Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khoá XV:

Phát triển thị trường bảo hiểm an toàn, minh bạch, bền vững và hiệu quả

- Thứ Sáu, 22/10/2021, 11:28 - Chia sẻ
Sáng 22.10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội họp trực tuyến nghe trình bày Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).
Pho Chu tich QH Nguyen Duc Hai dieu hanh phien hop QH 4
 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp 
 
Ảnh: Quang Khánh

Giới hạn còn 3 loại hình bảo hiểm

Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) gồm 8 chương, 156 điều. Dự thảo Luật đã bám sát mục đích, quan điểm chỉ đạo và cụ thể hóa 7 nhóm chính sách đề nghị xây dựng dự án Luật.

Với các quy định chung, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, các nội dung được sửa đổi, bổ sung và quy định mới bao gồm: đối tượng áp dụng mở rộng so với luật cũ là tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô; sửa đổi, bổ sung giải thích từ ngữ để phù hợp với thực tiễn và pháp luật có liên quan; nguyên tắc cung cấp và sử dụng dịch vụ bảo hiểm sửa đổi để phù hợp với quy định pháp luật hiện hành, tập quán quốc tế và các cam kết quốc tế Việt Nam tham gia (EVFTA, CPTPP); các loại hình bảo hiểm thành 3 loại cơ bản theo thông lệ quốc tế là bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm phi nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe, và bảo hiểm bắt buộc, giới hạn lại để phản ánh đúng bản chất của loại hình bảo hiểm này.

Nội dung về hợp đồng bảo hiểm cơ bản giữ nguyên cách thiết kế của Luật cũ, bổ sung mục về đề phòng hạn chế tổn thất, phòng chống gian lận và giải quyết tranh chấp. Nội dung về hợp đồng bảo hiểm được hoàn thiện gồm: bổ sung quy định về phân loại hợp đồng, sửa đổi nội dung hợp đồng bảo hiểm (HĐBH), một số nội dung nhằm phù hợp với Bộ luật Dân sự và thực tiễn của thị trường như điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, đơn phương chấm dứt HĐBH, HĐBH vô hiệu, trách nhiệm cung cấp thông tin của bên mua bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm, thời hạn nộp hồ sơ yêu cầutrả tiền bảo hiểm, thời hạn trả tiền…. Đối với từng loại hợp đồng (nhân thọ và sức khỏe, tài sản và thiệt hại, trách nhiệm dân sự): sửa đổi bổ sung quy định phù hợp với thực tiễn và đặc tính của từng loại hợp đồng, bảo đảm tính thống nhất kết cấu của quy định về các loại hợp đồng.

Về đề phòng hạn chế tổn thất, phòng chống gian lận và giải quyết tranh chấp: bổ sung các quy định nhằm tăng cường trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm, người được bảo hiểm trong các công tác này và định hướng việc giải quyết tranh chấp.

Quy định về doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, tại Tờ trình của Chính phủ nêu rõ, dự thảo Luật mở rộng đối tượng nhà đầu tư nước ngoài, cho phép các tập đoàn tài chính có hoạt động kinh doanh bảo hiểm được cấp giấy phép kinh doanh; đơn giản điều kiện cho các doanh nghiệp bảo hiểm đã được cấp giấy phép tại Việt Nam muốn thành lập doanh nghiệp bảo hiểm mới; bổ sung việc đăng ký kinh doanh; cho phép doanh nghiệp bảo hiểm cung cấp sản phẩm thuộc lĩnh vực bảo hiểm khác.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc
Ảnh: Quang Khánh

Dự thảo Luật bổ sung các quy định mới nhằm nâng cao quản trị điều hành của doanh nghiệp như quy định mới về tổ chức hoạt động, kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ, quản trị rủi ro theo thông lệ quốc tế, phù hợp với tính chất hoạt động kinh doanh bảo hiểm; cho phép doanh nghiệp bảo hiểm chủ động trong thiết kế, xây dựng sản phẩm bảo hiểm, thuê ngoài đáp ứng điều kiện; bổ sung quy định điều kiện trong trường hợp thuê ngoài. Đồng thời, bổ sung nội dung, nguyên tắc khuyến khích các doanh nghiệp bảo hiểm ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm; yêu cầu về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm, đối tượng và hình thức cung cấp dịch vụ bảo hiểm trên môi trường mạng.         

Doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm sẽ phải công khai thông tin một cách toàn diện, bao gồm thông tin định tính và định lượng theo định kỳ, thường xuyên, bất thường nhằm tăng cường tính minh bạch và cạnh tranh lành mạnh của thị trường. Ngoài ra, dự án Luật cũng bổ sung quy định về an toàn tài chính, trường hợp tỷ lệ an toàn vốn ở mức phải áp dụng biện pháp can thiệp, biện pháp cải thiện sớm, biện pháp kiểm soát, quy định trách nhiệm của doanh nghiệp, chủ sở hữu, thành viên góp vốn, Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát…

Tại dự án Luật, bảo hiểm vi mô được quy định mới bao gồm nội dung về đặc trưng bảo hiểm vi mô vàcác tổ chức được cung cấp sản phẩm bảo hiểm vi mô (Doanh nghiệp bảo hiểm, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô).

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm hoàn thiện hệ thống, đào tạo cán bộ, dự thảo quy định theo hướng: sau 5 năm kể từ ngày Luật này có hiệu lực, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm phải áp dụng các quy định về vốn, khả năng thanh toán. Các hợp đồng bảo hiểm đã giao kết trước ngày Luật này có hiệu lực và còn thời hạn thì tiếp tục thực hiện theo quy định pháp luật tại thời điểm giao kết hợp đồng, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận về việc sửa đổi, bổ sung hợp đồng để phù hợp với luật này và để áp dụng quy định của Luật này. Chứng chỉ đại lý bảo hiểm được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 31.12. 2025. Trong thời hạn 2 năm kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, doanh nghiệp bảo hiểm phải thực hiện đăng ký doanh nghiệp, đăng ký kinh doanh, không phải thực hiện thủ tục cấp đổi Giấy phép thành lập và hoạt động, trừ trường hợp có yêu cầu. Luật này dự kiến có hiệu lực thi hành từ 1.7.2023.

Đánh giá đầy đủ về tính hiệu quả của thí điểm bảo hiểm vi mô

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm như các lý do đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng; khắc phục những hạn chế, bất cập sau hơn 20 năm thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; kiến tạo, phát triển thị trường bảo hiểm an toàn, minh bạch, bền vững, hiệu quả, tiệm cận với các thông lệ quốc tế, nâng cao khả năng cạnh tranh và cùng với thị trường tiền tệ - tín dụng và thị trường chứng khoán trở thành các kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh
Ảnh: Quang Khánh

Về phạm vi điều chỉnh, Ủy ban Kinh tế nhận thấy, dự thảo Luật có phạm vi điều chỉnh bao quát hơn, đã bổ sung nội dung quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh bảo hiểm; bổ sung quy định về đối tượng áp dụng để quy định rõ, cụ thể hơn những đối tượng được điều chỉnh bởi luật.

Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế đề nghị, Cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát quy định về chính sách phát triển bảo hiểm để quy định cụ thể hơn; đồng thời, giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết để tạo linh hoạt trong triển khai thực hiện bảo đảm các chính sách này khả thi trên thực tế. Bổ sung đánh giá tác động về chi phí, việc sử dụng ngân sách nhà nước, chi phí từ các nguồn khác (nếu có) trong trường hợp đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu về kinh doanh bảo hiểm vì vấn đề này chưa được đánh giá tác động khi xây dựng hồ sơ dự án Luật.

Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị, làm rõ quy định về bảo hiểm bắt buộc và bắt buộc phải mua bảo hiểm. Hiện nay, có 2 loại bảo hiểm bắt buộc nên cần thuyết minh rõ phạm vi bảo hiểm của từng sản phẩm bảo hiểm bắt buộc, việc đáp ứng tiêu chí về bảo hiểm bắt buộc, có thể đề xuất sửa đổi, bổ sung nội dung, tên gọi của sản phẩm bảo hiểm để phù hợp với thực tế, định hướng phát triển thị trường bảo hiểm.

