Phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn: Cần tiến tới xây dựng sàn giao dịch công nghệ và nhân lực

TS Nguyễn Ngọc Sơn, Ủy viên Thường trực Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, cần tiến tới xây dựng sàn giao dịch công nghệ và nhân lực. Đây là một trong những vấn đề quan trọng, bởi phải có sàn này mới có thể tìm kiếm và đặt hàng các dịch vụ đào tạo, nghiên cứu từ các cơ sở đào tạo và ngược lại giúp cho kết nối cung - cầu hiệu quả.

Ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn là ngành công nghiệp nền tảng, là bộ phận cốt lõi của ngành công nghiệp điện tử, có vai trò quan trọng trong sự phát triển của các công nghệ, giải pháp công nghệ mới hiện nay. Đẩy mạnh nghiên cứu, đầu tư, phát triển ngành công nghiệp bán dẫn đang trở thành “cuộc đua” mới giữa các quốc gia, các nền kinh tế trong thế kỷ 21.

Mỗi quốc gia đều có chiến lược riêng phát triển sản phẩm, nhóm sản phẩm trong hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn dựa trên thế mạnh của mình. Việt Nam đang đứng thứ 9 toàn cầu về xuất khẩu hàng điện tử và được quốc tế đánh giá là nước có hệ sinh thái bán dẫn phát triển nhanh.

Trao đổi với Báo Đại biểu Nhân dân, TS Nguyễn Ngọc Sơn, Ủy viên Thường trực Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nhìn nhận, đây là một trong những thời cơ quan trọng để Việt Nam gặt hái được thành công trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn.

Phát triển ngành công nghiệp bán dẫn: Cần tiến tới xây dựng sàn giao dịch công nghệ và nhân lực -0
TS Nguyễn Ngọc Sơn, Ủy viên Thường trực Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội (Ảnh: Duy Thông)

Ngành công nghiệp bán dẫn có vai trò rất quan trọng trong chuyển đổi số

-Hiện nay, Chính phủ đặc biệt quan tâm việc đẩy mạnh hợp tác đầu tư, phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn ở Việt Nam, xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao với mục tiêu hình thành đội ngũ 50.000 kỹ sư cho đến năm 2030. Để xây dựng và triển khai được chương trình đào tạo phù hợp, đáp ứng mục tiêu này thì việc đầu tiên cần phải làm là gì, thưa ông?

TS Nguyễn Ngọc Sơn: Chuyển đổi số là yêu cầu khách quan, là lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu để phát triển của mọi quốc gia. Việt Nam cũng nằm trong xu hướng đó. Ngành công nghiệp bán dẫn có vai trò rất quan trọng trong chuyển đổi số, là nền tảng của 3 chuyển đổi mang tính cách mạng - đó là chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và chuyển đổi thông minh.

Kết luận số 64-KL/TW ngày 18.10.2023 của Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII đã yêu cầu "tập trung đào tạo 50.000 - 100.000 nhân lực chất lượng cao cho ngành sản xuất chip bán dẫn đến năm 2025 và năm 2030". Tôi đồng tình với cách tiếp cận của Chính phủ khi triển khai yêu cầu của Ban chấp hành Trung ương, từ việc xác định rõ cần làm gì và cần làm như thế nào để chúng ta có thể thực hiện được nhiệm vụ này.

Hiện nay, Chính phủ đã đưa ra một quan điểm rất rõ rằng, phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp bán dẫn là “đột phá của đột phá” về đào tạo nguồn nhân lực và cần đầu tư xứng tầm thì đột phá này mới mang lại giá trị đích thực và thực sự đảm bảo được mục tiêu Trung ương đã đề ra. Trước mắt, tôi cho rằng Chính phủ cần đánh giá xem nội tại của chúng ta có những điểm mạnh nào, những thách thức, cơ hội nào để từ đó đưa ra những giải pháp phù hợp.

Theo tôi, đây là một cơ hội rất lớn, mang tới tiềm năng tăng trưởng cho kinh tế Việt Nam. Vấn đề ở chỗ là chúng ta phải nắm bắt kịp thời, có nghĩa thời gian là vấn đề rất quan trọng. 

