Cần có biện pháp quản lý chặt chẽ
Với mục tiêu phát triển các tổ chức hành nghề công chứng ổn định, bền vững, phù hợp với nhu cầu công chứng của xã hội và có sự kiểm soát chặt chẽ của Nhà nước, so với Luật Công chứng năm 2014, dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) đã quy định nguyên tắc phát triển tổ chức hành nghề công chứng phải căn cứ vào điều kiện kinh tế - xã hội, diện tích, số lượng và mật độ phân bố dân cư, nhu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch trên địa bàn cấp huyện dự kiến thành lập (khoản 1 Điều 17). Đồng thời, điểm b khoản 1 Điều 73 của dự thảo Luật bổ sung quy định UBND cấp tỉnh: “b) Ban hành Đề án quản lý, phát triển tổ chức hành nghề công chứng tại địa phương phù hợp với quy định của Luật này”.
Trước đây, các loại sản phẩm hàng hóa dịch vụ đều có quy hoạch, nhưng đến nay, theo quy định của Luật Quy hoạch 2017, nhiều loại hình hàng hóa, dịch vụ đã không còn quy hoạch tổng thể phát triển ngành, trong đó có việc tổ chức hành nghề công chứng. Dự thảo Luật cũng có đề cập đến tiêu chuẩn, tiêu chí, điều kiện, nhưng chưa nêu rõ cơ quan nào ban hành.
Do đó, cần nghiên cứu quy định rõ trách nhiệm của Bộ Tư pháp trong việc ban hành tiêu chuẩn, tiêu chí, điều kiện thành lập tổ chức hành nghề công chứng; về phía địa phương sẽ chịu trách nhiệm quản lý nhà nước trên địa bàn. Bỏ quy hoạch không có nghĩa là không có quản lý, mà quản lý bằng phương pháp khác, nhưng không cứng như trước đây là quản lý bằng quy hoạch.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ
Thẩm tra sơ bộ, Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận được 2 loại ý kiến khác nhau về nội dung này. Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy, công chứng vừa là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo quy định của Luật Đầu tư, vừa là nghề tư pháp thuộc dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu theo Quyết định số 2069/QĐ-TTg ngày 8.12.2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu thuộc ngành Tư pháp. Do đó, cần phải có các biện pháp quản lý chặt chẽ tổ chức và hoạt động công chứng phù hợp với đặc thù của việc cung cấp dịch vụ nhằm bảo đảm phát triển ổn định, bền vững.
Tuy nhiên, việc dự thảo Luật bổ sung quy định tại khoản 1 Điều 17 và điểm b khoản 1 Điều 73 là nội dung quản lý mang tính chất quy hoạch phát triển hàng hóa, dịch vụ là chưa phù hợp do loại quy hoạch này đã bị bãi bỏ theo quy định của Luật Quy hoạch. Hồ sơ dự án Luật chưa thể hiện Chính phủ đã thực hiện đánh giá tác động của việc bãi bỏ Quy hoạch tổng thể phát triển các tổ chức hành nghề công chứng theo yêu cầu của Nghị quyết số 61/2022/QH15 của Quốc hội nên chưa có cơ sở đề xuất biện pháp quản lý có tính chất quy hoạch như dự thảo Luật. Do đó, các ý kiến này đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, làm rõ sự cần thiết, căn cứ, tính hợp lý và yêu cầu bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật trong việc quy định bổ sung nguyên tắc thành lập tổ chức hành nghề công chứng.
Một số ý kiến khác trong Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng, quy định của dự thảo Luật có những điểm hợp lý nhất định phù hợp với đặc thù của hoạt động công chứng, đáp ứng nhu cầu thực tiễn, khắc phục các vướng mắc hiện nay. Và nếu quy định theo hướng này thì cần sửa đổi quy định có liên quan của Luật Quy hoạch để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Cùng với đó, cần có quy định để loại bỏ cơ chế “xin - cho”, lạm dụng quyền được thành lập Văn phòng công chứng để trục lợi, dễ phát sinh tiêu cực trong việc thành lập các tổ chức hành nghề công chứng.