Các quy định về hợp đồng bảo hiểm tại dự thảo Luật được đa số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế tán thành, vì hợp đồng bảo hiểm là chế định quan trọng trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị cần rà soát và làm rõ các quy định tại Chương này như hình thức hợp đồng bảo hiểm, điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, hợp đồng bảo hiểm vô hiệu, đơn phương chấm dứt hợp đồng... để bảo đảm nhất quán giữa các quy định trong chính dự thảo Luật, vừa phù hợp với nguyên tắc chung về hợp đồng theo quy định của Bộ luật Dân sự, vừa bảo đảm tính đặc thù của hoạt động bảo hiểm trong việc bảo vệ quyền và lợi ích của các bên.

Toàn cảnh phiên họp
Toàn cảnh phiên họp
Ảnh: Quang Khánh

Về doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, Ủy ban Kinh tế cơ bản tán thành với các quy định tại dự thảo Luật, theo đó luật hoá các điều kiện kinh doanh, cấp phép thành lập và hoạt động; hồ sơ thủ tục do Chính phủ hướng dẫn; cơ quan thực hiện cấp phép thành lập và hoạt động kinh doanh bảo hiểm là Bộ Tài chính. Tuy nhiên, đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát các quy định liên quan đến chủ thể kinh doanh (như: điều kiện kinh doanh, trình tự thành lập, quản trị doanh nghiệp, tổ chức kiểm soát và kiểm toán nội bộ, các chức danh quan trọng của doanh nghiệp bảo hiểm…) bảo đảm công khai, minh bạch, rõ ràng, thuận lợi, không tạo gánh nặng về tài chính, hành chính cho doanh nghiệp; tránh sự can thiệp quá sâu của cơ quan quản lý nhà nước vào quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp, bảo vệ bí mật kinh doanh của doanh nghiệp và phù hợp với Luật Doanh nghiệp năm 2020.

Ủy ban Kinh tế có hai loại ý kiến về bảo hiểm vi mô (Chương IV). Loại ý kiến thứ nhất tán thành với các quy định về bảo hiểm vi mô trong dự thảo Luật và cho rằng loại hình bảo hiểm này hướng tới các đối tượng có thu nhập thấp, đặc biệt hộ nghèo, cận nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi, vùng cao nhằm bảo vệ họ trước những rủi ro có thể xảy ra. Loại ý kiến thứ hai đề nghị cần cân nhắc, làm rõ cơ sở và sự cần thiết quy định về loại hình bảo hiểm vi mô tại dự thảo Luật.

Ủy ban Kinh tế cho rằng, để bảo đảm tính khả thi của Luật, đề nghị Cơ quan soạn thảo tổng kết, đánh giá đầy đủ về tính hiệu quả của việc thí điểm thực hiện hoạt động bảo hiểm vi mô trong thời gian qua; phân tích, đánh giá kỹ tác động kinh tế - xã hội, chi phí, lợi ích của loại bảo hiểm này; bổ sung đầy đủ các quy định về bảo hiểm vi mô; phân tích rõ sự khác biệt giữa loại hình bảo hiểm này so với bảo hiểm thông thường. Đồng thời, đánh giá việc trong 16 năm qua chưa có tổ chức bảo hiểm tương hỗ nào được thành lập theo quy định tại Nghị định số 18/2005/NĐ-CP ngày 24.2.2005 của Chính phủ.

Về hiệu lực thi hành, Ủy ban Kinh tế cho rằng, thời gian có hiệu lực như quy định của dự thảo Luật là quá chậm, các luật khác thường chỉ sau khoảng 6 tháng kể từ thời điểm Quốc hội thông qua, trừ các dự án Luật có tính phức tạp. Đồng thời, đề nghị Cơ quan soạn thảo bổ sung biện pháp quản lý trong trường hợp sau 5 năm các DNBH, DNTBH không thực hiện đầy đủ các quy định tại dự thảo Luât. Ngoài ra, đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát để luật hóa tối đa các quy định của văn bản dưới luật đã được kiểm nghiệm và áp dụng ổn định trong thực tiễn, nhưng cũng không quy định quá chi tiết, cụ thể những nội dung có thể có biến động, ảnh hưởng đến tính ổn định của luật.

P.Thủy