nhanh chóng phục hồi và thu hút khách quốc tế.

Tăng trưởng mạnh nhưng vẫn khó khăn

Theo báo cáo của Tổng cục Du lịch, tổng thu của toàn ngành du lịch 5 tháng đầu năm ước đạt 211.000 tỷ đồng. Riêng tháng 5, Việt Nam đạt 12 triệu lượt khách nội địa, tăng 243% so với cùng kỳ 2021, tăng 14% so với tháng 4 - tháng có hai kỳ nghỉ giỗ Tổ Hùng Vương và 30.4 - 1.5. Trong đó, lượng khách lưu trú là 8 triệu lượt. Việt Nam đang chứng kiến sự tăng trưởng mạnh của khách nội địa khi 5 tháng đầu năm đón 48,6 triệu lượt.

Doanh nghiệp cần thay đổi để tiếp cận thị trường tiềm năng, trọng điểm - Ảnh: daidoanket.vn
Doanh nghiệp cần thay đổi để tiếp cận thị trường tiềm năng, trọng điểm. Ảnh: daidoanket.vn

Lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 5 tăng khoảng 1,9 lần so với tháng 4, đạt 136.000 lượt. Trong 5 tháng đầu năm, lượng khách ước đạt 228.400 lượt. Báo cáo cũng cho thấy, khách Hàn Quốc và Mỹ đến Việt Nam nhiều nhất. Tiếp đến là khách từ Đông Bắc Á như Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản. Thị trường Trung Quốc vẫn đóng băng do chính sách zero Covid-19. Các thị trường Đông Nam Á như Campuchia, Lào, Singapore cũng đồng loạt tăng mạnh. Các thị trường châu Âu thì du khách Pháp, Anh và Đức nhiều nhất.

Chủ tịch Lux Group Phạm Hà rất vui vì đón được những đoàn khách đầu tiên ngay trong tháng 3, khi Việt Nam công bố mở cửa du lịch hoàn toàn. Tuy nhiên niềm vui này không trọn vẹn khi còn vô vàn khó khăn như thiếu tài chính, nhân sự, làm mới sản phẩm, xúc tiến, kết nối lại khách hàng. Các thị trường mục tiêu nói 5 thứ tiếng châu Âu đang vào đúng mùa du lịch tới Việt Nam và Đông Nam Á nên đang quá tải yêu cầu, đặt tour lại và theo yêu cầu trải nghiệm du lịch mới…

Trong khi đó, Chủ tịch Câu lạc bộ MICE Việt Nam Nguyễn Đức Anh cho biết, hiện nay, các khách hàng lớn và là khách hàng thường xuyên đã chủ động liên hệ lại và gửi sẵn kế hoạch tổ chức đã được lên chi tiết. “Khó khăn nhất là thiếu nhân sự do lượng khách tăng đột biến ngay giữa tháng 3. Mặc dù việc này cũng dần được khắc phục nhưng tình trạng “khát” nhân lực vẫn còn và các công ty liên tục phải tuyển nhân sự mới.

Để giải quyết tình trạng này, các doanh nghiệp đã phải trả lương cao để thu hút nhân sự du lịch đã chuyển ngành về lại làm việc. Đồng thời, nhiều doanh nghiệp phải đào tạo gấp sinh viên các trường du lịch để bổ sung nguồn nhân sự mới”.

Việc thiếu nguồn vốn lưu động lớn cũng xảy ra đối với những đoàn MICE có quy mô lớn và đòi hỏi bảo lãnh tạm ứng nguồn tiền. Các doanh nghiệp cũng đang tiếp cận các nguồn vay ngân hàng thông qua các gói hỗ trợ tài chính doanh nghiệp phục hồi nhưng việc này vẫn hết sức khó khăn. Khi khách trở lại đông, doanh nghiệp vẫn tập trung bán sản phẩm chủ lực từ trước tới nay, như du lịch kết hợp team building gắn với lịch sử, văn hóa, tour trải nghiệm thiên nhiên, du lịch chăm sóc sức khỏe...

Phân khúc thị trường rõ ràng, sản phẩm chuyên biệt

Ông Phạm Hà cho rằng, để sớm có thêm khách quốc tế, doanh nghiệp du lịch cần kết nối với hàng không, doanh nghiệp nước ngoài, có trọng tâm theo thị trường để phục hồi nhanh. Các gói ưu đãi của Chính phủ để phục hồi du lịch cần được triển khai sớm, khoản vay hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp du lịch cần đúng và trúng để những doanh nghiệp đang thực sự cần cứu có thể phục hồi nhanh chóng”.

Còn theo ông Đức Anh, trong quá trình vượt qua dịch bệnh để tồn tại và phục hồi, doanh nghiệp mất rất nhiều nhưng bù lại đã phát triển được nền tảng công nghệ tổ chức sự kiện và tiếp thị điểm đến trực tuyến. “Đặc biệt, chúng tôi đã xây dựng sản phẩm du lịch thể thao lan tỏa và tạo cảm hứng mới trong cộng đồng người làm du lịch và khách hàng”.

Mặc dù thị trường nội địa không thay thế được quốc tế, nhưng theo ông Phạm Hà, có thể tạo ra dòng tiền tốt. “Với tiềm năng từ thị trường nội địa, doanh nghiệp du lịch chắc chắn sẽ hồi phục và phát triển. Tuy nhiên, để làm được điều đó, doanh nghiệp phải thay đổi để tiếp cận thị trường và trúng vào thị trường tiềm năng, trọng điểm của Việt Nam. Trong đó, cần phân khúc thị trường rõ ràng và có sản phẩm chuyên biệt cho từng thị trường. Phải có nhân sự, công nghệ để khai thác khách tại các cộng đồng khác nhau trên mạng xã hội chứ nếu chỉ quảng bá chung chung thì sẽ khó hiệu quả”.

Nhiều doanh nghiệp góp ý, công tác xúc tiến cần hiệu quả, từ trung ương đến địa phương, triển khai từng bước. Chẳng hạn trước khi thực hiện cần khảo sát, nghiên cứu du lịch Việt Nam mạnh ở điểm gì, thị trường nguồn nào, định vị thương hiệu quốc gia ra sao. Từ đó lý giải và đưa ra giải pháp để đổi mới, xây dựng các sản phẩm du lịch trải nghiệm mới; xác định rõ nhu cầu của khách quốc tế sau dịch và lý do khách chọn Việt Nam thay vì nước khác...

    Nổi bật
        Mới nhất
        Phát triển trọng tâm, quảng bá trọng điểm
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO