Phát triển nhà ở là trách nhiệm của Nhà nước, xã hội và người dân

Tự Cường ghi 23/12/2011 08:21

Bộ trưởng Bộ Xây dựng TRỊNH ĐÌNH DŨNG đã khẳng định tại Hội nghị Doanh nghiệp ngành Xây dựng năm 2011 vừa diễn ra tại Hà Nội: chính sách phát triển nhà ở là một trong những nội dung quan trọng của chính sách phát triển KT - XH; vừa đảm bảo cho thị trường phát triển, vừa tạo điều kiện để những người thu nhập thấp có được chỗ ở an toàn, thích hợp.

- Bộ trưởng có thể cho biết những điểm mới trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 mà Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành?

 

- Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: Phát triển nhà ở là trách nhiệm của Nhà nước, xã hội và người dân. Đây là lần đầu tiên chúng ta có Chiến lược phát triển nhà ở. Điều này thể hiện chính sách và sự quan tâm của Nhà nước đối với vấn đề nhà ở của người dânl; nhằm phát triển nguồn nhân lực phục vụ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Việc ban hành Chiến lược về phát triển nhà cũng thể hiện quan điểm hướng đến công bằng xã hội, quan tâm đến những người nghèo, người có thu nhập thấp của Nhà nước ta.

Chiến lược phát triển nhà ở đã phân rõ hai loại nhà ở gồm: nhà ở thị trường - tạo điều kiện cho mọi người mua nhà theo khả năng và nhu cầu của mình và nhà ở xã hội (nhà ở thị trường phi hàng hóa) với những cơ chế, chính sách phát triển đặc thù. 8 nhóm đối tượng sẽ được hưởng ưu đãi về nhà ở xã hội là người có công với cách mạng; hộ nghèo khu vực nông thôn; người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị; cán bộ, công chức, viên chức, nhân sỹ, trí thức, văn nghệ sỹ; sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp thuộc lực lượng vũ trang; công nhân lao động tại các nhà máy xí nghiệp; sinh viên học sinh các trường đại học, cao đẳng; đối tượng chính sách xã hội đặc biệt khó khăn.

Một điểm mới nữa là việc chiến lược hóa, pháp lệnh hóa kế hoạch xây dựng nhà ở xã hội, đưa công tác xây dựng nhà ở xã hội vào kế hoạch phát triển KT - XH hàng năm của Trung ương và địa phương.

- Có ý kiến cho rằng, trong khi nhu cầu nhà ở vẫn rất cao thì chiến lược nhà ở cho người thu nhập thấp gần như phá sản khi mới chỉ thực hiện được 1% kế hoạch. Bộ trưởng đánh giá thế nào về thực tế này?

- Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: Chúng tôi khẳng định, phát triển nhà ở trong giai đoạn vừa qua được nhiều nhưng tồn tại cũng không ít. Được nhiều nghĩa là tạo ra tài sản cố định rất lớn cho xã hội, tạo sự tăng trưởng kinh tế, giải quyết nhiều việc làm, nhiều lao động và bộ mặt đô thị ngày càng phát triển phù hợp với hội nhập quốc tế, khu vực. Song những tồn tại thì chúng ta cần phải tìm hiểu nguyên nhân để khắc phục.

Với Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn 2030 vừa được Chính phủ ban hành, Bộ sẽ tiếp tục tham mưu để ban hành các chính sách cụ thể với từng nhóm đối tượng trong phân khúc nhà ở cho người có thu nhập thấp.

- Sau khi được mở van tín dụng, phân khúc nhà ở cho người thu nhập thấp dường như vẫn chưa có sự chuyển biến rõ rệt. Doanh nghiệp vẫn khát vốn, người dân thờ ơ vì giá quá cao. Là người đứng đầu ngành Xây dựng, Bộ trưởng nhận định thế nào? 

- Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: Tôi cho rằng, việc “mở van” tín dụng nếu đúng chỗ thì chắc chắn có hiệu quả. Tuy nhiên, hiện kinh tế đang khó khăn, đặc biệt là lĩnh vực kinh doanh bất động sản, vấn đề hiệu quả của việc mở van tín dụng thì cần có thời gian.

- Thưa Bộ trưởng, có thực tế là cùng được giao mặt bằng, cùng một cơ chế ưu đãi, khuyến khích phát triển như nhau nhưng tại sao giá nhà thu nhập thấp ở Hà Nội vẫn cao gấp đôi so với Đà Nẵng và các địa phương khác?

- Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: Cá nhân tôi cũng rất quan tâm đến vấn đề này. Nhà dành cho người thu nhập thấp ở Đà Nẵng và một số nơi đã có hạ tầng, thậm chí xung quanh có đường hết nhưng ở Hà Nội thì doanh nghiệp phải làm nhiều thứ. Chi phí ở Hà Nội cao hơn từ đền bù đến mặt bằng, cho nên doanh nghiệp dễ đưa ra giá cao hơn. Việc này cần có sự can thiệp và giám sát chặt chẽ của Nhà nước. Doanh nghiệp thì luôn muốn đẩy giá nhà lên cao nhưng Nhà nước và người dân muốn kéo giá xuống, cho nên rất cần vai trò trọng tài của Nhà nước, thể hiện bằng sự hỗ trợ, can thiệp thêm về giá để bảo đảm cả doanh nghiệp và người dân đều có lợi.

- Bộ trưởng có thể cho biết những giải pháp cụ thể của Bộ trong việc giải quyết nhà ở cho những người thu nhập thấp, khó khăn về vấn đề nhà ở?

- Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: Trước hết, Bộ Xây dựng sẽ hoàn thiện hệ thống các quy định pháp luật, hệ thống các chính sách liên quan đến nhà ở, đặc biệt là những chính sách đặc thù để khuyến khích các tập đoàn, doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội. Hơn nữa, cần làm tốt công tác quy hoạch, các Nghị định sẽ được ban hành theo hướng có quy định cụ thể từng phân khu xây dựng nhà ở xã hội. Bộ sẽ tham mưu cho Chính phủ các giải pháp khuyến khích xây dựng nhà ở xã hội theo nhiều hình thức khác nhau như đổi đất lấy nhà ở, hình thức BOT… sau đó Nhà nước quản lý quỹ nhà ở xã hội này và bán rẻ hay cho thuê dài hạn cho các đối tượng thu nhập thấp khó khăn về nhà ở. Bên cạnh đó là giải pháp khoa học công nghệ, Bộ Xây dựng cùng các cơ quan có chính sách cụ thể, học hỏi, áp dụng các phương pháp hiện đại nhằm thiết kế, xây dựng các khu nhà ở có tuổi thọ cao nhưng giá thành thấp.

- Xin cám ơn Bộ trưởng!

    Nổi bật
        Mới nhất
        Phát triển nhà ở là trách nhiệm của Nhà nước, xã hội và người dân
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO