![Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. Ảnh: Hồ Long Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. Ảnh: Hồ Long](https://cdn.daibieunhandan.vn/images/c6b8207458d670fd53ca5d13d329a300faa4f09e73cac621bb0723576cd0a6cc730fec9625bd7ed0c95f9a40df7261be63c732b32346b4ada4b0875a17e0fb496692b2d5e0324162ea7e2f0c5bd94b98/pho-chu-tich-quoc-hoi-nguyen-duc-hai-dieu-hanh-1.jpg)
Sáng 17.2, tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ Chín, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
![Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. Ảnh: Hồ Long Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. Ảnh: Hồ Long](https://cdn.daibieunhandan.vn/images/3f058b6c6b27d3551d8611e329d17b5a4a86b0c47d5af748164673197b2be32e155c4247878769ecf2e54911a7d17315/pct-nguyenduchai.jpg)
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. Ảnh: Hồ Long
Nâng cao mối quan hệ giữa nhà khoa học, nhà trường và doanh nghiệp
Các ĐBQH cơ bản nhất trí việc xây dựng và ban hành Nghị quyết để thí điểm những chính sách nhằm tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Quá trình phát triển của các quốc gia đều cho thấy chỉ có dựa trên sự phát triển khoa học và công nghệ thì mới có thể phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.
Do vậy, theo các đại biểu, việc ban hành Nghị quyết này là hết sức cấp thiết trong bối cảnh hiện nay để thực hiện thành công mục tiêu tăng trưởng 8% năm 2025 và trên 10% trong những năm tiếp theo, đặc biệt để triển khai ngay Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị.
![ĐBQH Nguyễn Duy Minh (Đà Nẵng) phát biểu. Ảnh: Hồ Long dbqh-nguyen-duy-minh-da-nang.jpg](https://cdn.daibieunhandan.vn/images/c6b8207458d670fd53ca5d13d329a30088d15d91791bf794bb863ce37fe64faadc0806f1963181fa62bbe641119908ba978d9b80cc3ca345c8abe1ffd7129d9b/dbqh-nguyen-duy-minh-da-nang.jpg)
Cho ý kiến về phạm vi điều chỉnh, ĐBQH Nguyễn Duy Minh (Đà Nẵng) chỉ rõ, hiện nay dự thảo Nghị quyết mới chỉ quy định về thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ chi tiêu tài chính từ ngân sách nhà nước trong lĩnh vực khoa học công nghệ, chuyển đổi số.
Đại biểu nhận thấy, quy định như vậy còn quá hẹp và chưa đề cập đến việc tháo gỡ vướng mắc trong đầu tư kết cấu hạ tầng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Do đó, cần điều chỉnh Điều 1 của dự thảo Nghị quyết theo hướng “quy định về một số cơ chế, chính sách đặc thù tháo gỡ các vướng mắc trong đầu tư phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia từ nguồn ngân sách, nguồn ngoài ngân sách và các nguồn hợp pháp khác” để tháo gỡ những vướng mắc, nhằm thu hút nhanh chóng, mạnh mẽ các nguồn lực xã hội, đẩy mạnh hợp tác công tư cho đầu tư phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
![ĐBQH Hoàng Minh Hiếu (Nghệ An) phát biểu. Ảnh: Hồ Long dbqh-hoang-minh-hieu-nghe-an.jpg](https://cdn.daibieunhandan.vn/images/c6b8207458d670fd53ca5d13d329a3009f55999228adc0a585aa110618d3cd71af5bd8d1d5abd355d98c0fdd7e03ca281b6bf78f4c7de430af4aad31c02ced3c/dbqh-hoang-minh-hieu-nghe-an.jpg)
Liên quan đến việc sắp xếp, tổ chức lại các tổ chức khoa học và công nghệ, theo ĐBQH Hoàng Minh Hiếu (Nghệ An), dự thảo Nghị quyết đã có các chính sách để nâng cao mối quan hệ giữa nhà khoa học, nhà trường và doanh nghiệp.
Tuy nhiên, bên cạnh các giải pháp hiện tại, cần nghiên cứu sắp xếp, tổ chức lại các tổ chức khoa học và công nghệ để khắc phục tình trạng chồng chéo, dàn trải, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực nghiên cứu, gắn với quá trình cơ cấu lại ngành khoa học và công nghệ.
Trong đó, cần chuyển các tổ chức khoa học và công nghệ công lập hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản về trực thuộc các trường đại học để thúc đẩy gắn kết giữa nghiên cứu với đào tạo. “Điều này cũng là điều kiện để có thể thực hiện được việc đầu tư các phòng thí nghiệm trọng điểm ở các trường đại học”, đại biểu Hoàng Minh Hiếu nêu rõ.
Triển khai chính sách đặc biệt với đội ngũ nhà khoa học trẻ
Chính sách thu hút, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho việc phát triển khoa học và công nghệ là một trong những nội dung nhận được sự quan tâm của các đại biểu.
Khẳng định đây là vấn đề rất cấp bách vì để phát triển những ngành khoa học và công nghệ mới, thì nhân sự luôn là vấn đề cơ bản nhất, đại biểu Hoàng Minh Hiếu nêu thực tế, chúng ta hiện đang có nhu cầu rất lớn đối với nguồn nhân lực chất lượng cao này.
Chẳng hạn như trong ngành công nghệ thông tin, theo nghiên cứu của Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam, riêng trong năm 2025, Việt Nam thiếu 150.000 - 200.000 nhân lực công nghệ thông tin, đặc biệt ở các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo (AI), Big Data, lập trình viên và bảo mật an ninh mạng.
Để có đủ số lượng này, theo đại biểu Hoàng Minh Hiếu, vừa cần có các chuyên gia quốc tế có kinh nghiệm để đào tạo nhân lực trong nước, vừa cần có những nhân sự người nước ngoài đến làm việc ở Việt Nam.
Do vậy, đại biểu Hoàng Minh Hiếu cho rằng, phải có chính sách để tạo điều kiện để các doanh nghiệp, trung tâm nghiên cứu có thể tuyển dụng đội ngũ chuyên gia người Việt ở nước ngoài cũng như chuyên gia quốc tế tham gia đào tạo, nuôi dưỡng nhân tài ở Việt Nam thông qua các chính sách như hỗ trợ về thị thực, miễn giảm thuế và các chính sách khác để họ có thể tham gia làm việc và đào tạo nhân tài một cách ổn định, lâu dài tại Việt Nam.
“Đặc biệt, chính sách này phải được ban hành một cách kịp thời và cạnh tranh vì hiện nay các nước trong khu vực cũng đã có những chính sách thị thực rất cởi mở để thu hút nhân sự chất lượng cao như chương trình visa vàng của Thái Lan được ban hành trong năm 2024, hoặc Indonesia dự kiến ban hành trong năm nay”, đại biểu thông tin.
Chỉ rõ, đây cũng là một trong những giải pháp được đề cập trong Đề án phát triển kinh tế đạt mục tiêu tăng trưởng 8% được Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp này nhưng chưa được kết nối, cụ thể hóa trong dự thảo Nghị quyết, đại biểu Hoàng Minh Hiếu đề nghị, cần nghiên cứu để thực hiện ngay trong năm 2025 để đáp ứng kịp thời với nhu cầu thực tiễn, phấn đấu để Việt Nam trở thành điểm đến của tri thức tiên tiến của nhân loại.
![ĐBQH Triệu Thị Ngọc Diễm (Sóc Trăng) phát biểu. Ảnh: Hồ Long dbqh-trieu-thi-ngoc-diem-soc-trang.jpg](https://cdn.daibieunhandan.vn/images/c6b8207458d670fd53ca5d13d329a30080856a987e1636290c21123b2db2a1c7787dc241f6e9eed9d3b95f121bb64000508b471d31b968689d74f76ade107fd3/dbqh-trieu-thi-ngoc-diem-soc-trang.jpg)
Nêu thực tế ở một số địa phương, ĐBQH Triệu Thị Ngọc Diễm (Sóc Trăng) cho biết, nguồn nhân lực về khoa học và công nghệ còn chưa tương xứng và ngang bằng nhiệm vụ. Việc xây dựng lực lượng nhân sự khoa học và công nghệ có chất lượng cao không chỉ giải quyết rào cản nguồn lực, tận dụng tư duy đột phá, chống chảy máu chất xám mà còn có thể phát triển, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, xây dựng hệ sinh thái bền vững.
Xuất phát từ thực trạng hiện nay, để con người thực sự vừa là giải pháp ưu tiên hàng đầu cũng vừa là giải pháp mang tính quyết định cho nhiệm vụ phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, đại biểu Triệu Thị Ngọc Diễm đề nghị, dự thảo Nghị quyết cần có chính sách đãi ngộ đặc biệt như: cơ chế tiền lương, thưởng hỗ trợ cho các nhà khoa học đầu ngành tương tương với các nước trong khu vực; triển khai các chương trình nghiên cứu trọng điểm, thu hút các chuyên gia đầu ngành của quốc tế.
Đồng thời, triển khai các chính sách đặc biệt dành cho đội ngũ nhà khoa học trẻ của lĩnh vực khoa học công nghệ.
Cụ thể, như hỗ trợ tài chính và cơ hội nghiên cứu, ưu tiên kinh phí nghiên cứu cho trí thức trẻ, trong đó quy định tối thiểu 30% ngân sách nghiên cứu khoa học và công nghệ từ các quỹ khoa học và công nghệ quốc gia và địa phương dành cho các nhà khoa học trẻ dưới 35 tuổi.
Hỗ trợ tài chính khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thông qua Quỹ Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trẻ; cung cấp vốn không hoàn lại, vốn vay ưu đãi cho các dự án nghiên cứu; ứng dụng công nghệ của trí thức trẻ, hỗ trợ chi phí đăng kí sở hữu trí tuệ...