Cùng với tỉnh Thừa Thiên Huế, Chính phủ, Bộ Nội vụ - cơ quan được giao chủ trì soạn thảo đề án cũng thể hiện sự công phu, trách nhiệm, tâm huyết phối hợp với địa phương đưa ra những lý do rất thuyết phục để tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương.
Bảo đảm hài hòa giữa phát triển gắn với giữ gìn bản sắc
Theo các ĐBQH Quảng Ninh, việc thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương hội tụ được các cơ sở chính trị và thực tiễn như Tờ trình của Chính phủ đã nêu. Đây là địa phương có bề dày lịch sử hình thành và phát triển gần 720 năm, từng là kinh đô triều đại Tây Sơn và triều Nguyễn thời kỳ phong kiến; vùng đất văn hiến, văn hóa đặc sắc của dân tộc Việt Nam, là nơi duy nhất ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á có 8 di sản được UNESCO ghi danh (6 di sản riêng có của Huế); là địa phương đầu tiên của Việt Nam có Di sản thế giới được UNESCO công nhận từ năm 1993 và trở thành thành viên chính thức của các mạng lưới di sản quốc tế. Đây chính là yếu tố, tiêu chuẩn đặc thù thành phố trực thuộc trung ương có tính chất “Đô thị di sản” của nước ta.
Việc thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương không chỉ là sự chuyển dịch về không gian đô thị mà còn tạo lập không gian kinh tế, động lực phát triển mới cho địa phương, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, kiến tạo hình ảnh đô thị khang trang, xanh, sạch, đẹp, bảo đảm thực hiện tốt hơn nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế để thực sự trở thành trung tâm của vùng và cả nước về văn hóa - du lịch, y tế chuyên sâu, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ.
Tuy nhiên, với một đô thị - thành phố trực thuộc trung ương đặc biệt như Huế, các ĐBQH Quảng Ninh cũng lưu ý đến nhiệm vụ phải gìn giữ những nét đẹp của cố đô, nét đẹp của truyền thống văn hóa, để lưu truyền cho các thế hệ sau này. Giữa bảo tồn và phát triển đối với thành phố Huế trong tương lai thì cũng cần phải được quan tâm tích cực và có những cái giải pháp chủ động.
Bày tỏ quan điểm ủng hộ thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương, ĐBQH Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh: Thành phố Huế được thành lập là một mô hình hướng tới thành phố di sản, phát triển dựa trên nền tảng văn hóa. Do vậy, thành lập thành phố phải bảo đảm vấn đề bảo tồn, khơi dậy, phát huy các giá trị văn hóa để hoán chuyển cho sự phát triển. Đồng thời, cũng phải giữ được nét đặc sắc này như là một mô hình để phát triển ra nhiều địa phương khác cũng có điều kiện tương tự về sau này.
“Ở đây quan trọng nhất là định hướng để phát triển đa dạng và có chất lượng cao đối với các sản phẩm liên quan đến văn hóa, du lịch và và và kinh tế. Để ngày mai, Huế sẽ là nơi tổ chức các sự kiện, là nơi phát triển kinh tế âm nhạc, điện ảnh… Những vấn đề này sẽ cần phải thảo luận nhiều hơn nữa giúp cho Huế phát triển. Để nâng cấp Huế lên thành phố thuộc Trung ương không chỉ là một quyết định!”, ĐBQH Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh.
Trước đó, trong nội dung thảo luận này, ĐBQH Trần Thị Kim Nhung cũng nhận định, khi lên thành phố Trung ương thì để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, Huế chắc chắn phải phát huy tinh thần tự lực và sẽ cần có những chính sách đột phá, đặc biệt là đổi mới tư duy hơn. Đương nhiên là lực lượng cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị, trong đó có cả các cơ quan Đảng, chính quyền phải có sự chuẩn bị để sẵn sàng đón nhận và thay đổi. Nhưng cùng với đó thì cũng phải tuyên truyền để tất cả người dân đồng thuận, ủng hộ tư duy mới, kế hoạch, giải pháp phát triển thành phố. “Cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đặc biệt là công tác việc tuyên truyền, vận động người dân để thực sự tạo được những dấu ấn phát triển trong một vai trò mới, vị thế mới”, ĐBQH Trần Thị Kim Nhung nhấn mạnh.