“Bỏ quy hoạch không có nghĩa là không có quản lý...”
Cho ý kiến với nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, công chứng là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo Luật Đầu tư nhưng đồng thời cũng là loại hình dịch vụ sự nghiệp công mang tính chất thiết yếu cơ bản. Về nguyên tắc, Chính phủ chịu trách nhiệm quản lý nhà nước đối với lĩnh vực công chứng, Bộ Tư pháp là cơ quan đầu mối, các địa phương thực hiện chức năng quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật.
Trước đây, các loại sản phẩm hàng hóa dịch vụ đều có quy hoạch, nhưng đến nay, theo quy định của Luật Quy hoạch 2017, nhiều loại hình hàng hóa, dịch vụ đã không còn quy hoạch tổng thể phát triển ngành, trong đó có việc tổ chức hành nghề công chứng. “Với tư cách cơ quan quản lý nhà nước chung, vai trò của Chính phủ là gì? Cần có chiến lược, định hướng phát triển ngành nghề này trong từng giai đoạn hay không?”.
Gợi mở vấn đề nêu trên, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, với những trường hợp các sản phẩm, dịch vụ đã bỏ quy hoạch, Bộ quản lý phải ban hành tiêu chuẩn, tiêu chí, điều kiện; trên cơ sở đó, các địa phương thực hiện quản lý. "Trong dự thảo Luật cũng có đề cập đến tiêu chuẩn, tiêu chí, điều kiện, nhưng chưa nêu rõ cơ quan nào ban hành". Chỉ rõ điều này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cần nghiên cứu quy định rõ trách nhiệm của Bộ Tư pháp trong việc ban hành tiêu chuẩn, tiêu chí, điều kiện thành lập tổ chức hành nghề công chứng; và phía địa phương sẽ chịu trách nhiệm quản lý nhà nước trên địa bàn. “Bỏ quy hoạch không có nghĩa là không có quản lý, mà quản lý bằng phương pháp khác, nhưng không cứng như trước đây là quản lý bằng quy hoạch”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Đồng tình với quan điểm nêu trên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phân tích: Luật Quy hoạch đã bỏ quy định về quy hoạch hàng hóa sản phẩm nhưng thay vào đó là quy định về điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn. Trong khoản 1 Điều 17 dự thảo Luật cũng có định hướng quy định chi tiết nội dung này để giúp công tác quản lý hệ thống văn phòng công chứng trên toàn quốc, nhưng vẫn chưa thực sự rõ ràng. “Thế nào là phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, về diện tích, số lượng cũng như mật độ phân bổ dân cư, nhu cầu công chứng các giao dịch của tổ chức, cá nhân trên địa bàn quận, huyện, thị xã”. Chia sẻ băn khoăn, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị, cần tiếp tục rà soát để quy định cụ thể, rõ ràng hơn, bảo đảm thuận lợi cho quá trình tổ chức thực hiện.
Mặt khác, Điều 42 dự thảo Luật quy định “công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng chỉ được công chứng giao dịch về bất động sản trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở, trừ trường hợp công chứng di chúc, văn bản từ chối nhận di sản, văn bản ủy quyền liên quan đến bất động sản, thỏa thuận xác lập chế độ tài sản vợ chồng và công chứng việc sửa đổi, bổ sung, chấm dứt, hủy bỏ các văn bản này”. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, cần xem xét kỹ lưỡng nội dung quy định tại Điều 42, vì còn mâu thuẫn với khoản 1 Điều 17 quy định phạm vi văn phòng công chứng chỉ trên địa bàn cấp huyện.
Trong phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thẩm tra tiếp tục rà soát, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, bao gồm tính thống nhất giữa dự thảo luật này với các luật khác, giữa những quy định của dự thảo luật với nhau. Đối với nội dung về nguyên tắc thành lập tổ chức hành nghề công chứng cần thể hiện rõ việc thành lập tổ chức hành nghề công chứng trong điều kiện không có quy hoạch văn phòng công chứng thì phải thực hiện bằng các biện pháp quản lý khác như tiêu chuẩn, tiêu chí, chiến lược và định hướng phát triển ngành.