Chính phủ cũng rất nỗ lực, cố gắng. Khung pháp lý về ngành công nghiệp chip bán dẫn hiện cũng đã có, được thể hiện rải rác trong một số luật như Luật Công nghệ thông tin, Luật Khoa học công nghệ, Luật Chuyển giao công nghệ và đặc biệt trong Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 của Chính phủ cũng đã làm rõ yêu cầu, nhiệm vụ này. Chúng ta chỉ cần xác định xem chúng ta phải làm gì.

Chính phủ đã đặt ra 2 vấn đề mà tôi hoàn toàn đồng tình. Thứ nhất là xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách đặc thù, ưu tiên và đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho công nghiệp bán dẫn; đầu tư cho hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực bán dẫn; đào tạo đội ngũ giáo viên, giảng viên và giáo trình phù hợp. Đặc biệt, có phương thức phát triển nguồn nhân lực công nghiệp bán dẫn, tiếp cận với đột phá trước mắt cũng như lâu dài mà chúng ta đã xác định ra.

Thứ hai là vấn đề yêu cầu các Bộ Ngành, các địa phương phải quyết tâm, quyết liệt trong chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện nội dung này.

Chính phủ đang nghiên cứu để xây dựng Đề án Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Để thực hiện mục tiêu đề ra, tổng mức kinh phí thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của Đề án đến năm 2030 khoảng 26.000 tỷ đồng; trong đó ngân sách Nhà nước khoảng 17.000 tỷ đồng và nguồn xã hội hóa khoảng 9.000 tỷ đồng. 

Tôi cho rằng, Đề án này nếu sớm được ban hành thì việc tổ chức triển khai nhiệm vụ theo Kết luận số 64-KL/TW của Ban chấp hành Trung ương, cũng như yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ trong thời gian vừa qua sẽ phát huy hiệu lực và hiệu quả.

Phát triển ngành công nghiệp bán dẫn: Cần tiến tới xây dựng sàn giao dịch công nghệ và nhân lực -0
Ngành công nghiệp bán dẫn có vai trò rất quan trọng trong chuyển đổi số, là nền tảng của 3 chuyển đổi mang tính cách mạng: chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và chuyển đổi thông minh (Hình minh họa)

7 trụ cột của ngành công nghệ vi mạch bán dẫn

-Theo ông, trụ cột của ngành công nghệ vi mạch bán dẫn gồm những gì?

TS Nguyễn Ngọc Sơn: Tôi hoàn toàn đồng tình với 5 trụ cột trong phát triển ngành công nghiệp bán dẫn được Chính phủ đưa ra (gồm Phát triển hạ tầng; Xây dựng và hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; Đào tạo nguồn nhân lực; Huy động nguồn lực; Xây dựng hệ sinh thái cho sự phát triển ngành công nghiệp bán dẫn). Nhưng cá nhân tôi cho rằng, sẽ có 7 trụ cột trong ngành công nghiệp bán dẫn.

Trụ cột thứ nhất là nghiên cứu và phát triển. Đây là một trong những trụ cột rất quan trọng khi chúng ta bắt đầu thực hiện.

Trụ cột thứ hai là nguồn nhân lực chất lượng cao, bởi con người sẽ quyết định vấn đề chúng ta sớm hay muộn có thể triển khai được.

Trụ cột thứ ba là hạ tầng công nghệ và sản xuất. Đây cũng là trụ cột quan trọng, được Chính phủ rất quan tâm. Nếu chúng ta có con người nhưng không có hạ tầng thì không thể thực hiện, mà vấn đề hạ tầng đòi hỏi nguồn đầu tư rất lớn.

Trụ cột thứ tư là chính sách và khung pháp lý. Hiện nay, khung pháp lý về ngành công nghiệp chip bán dẫn được thể hiện rải rác ở một số Luật như Luật Công nghệ thông tin, Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Công nghệ cao. Riêng Luật Công nghệ cao hiện chưa có các Nghị định hướng dẫn. Do đó, việc chúng ta đầu tư vào vi mạch bán dẫn là cực khó nếu không sửa trụ cột liên quan đến chính sách và khung pháp lý.

Vừa rồi, Chính phủ đã nhận thức được vấn đề này và đã sớm trình Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số, dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 và thông qua tại Kỳ họp thứ 9. Đây sẽ là cơ sở quan trọng cho khung pháp lý để triển khai. Trước mắt chưa ban hành được luật, sửa được luật thì chúng ta đã ban hành Đề án để tổ chức triển khai một cách kịp thời. Quan điểm của các đại biểu Quốc hội cũng đồng tình với Chính phủ rằng: chúng ta phải nhanh chóng, khẩn trương, như Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng có nói phải thực hiện trong vòng 24 tháng, đặc biệt với 3 nhiệm vụ cốt lõi. Nếu để qua thời gian trôi đi, không chớp được cơ hội sẽ rất khó khăn.

Trụ cột thứ năm là thị trường và ứng dụng. Đây là một trong những trụ cột mà Việt Nam đang rất yếu. Việc chúng ta nghiên cứu ra nhưng chuyển giao như thế nào thì đang vướng rất nhiều. Nhiều nhà khoa học nói rằng chúng ta “bỏ công trình nghiên cứu ở gầm bàn, ngăn kéo” rất nhiều. Bây giờ chúng ta làm thế nào để có thị trường ứng dụng nghiên cứu khoa học, công nghệ mới là quan trọng. Chúng ta đào tạo ra con người nhưng lại không có thị trường, không ứng dụng được thì cũng rất khó.

Trụ cột thứ sáu là hợp tác và liên kết. Đây là trụ cột mà chúng ta phải tiếp cận với thế giới, nhưng đồng nghĩa với việc phải hấp thụ nó và lan tỏa cái của mình với thế giới thì mới có một thị trường liên quan đến chip bán dẫn.

Trụ cột thứ bảy là công nghiệp phụ trợ. Đây cũng là trụ cột Việt Nam đang yếu khi công nghiệp phụ trợ hiện chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Trong thảo luận về kinh tế xã hội, với vai trò là Đại biểu Quốc hội, chúng tôi sẽ nói về câu chuyện liên quan đến công nghiệp phụ trợ này.

Tôi cho rằng, nếu chúng ta thực hiện tốt được 7 trụ cột này theo từng lộ trình nhất định, chắc chắn ngành công nghiệp bán dẫn của chúng ta sẽ đạt được như kỳ vọng.

Phát triển ngành công nghiệp bán dẫn: Cần tiến tới xây dựng sàn giao dịch công nghệ và nhân lực -0
Phát triển ngành công nghiệp bán dẫn: Cần tiến tới xây dựng sàn giao dịch công nghệ và nhân lực -0
TS Nguyễn Ngọc Sơn cùng các vị khách mời tham dự Tọa đàm Phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức (Ảnh: Duy Thông)

Thờicơ quan trọng để Việt Nam gặt hái thành công

-Việt Nam đang thực hiện chiến dịch chuyển đổi số quốc gia. Trong đó, một số lĩnh vực công nghệ đang phát triển nhanh chóng như AI, IoT, điện toán đám mây, dữ liệu lớn, công nghệ 5G, 6G,… Tất cả đều trên nền tảng quan trọng và không thể thiếu là vi mạch bán dẫn. Chính phủ Việt Nam cũng xác định phát triển vi mạch bán dẫn là mũi nhọn. Theo ông, chúng ta cần chiến lược và chính sách phát triển, đầu tư như thế nào để đáp ứng được yêu cầu cấp bách này?

TS Nguyễn Ngọc Sơn: Trước hết, chúng ta phải khẳng định rằng đây là một trong những thời cơ quan trọng để Việt Nam gặt hái được thành công.

