Tái cơ cấu nông nghiệp ở An Giang

Phát triển nông nghiệp ứng phó biến đổi khí hậu

- Thứ Sáu, 10/09/2021, 06:26 - Chia sẻ
An Giang là tỉnh chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu như: Nhiệt độ tăng và hạn hán gay gắt, kéo dài vào mùa khô, mưa to và kéo dài vào mùa mưa..., ảnh hưởng lớn tới sản xuất nông nghiệp. Do vậy, tỉnh xác định giải pháp trọng tâm trong tái cơ cấu nông nghiệp là đổi mới tư duy sang phát triển kinh tế nông nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu.

Mạnh dạn chuyển dịch sản xuất

Nhìn lại kết quả thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp thời gian qua, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN - PTNT) tỉnh An Giang Nguyễn Sĩ Lâm vui mừng xác nhận “đã đạt được nhiều kết quả tích cực”.

Tính từ thời điểm năm 2015, khi UBND tỉnh ban hành Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp, tốc độ tăng trưởng bình quân ngành nông nghiệp giai đoạn 2015 - 2020 đạt 2,3%/năm. Giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2020 là 192 triệu/ha, tăng 85 triệu so với năm 2014. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn liên tục tăng, nếu như năm 2015 chỉ đạt 29 triệu đồng thì đến năm 2020 đạt gần 50 triệu đồng.

 Đáng chú ý, tỉnh đã từng bước hình thành được các vùng sản xuất chuyên canh, tập trung quy mô lớn đối với các sản phẩm chủ lực như: cá tra (Long Xuyên, Châu Phú, Tân Châu, Châu Thành…); trái cây (Tri Tôn, Chợ Mới, Tịnh Biên, An Phú…); rau màu (Châu Phú, Chợ Mới, An Phú…) gắn với liên kết, tiêu thụ theo chuỗi giá trị nông sản, bảo đảm chất lượng và nhu cầu thị trường.

Nét nổi bật là An Giang đã đẩy mạnh chuyển dịch sản xuất nông nghiệp theo hướng giảm dần diện tích trồng lúa, gắn với phát triển nông nghiệp công nghệ cao, thị trường ổn định, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực. Tổng diện tích đã thực hiện chuyển đổi từ trồng lúa sang cây rau, màu và cây ăn trái đến nay đạt trên 22.500ha, qua đó tăng thu nhập cho người dân cao hơn từ 2 - 4 lần so với trồng lúa.

Xác định thu hút, mời gọi đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn là một trong những giải pháp quan trọng nhằm thực hiện hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thời gian qua, tỉnh An Giang đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Qua đó, tỉnh đã thu hút 60 dự án đầu tư vào nông nghiệp trên tổng số 231 dự án đã đăng ký, với tổng vốn đăng ký hơn 22.800 tỷ đồng, chiếm trên 26% tổng số dự án và gần 44% tổng vốn đăng ký đầu tư.

Mặc dù vậy, tái cơ cấu nông nghiệp tỉnh An Giang vẫn còn một số khó khăn, hạn chế, như: Tăng trưởng nông nghiệp vẫn còn chậm, chưa đạt chỉ tiêu đề ra. Ứng dụng công nghệ cao, công nghệ hiện đại vào sản xuất, chế biến còn nhiều hạn chế, chưa tạo được đột phá để nâng cao giá trị gia tăng, sức cạnh tranh, chưa tạo ra sự khác biệt trong sản xuất nông nghiệp của An Giang so với các tỉnh khác. Thị trường tiêu thụ nông sản thiếu bền vững, chưa đủ đáp ứng được sức sản xuất lớn và đang gia tăng của nền nông nghiệp hàng hóa…

Mạnh dạn chuyển đổi sản xuất, diện tích trồng lúa của tỉnh An Giang đang giảm dần

Nguồn: Tuyên giáo An Giang 

Sản xuất hàng hóa chia theo từng vùng sinh thái

Là một trong những tỉnh chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, lãnh đạo tỉnh An Giang xác định giải pháp chủ yếu trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp thời gian tới là phải đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng trong nông nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị và sức cạnh tranh sản phẩm. Trọng tâm là đổi mới tư duy từ sản xuất nông nghiệp đơn thuần sang phát triển kinh tế nông nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong đó, tỉnh tập trung theo hướng sản xuất và kinh doanh giống (lúa, cá tra), sản xuất hàng hóa theo hướng chế biến sản phẩm giá trị gia tăng, ứng dụng khoa học công nghệ và công nghệ cao gắn theo chuỗi liên kết với doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo trục thủy sản - cây ăn trái - lúa gạo, phát triển các ngành hàng có lợi thế dựa trên các trụ cột: Đổi mới, sáng tạo, ứng dụng khoa học - kỹ thuật; xây dựng thương hiệu sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn thị trường nội địa và xuất khẩu; phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, xem doanh nghiệp là đầu tàu thúc đẩy liên kết sản xuất và tiêu thụ hàng hóa nông sản.

Song song với đó, tỉnh xây dựng và triển khai có hiệu quả các dự án hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, gồm: Dự án phát triển bền vững cây ăn quả, Dự án sản xuất giống lúa, Dự án thực phẩm nông nghiệp an toàn. Tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình xây dựng nông thôn mới, Đề án phát triển giống cá tra 3 cấp. Huy động nguồn lực tổng hợp đầu tư cho phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu. Tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp ứng dụng và đổi mới công nghệ trong sản xuất và chế biến sản phẩm. Đồng thời, tỉnh nghiên cứu, rà soát, điều chỉnh kế hoạch sản xuất hàng hóa gắn với lợi thế của từng địa phương, chia theo từng vùng sinh thái (vùng đầu nguồn, vùng núi, vùng đồng bằng, vùng cù lao…) đồng bộ với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Đan Thanh