Bứt phá trong tư duy tổ chức chính quyền đô thị
Đối với dự thảo Nghị quyết tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng, các đại biểu cũng cho rằng, xây dựng mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại Hải Phòng là phù hợp với quy mô, đặc điểm, thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội và đô thị hóa của thành phố.
Việc ban hành quy định về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng để thực hiện chính thức mà không qua thí điểm đã bảo đảm đầy đủ các cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn. Hồ sơ dự thảo Nghị quyết đáp ứng yêu cầu theo quy định, đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét. “Có thể nói đây là một sự bứt phá trong tư duy tổ chức chính quyền đô thị. Chúng ta vừa là có sự chọn lọc những kinh nghiệm hợp lý cũng vừa mở ra dư địa và không gian phát triển cho một thành phố lớn như Hải Phòng”, ĐBQH Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh.
Bên cạnh đánh giá cao sự cần thiết, các ĐBQH tỉnh Quảng Ninh cũng nhấn mạnh, việc sắp xếp tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ phải phân định thật rõ ràng để đảm bảo sự thống nhất đồng bộ trong quản lý, giám sát, quyết định những vấn đề lớn của thành phố.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, về nội dung tỷ lệ đối với đại biểu HĐND thành phố, hiện nay đang so sánh, kể cả báo cáo của Ủy ban Pháp luật về thẩm tra đang là tương tự số lượng chuyên trách giống như Đà Nẵng nhưng quy mô dân số và các điều kiện khác của Hải Phòng với Đà Nẵng khác nhau. Do vậy, cần xem xét quy định về bỏ HĐND quận và HĐND phường, phương án tăng số lượng đại biểu chuyên trách của HĐND của cấp thành phố để nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND; cũng như giúp cho việc các quận, các phường không có HĐND khi không tổ chức hoạt động, công tác giám sát của HĐND thành phố lúc này bao phủ đến tận cả phường chứ không chỉ dừng lại ở cấp thành phố hay cấp quận.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà cũng góp ý, trong mô hình của HĐND thành phố thì quyết định thành lập Hội thẩm, Hội thẩm nhân dân thành phố trên cơ sở đề nghị của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố phải ghi rõ là trên cơ sở đề xuất của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và Tòa án Nhân dân cấp quận, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc của thành phố giới thiệu và đề nghị HĐND thành phố ra quyết định. Như vậy sẽ làm rõ thêm trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc cấp phường, cấp quận trong việc thành lập đoàn hội thẩm cấp quận thuộc Tòa án nhân dân quận.
Về thành lập thành phố Thủy Nguyên và đưa trung tâm chính trị của TP Hải Phòng về thành phố Thủy Nguyên, gọi là Thủ phủ của Hải Phòng sau này, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà cho biết: Đây là một tư duy, tầm nhìn rất đột phá. Bởi vì Thủy Nguyên hiện nay đang là huyện, các điều kiện của Thủy Nguyên phát triển chưa thể bằng các quận trung tâm được. Nhưng Thủy Nguyên lại có một dư địa rất lớn và một cơ hội để phát triển cả về lực lượng lao động và tính kết nối vùng, Thủy Nguyên giáp với Quảng Ninh, Quảng Yên, Kinh Môn Hải Dương, dư địa cho phát triển rất lớn. Tuy nhiên, cần phải có các giải pháp quyết liệt và mạnh mẽ hơn trong phát triển đối với TP Thủy Nguyên trực thuộc thành phố Hải Phòng.