Sản xuất chip bán dẫn là một ngành, lĩnh vực rất mới. Sẽ là thách thức rất lớn nếu chúng ta chỉ đặt mục tiêu 50.000 - 100.000 nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực này, trong khi đó thị trường và các vấn đề có liên quan chưa xác định. Ngay cả Đề án Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn, chúng ta cũng phải bỏ tới 26.000 tỷ đồng. Việc thu hút được chế độ đãi ngộ, ưu đãi về thuế, ưu đãi về nhà ở, ưu đãi về các chính sách,... cho các chuyên gia, giảng viên cũng rất khó khăn.

Chỉ tính đơn giản 3 trường lớn ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, theo số liệu cũng chỉ nhận khoảng 5.000 sinh viên cho 6 năm. Như vậy, mỗi năm có khoảng 700 sinh viên, tức là lượng sinh viên có thể sử dụng trong 6 - 7 năm tới chỉ đạt đến mức 25.000 - 30.000. Nếu chúng ta không có chính sách phù hợp về giáo viên, về đào tạo, về đội ngũ, về chương trình,… thì đây là một chỉ tiêu rất khó. 

Để thực hiện chỉ tiêu này, tôi cho rằng chính sách của Đảng, Nhà nước trước hết phải thể hiện rõ rằng đây là quyết tâm chính trị và là một lĩnh vực mới, đòi hỏi phải có sự đầu tư, phải chứa đựng rủi ro. Muốn xác định như vậy, đầu tiên phải hoàn thiện khung thể chế, pháp lý giống như 7 trụ cột tôi đã đề cập và sớm ban hành Luật Công nghiệp công nghệ số.

Bên cạnh đó, phải ưu tiên một nguồn lực vốn nhất định cho việc tổ chức triển khai nhiệm vụ này. Chúng ta cũng phải có những chính sách “đột phá của đột phá” về nguồn nhân lực, đầu tư và các chính sách có liên quan.

Hiện nay, Việt Nam có rất nhiều lợi thế như nguồn nhân lực dồi dào, chi phí thấp; kinh nghiệm xuất khẩu phần mềm (Việt Nam là một trong những nước có sự thành công về xuất khẩu phần mềm); vị trí địa chính trị chiến lược và chính trị ổn định. Thời gian qua, Chính phủ cũng hỗ trợ chính sách về phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn. Đặc biệt, chúng ta đang tập trung vào tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và hướng tới xu hướng tiếp cận thế giới. Chúng ta đã có tốc độ tăng trưởng GDP trên 5%.

Tôi nghĩ rằng chúng ta phải chia nguồn lực để đầu tư trước mắt, còn dài hạn có thể nghiên cứu và phát triển, sản xuất các nguyên liệu, thiết bị sao cho phù hợp.

Cần thúc đẩy thị trường, xây dựng mạng lưới liên kết và thông tin.

-Ông nhìn nhận Việt Nam có thể làm chủ và triển khai được ngay những khâu nào trong chuỗi giá trị công nghiệp bán dẫn?

TS Nguyễn Ngọc Sơn: Tôi cho rằng, khâu đầu tiên là lắp ráp và kiểm thử. Bởi Việt Nam là một công xưởng được đặt rất nhiều nhà máy công nghệ, đơn cử như Samsung. Công nhân và các kỹ sư của chúng ta hoạt động trong lĩnh vực này rất mạnh, nên chúng ta có thể triển khai ngay ở khâu này.

Khâu thứ hai liên quan đến phát triển phần mềm và ứng dụng. Hiện nay, Việt Nam phát triển rất nhanh, mạnh về các phần mềm và ứng dụng. Ví dụ như liên quan đến IoT, AI và các hệ nhúng đang được Việt Nam áp dụng rất tốt. Đặc biệt, Bộ Thông tin và Truyền thông thời gian qua cũng tích cực cập nhật các nền tảng, phần mềm mới. Đồng hành với đó, chúng ta cũng sửa các luật có liên quan. Hiện nay, chúng ta đã sửa một số luật liên quan đến nền tảng công nghệ như Luật Giao dịch điện tử. 

Một vấn đề nữa cũng cần làm ngay chính là dịch vụ hậu mãi và bảo trì. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia có yếu tố thuận lợi. Từ đó, chúng ta có thể phát triển những sản phẩm chip mà không đòi hỏi công nghệ dẫn đầu.

