Phát triển thủy điện - đã đến lúc nhìn lại!

Hoàng Phương 11/11/2016 16:37

Hiện nước ta có tới trên 1000 thủy điện lớn nhỏ. Sự phát triển ồ ạt các nhà máy thủy điện thời gian qua đã tác động rất lớn đến môi trường và đời sống người dân. Trong khi nước ta tiếp tục xây dựng thủy điện, thế giới đã bỏ xa chúng ta với những nguồn năng lượng sạch. Có lẽ đã đến lúc cần nghiêm túc nhìn lại vấn đề này và đưa ra quyết định mạnh mẽ để không phải trả giá thêm cho những sai lầm.

Bài 1: Công suất nhỏ, hậu quả lớn

Khắp nơi kêu cứu

Việc xây dựng nhiều nhà máy thủy điện khiến cuộc sống của người dân điêu đứng như đã trở nên quen thuộc trong nhiều năm qua. Trong số những nhà máy thủy điện “tai tiếng”, không thể bỏ qua thủy điện An Khê - Kanak.  Công trình này đã “bức tử” một vùng hạ du của hàng triệu người ở hai tỉnh Gia Lai và Phú Yên. Nhiều người cho rằng đây là công trình “sai lầm thế kỷ”.  Năm 2013, thủy điện An Khê - Kanak xả lũ nhấn chìm thị xã An Khê (Gia Lai) trong biển nước. Lũ lên nhanh đến nỗi người dân không kịp trở tay, nhiều hộ gia đình bất lực nhìn tài sản của mình trôi trong dòng nước dữ. Ba năm sau, công trình này thêm một lần nữa cho thấy tính chất “sai lầm thế kỷ” của nó. Trong cơn hạn hán lịch sử những tháng đầu năm nay, hơn 200km vùng hạ lưu sông Ba trở thành “dòng sông chết”. Dòng nước chảy nhỏ giọt, ô nhiễm nặng, ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng nghìn hộ dân vùng hạ du vì thủy điện đã ngăn dòng…

Ngoài nhà máy thủy điện An Khê - Kanak, các công trình khác tại Tây Nguyên như thủy điện Sêrêpốk 4 và Sêrêpốk 4A (Gia Lai) nằm ở thượng nguồn đã chặn dòng chảy và làm cho đoạn sông dài 22 km ở hạ lưu cạn kiệt nguồn nước, đẩy hoạt động du lịch văn hóa – sinh thái ở đây vào cảnh khó khăn. Thủy điện Sông Bung 2, Bản Vẽ, Sông Bung 4, Đak Mi4… cũng khiến nhiều địa phương lân cận bị ảnh hưởng nặng nề từ các sự cố của nhà máy hoặc việc xả lũ trong mùa mưa.

Vừa qua, thủy điện Hố Hô (Hà Tĩnh) xả lũ làm nhiều địa phương của 2 tỉnh Quảng Bình - Hà Tĩnh thêm ngập sâu trong nước, gây tổn thất nặng nề cả về người và của. Gần đây nhất, đầu tháng 11, các nhà máy thủy điện trên sông Ba đồng loạt xả lũ khiến nhiều nơi của tỉnh Phú Yên bị ngập, người dân không kịp trở tay vì lũ về quá nhanh.

Dẫu vậy, các nhà máy thủy điện đều nói rằng họ vận hành “đúng quy trình”. Giả sử họ làm đúng thì cũng cần phải đánh giá lại xem quy trình đó có đúng hay không?

Thủy điện Hố Hô (Hà Tĩnh) xả lũ (Ảnh minh họa: Nguồn ITN)
Thủy điện Hố Hô (Hà Tĩnh) xả lũ (Ảnh minh họa: Nguồn ITN)

Không tính toán hết những hệ lụy

Rõ ràng, một thời kỳ chúng ta đã “lạm phát” trong việc xây dựng thủy điện mà không tính toán hết những hệ lụy của nó. Vào năm 2013, Unesco (Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc) từ chối công nhận Vườn Quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai) là di sản thiên nhiên thế giới, một phần do khu vực này có nhiều dự án thủy điện nhỏ, ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường. Hay những hậu quả thủy điện Hố Hô – công suất chỉ 15Mw - gây ra cho các tỉnh miền Trung gần đây cũng rất lớn.

