Việt Nam đang hội tụ đủ điều kiện cho ngành bán dẫn và AI
Tại hội thảo “Doanh nghiệp và thế hệ trẻ trước làn sóng trí tuệ nhân tạo (AI), bán dẫn: Biến thách thức thành cơ hội”, do Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) phối hợp tổ chức chiều 1.10, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, nếu muốn vượt qua bẫy thu nhập trung bình, cụ thể hóa các mục tiêu phát triển thịnh vượng, Việt Nam cần phải có tốc độ tăng trưởng cao và liên tục. Dù đây là thách thức rất lớn, đòi hỏi phải biết chắt chiu cơ hội nhỏ nhất, phải dựa vào chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đổi mới sáng tạo cũng như các ngành công nghiệp công nghệ cao gồm bán dẫn, AI…, ông Dũng nhìn nhận.
Cũng theo Bộ trưởng, Việt Nam đã và đang hội tụ đủ điều kiện cho phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và AI, do có chính trị ổn định, quyết tâm chính trị cao trong phát triển các ngành này. Việt Nam có dân số hơn 100 triệu người, đứng thứ 13 thế giới, đang trong thời kỳ dân số vàng với lực lượng lao động trẻ dồi dào, có năng lực tiếp cận khoa học công nghệ, nhất là STEM vốn được đánh giá cao.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã lựa chọn phát triển hai ngành này, từ năm 2021 đã ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030, đặc biệt là mới đây Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn cùng Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn đến năm 2030 và tầm nhìn 2050. Đây là những cơ sở quan trọng để phát triển bán dẫn và AI. Cùng với đó, Việt Nam hiện đã cơ bản hình thành hệ sinh thái ngành bán dẫn, với sự tham gia của nhiều tập đoàn lớn của thế giới… Đây là những nền tảng quan trọng để Việt Nam phát triển ngành bán dẫn cũng như AI.
Đồng tình cho rằng Việt Nam đang có cơ hội rất lớn để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, dựa vào đổi mới sáng tạo, ông Trần Đăng Hòa, Chủ tịch FPT Semiconductor bổ sung, AI và bán dẫn hiện đang có tốc độ tăng trưởng rất lớn, với mức tăng trưởng khoảng 30%/năm, dự kiến sớm đạt quy mô thị trường 1.000 tỷ USD trong giai đoạn từ nay đến năm 2030. Việt Nam đầu tư nhiều vào STEM, có nguồn nhân lực giỏi về Toán, Vật lý, Hóa học.
Cũng theo ông Hòa, trong vòng hai năm qua, rất nhiều chính sách của Chính phủ, các bộ, ngành được ban hành để hỗ trợ công nghiệp bán dẫn và AI phát triển. Như vậy, Việt Nam đang hội tụ cả về yếu tố thị trường lẫn những hỗ trợ từ phía Chính phủ, cùng lực lượng công nghệ ham học hỏi. Đây là những cơ hội vô cùng to lớn cho sự phát triển bán dẫn và AI, ông Hòa phát biểu.
Cần gỡ 3 vấn đề cho nhân lực
Mặc dù vậy, Chủ tịch FPT Semiconductor cho rằng, Việt Nam cũng đang gặp những thách thức. Đó là số lượng kỹ sư liên quan đến AI, bán dẫn còn ít, trong khi thực tế rất cần kỹ sư chuyên môn. Chương trình đào tạo cũng chưa theo kịp tốc độ tăng trưởng công nghệ. Hiện, công nghệ thay đổi theo 6 tháng, 12 tháng hay 18 tháng, trong khi chương trình học không theo kịp. Ngoài ra, Việt Nam đang thiếu giảng viên có kinh nghiệm thực tế, hiện mới chỉ tập trung ở lý thuyết. Đây là 3 thách thức cần lời giải.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của đào tạo nhân lực, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, với lực lượng dân số vàng hiện nay, vấn đề là phải phát huy, tận dụng được. Điều này đòi hỏi các viện nghiên cứu, trường đại học phải đào tạo. Nếu không tận dụng được nguồn lao động này, sau năm 2030 Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn già hóa dân số và sẽ rơi vào tình trạng “chưa giàu đã già”, Bộ trưởng lưu ý.
Mặt khác, theo Bộ trưởng, Chương trình phát triển nguồn nhân lực bán dẫn được coi là “đột phá của đột phá, then chốt của then chốt”, cần phải làm càng nhanh càng tốt và cần sự chung tay của các viện, trường, doanh nghiệp, các bộ, ngành, địa phương để cụ thể hóa mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư cho ngành bán dẫn. Nếu làm tốt, chúng ta có thể đạt nhiều hơn, ông Dũng tin tưởng.
Ông Alexey Navolokin, Giám đốc Kinh doanh Thương mại khu vực châu Á Thái Bình Dương và Nhật Bản, Tập đoàn AMD cho rằng, thị trường AI hiện rất lớn và tiềm năng, Việt Nam cần phải tận dụng. Thực tế, Chính phủ Việt Nam đang tạo rất nhiều cơ chế khuyến khích cùng các sáng kiến để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thậm chí là kêu gọi đầu tư bằng việc tinh giản quá trình cấp phép đầu tư. Tuy nhiên, ông lưu ý, cần bảo đảm nguồn năng lượng, bởi thực tế Việt Nam đã từng xảy ra tình trạng thiếu điện.