Sau đó, chúng ta mới thiết kế vi mạch. Đây là giai đoạn đòi hỏi nguồn đầu tư về cơ sở vật chất cũng như cơ sở hạ tầng sản xuất rất đắt đỏ, phải đầu tư rất nhiều, nhưng mang lại giá trị gia tăng rất lớn. 

Phát triển ngành công nghiệp bán dẫn: Cần tiến tới xây dựng sàn giao dịch công nghệ và nhân lực -0
"Cần tiến tới xây dựng sàn giao dịch công nghệ và nhân lực. Đây là một trong những vấn đề rất quan trọng, bởi phải có sàn này, ta mới có thể tìm kiếm và đặt hàng các dịch vụ đào tạo, nghiên cứu từ các cơ sở đào tạo và ngược lại giúp cho kết nối cung - cầu hiệu quả", TS Nguyễn Ngọc Sơn cho hay (Ảnh: Duy Thông)

-Việc đào tạo nhân lực ngành bán dẫn đòi hỏi phải đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, tiếp cận với các công nghệ tiên tiến, hiện đại. Nhà nước giữ vai trò chủ đạo nhưng theo ông, cần cơ chế đột phá, đặc thù nào để có thể thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp trong việc đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn?

TS Nguyễn Ngọc Sơn: Chính sách đầu tiên cần nghiên cứu là hợp tác công tư. Việc hợp tác giữa Nhà nước và doanh nghiệp rất quan trọng. Một giải pháp trong nội dung này là giúp cho các doanh nghiệp tham gia vào thị trường đào tạo và tham gia trực tiếp vào quá trình chuyển giao công nghệ. Tôi thấy đây là một trong những đột phá mà Đảng và Nhà nước rất quan tâm. Vừa qua, khoa học công nghệ của chúng ta đã tập trung vào lĩnh vực này, nhưng đối với ngành công nghiệp chip bán dẫn cần tiếp tục nâng cao hơn nữa. 

Thứ hai, chúng ta cần có những chính sách ưu đãi về thuế, về các điều kiện có liên quan để làm sao thu hút được lực lượng giảng viên, cũng như người từ nước ngoài có kinh nghiệm trong lĩnh vực chip bán dẫn về đào tạo.

Thứ ba, tạo điều kiện tối đa cho việc đầu tư hạ tầng, cũng như giúp các địa phương có chính sách đặc thù, phù hợp với điều kiện từng địa phương để xây dựng chiến lược phù hợp hơn.

-Để sẵn sàng nguồn nhân lực trong ngắn hạn, Đề án phát triển nguồn nhân lực đã xác định kế hoạch đào tạo chuyển đổi cử nhân, kỹ sư từ các ngành nghề gần hơn như điện tử, vật liệu, vật lý, hóa chất, lập trình. Việc thúc đẩy hợp tác giữa doanh nghiệp với các cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học trong xây dựng chương trình đào tạo, nghiên cứu, thí nghiệm, bên cạnh đặt hàng của Nhà nước như vậy thì cơ chế hợp tác công tư, đặt hàng theo đầu ra đối với các cơ sở đào tạo sẽ được đặt ra. Ôngcó kiến nghị, đề xuất, hoặc ý tưởng nàođể phát triển vấn đề này hay không?

TS Nguyễn Ngọc Sơn: Để triển khai nội dung này trong thời hạn rất ngắn - tối đa chỉ 24 tháng theo tinh thần, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chúng ta sẽ mất cơ hội. 24 tháng cho một lĩnh vực mới là quá khó.

Cái khó nhất là chúng ta phải đầu tư cơ sở cho sinh viên thực tập, thí nghiệm. Nếu đầu tư Nhà nước không đáp ứng kịp thời thì rất khó khăn để chúng ta triển khai. Đầu tư công hay đầu tư từ nguồn ngân sách nào? Nếu chúng ta không sớm tháo gỡ nút thắt này sẽ rất vất vả.

Bên cạnh đặt hàng của Nhà nước thì cơ chế hợp tác công tư, đặc biệt sự tham gia của các doanh nghiệp rất quan trọng. Trước mắt, tôi cho rằng Chính phủ cần thúc đẩy thị trường, chính là xây dựng mạng lưới liên kết và thông tin. Hiện nay, thông tin cho tất cả trường đại học về cơ sở vật chất thì Bộ GD-ĐT là cơ quan chủ trì, nhưng sự tham gia của họ vào những lĩnh vực gần tương ứng và mong muốn của họ thế nào thì cần cung cấp thông tin.

Sau đó, cần tiến tới xây dựng sàn giao dịch công nghệ và nhân lực. Đây là một trong những vấn đề rất quan trọng, bởi phải có sàn này, ta mới có thể tìm kiếm và đặt hàng các dịch vụ đào tạo, nghiên cứu từ các cơ sở đào tạo và ngược lại giúp cho kết nối cung - cầu hiệu quả.

Đồng thời, tổ chức hội thảo, tọa đàm để tuyên truyền, giúp các sinh viên, học viên, các giảng viên nhận thức tầm chiến lược của vấn đề, ngoài nghề nghiệp cá nhân còn là sự đóng góp vào giá trị đất nước, mang đến sự gia tăng nhất định ở thời điểm này.

Việc đồng hành giữa Nhà nước - doanh nghiệp, đặc biệt sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp vào chuỗi các hoạt động này sẽ là một trong những thành công khi chúng ta thực hiện Đề án.

- Trân trọng cảm ơn TS Nguyễn Ngọc Sơn!

Giáo dục

Hà Nội: Hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn
Giáo dục

Hà Nội: Hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn

Thành phố Hà Nội sẽ xây dựng phương án hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn, diện hộ nghèo, cận nghèo, vùng sâu, vùng xa…vận động học sinh quyên góp, ủng hộ sách giáo khoa cũ vào thư viện để học sinh các lớp sau, các học sinh có hoàn cảnh khó khăn được mượn và sử dụng sách giáo khoa hiệu quả.

UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chỉ đạo làm rõ vụ giáo viên Trường mầm non Ánh Dương phản ánh bị cắt xén bữa ăn
Giáo dục

UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chỉ đạo làm rõ vụ giáo viên Trường mầm non Ánh Dương phản ánh bị cắt xén bữa ăn

UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã chỉ đạo UBND huyện Châu Đức khẩn trương kiểm tra, xác minh làm rõ vụ giáo viên Trường mầm non Ánh Dương phản ánh bị cắt xén bữa ăn, bảo đảm nguyên tắc xử lý dứt điểm, không né tránh, không bao che, không đối phó.

Lẵng hoa đặc biệt “quét QR” trong lễ khai giảng năm học mới của Trường Đại học Ngoại thương
Giáo dục

Lẵng hoa đặc biệt “quét QR” trong lễ khai giảng năm học mới của Trường Đại học Ngoại thương

Ngay trên sân khấu của buổi lễ khai giảng, Trường Đại học Ngoại thương đã chuẩn bị một lẵng hoa đặc biệt với thông tin tài khoản của Ban cứu trợ Trung ương - Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để lan tỏa tinh thần vì cộng đồng, chung tay giúp đỡ đồng bào chịu hậu quả nặng nề sau bão Yagi.

4 “chàng trai Vàng” Olympic quốc tế Sinh học, Hóa học năm 2024 chọn Trường Đại học Y Hà Nội
Giáo dục

4 “chàng trai Vàng” Olympic quốc tế Sinh học, Hóa học năm 2024 chọn Trường Đại học Y Hà Nội

Các “chàng trai Vàng” Olympic Sinh học quốc tế (IBO) năm 2024 gồm: Nguyễn Tiến Lộc, Nguyễn Sĩ Hiếu, Đặng Tuấn Anh; cùng Nguyễn Hữu Tiến Hưng - Huy chương Vàng, thí sinh có điểm cao nhất đoàn Việt Nam tại Olympic Hóa học Quốc tế (IChO) 2024 cùng chọn theo học ngành Y khoa, Trường Đại học Y Hà Nội.