Nhiều ý kiến cho rằng, do quan niệm các dự án thủy điện có quy mô, công suất nhỏ nên nhiều địa phương đã không quan tâm đến công tác quy hoạch, dễ dàng cấp phép mà không nghiêm túc trong khâu thẩm định dự án. Theo quy định hiện hành của nước ta, công suất dưới 30MW được coi là thủy điện nhỏ. Trong khi đó, theo Tổ chức Thủy điện nhỏ của Liên Hiệp Quốc,  công suất từ 10 Mw - 100 Mw được xếp vào thủy điện vừa. Như vậy, có những nhà máy thủy điện nhỏ của nước ta thuộc loại “vừa” so với tiêu chuẩn của thế giới.

Hơn nữa, dự án thủy điện nhỏ thuộc thẩm quyền phê duyệt của địa phương. Có thể đây là nguyên nhân dẫn tới sự “nở rộ” các công trình thủy điện trong thời gian qua.

Đánh giá về việc quản lý các thủy điện nhỏ hiện nay, ông Nguyễn Mạnh Hiến - Chủ tịch Hội đồng khoa học Hiệp hội Năng lượng Sạch Việt Nam cho biết, các nhà máy thủy điện vừa và lớn đều do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư, nếu có vấn đề gì Nhà nước sẽ tác động ngay. Hiện nay ảnh hưởng nhiều là các nhà máy thủy điện nhỏ. Các địa phương có rất nhiều thủy điện nhỏ, đa số do công ty ngoài ngành đầu tư xây dựng. Có công ty kinh doanh gỗ hoặc hoạt động trong lĩnh vực du lịch cũng làm thủy điện. “Cái này theo tôi là cũng có những vấn đề trong khâu phê duyệt. Giờ rà soát rất khó, phải dựa vào các tỉnh đưa lên, cái nào sai quy trình thì phải xem xét. Cần rà soát cả những nhà máy sắp tới và tính xem giao cho ai, nếu khó khăn quá thì cần qua các cơ quan trung ương”.

Tuy nhiên, ông Hiến cho biết không tin tưởng việc rà soát thủy điện nhỏ của các địa phương tỉnh. Hiện giờ rất khó thống kê được ngay số lượng thủy điện nhỏ trên toàn quốc vì chúng do địa phương phê duyệt, ông Hiến nói và chia sẻ thêm: tới đây, Hiệp hội Năng lượng sạch có thể sẽ đề xuất thay đổi quy định về công suất của thủy điện nhỏ.

Theo TS. Nguyễn Văn Khải, Giám đốc Trung tâm Tư vấn tiết kiệm điện và dung dịch hoạt hóa điện hóa, việc xây dựng các thủy điện nhỏ đang “có vấn đề”. Nhiều công trình được các địa phương giao cho những công ty không có chuyên môn xây dựng. Hơn nữa, những công trình thủy điện có công suất trên 10Mw có tác động môi trường rất lớn nên việc giao cho các địa phương quyết định là thiếu hợp lý.

TS. Nguyễn Văn Khải cũng cho rằng, cần xem xét lại các công trình thủy điện lớn, nhỏ. Công trình nào gây tác hại lớn đến đời sống nhân dân thì cần dừng lại. Việc xây dựng các công trình thủy điện có công suất trên 10Mw tất yếu phải có sự tham gia của ngành điện lực, các nhà khoa học và các nhà địa, vật lý. Các đơn vị có đúng chuyên môn mới có thể đánh giá được hết những tác động của một công trình đến đời sống và môi sinh.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Phát triển thủy điện - đã đến lúc nhìn lại!
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO