Xây dựng nông thôn mới ở Hà Nội

Phát triển mạnh nghề trồng hoa, cây cảnh

- Thứ Ba, 27/07/2021, 06:32 - Chia sẻ
Chơi hoa, cây cảnh là thú vui tao nhã, thể hiện nét văn hóa của người Hà Nội. Từ nhu cầu của thị trường, những năm gần đây, trồng hoa, cây cảnh cũng trở thành nghề giúp giải quyết việc làm cho hàng vạn nông hộ, đóng góp không nhỏ vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp thủ đô. Đây cũng được xem là ngành kinh tế sinh thái trong xây dựng nông thôn mới và đô thị thông minh của thành phố.

Thu nhập cao hơn nông nghiệp truyền thống

Với lợi thế là “Đất trăm nghề”, Hà Nội có đến 1.350 làng nghề và làng có nghề với 47 nghề trong tổng số 52 nghề truyền thống của cả nước. Trong số 313 làng nghề, làng nghề truyền thống được thành phố công nhận trên địa bàn, có 11 làng nghề, làng nghề truyền thống về hoa, cây cảnh. Ông Nguyễn Văn Chí - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, Phó Chánh Thường trực Văn phòng Điều phối nông thôn mới (NTM) thành phố cho biết: Ngành nông nghiệp đã tham mưu cho lãnh đạo thành phố ban hành danh mục sản phẩm, ngành hàng nông nghiệp quan trọng cần khuyến khích, ưu tiên hỗ trợ thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, xác định rõ hoa, cây cảnh là sản phẩm chủ lực. Những năm qua, sự phát triển của nghề trồng hoa, cây cảnh đã giải quyết việc làm cho hàng vạn nông hộ, đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng GDP của ngành nông nghiệp thủ đô; có vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng NTM, đô thị văn minh trên địa bàn.

Đơn cử như tại huyện Thạch Thất, thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhiều hộ nông dân đã chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang phát triển hoa, cây cảnh. Gia đình ông Nguyễn Văn Ngọ (tại xã Đồng Trúc) là một trong số những hộ đã mạnh dạn chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang trồng cây cảnh, hoa cảnh. Bằng đam mê, nỗ lực, sự giúp đỡ nhiệt tình của chính quyền địa phương về mặt bằng, đất trồng, chế độ chính sách và nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố. Đến nay, ông đã cho ra đời nhiều sản phẩm nghệ thuật về cây cảnh được nhiều người trong giới yêu thích cây đánh giá cao. Các sản phẩm cây cảnh, hoa cảnh được thị trường đón nhận đã mang đến cho gia đình ông nguồn thu nhập cao hơn rất nhiều so với làm nông nghiệp truyền thống. 

Cũng quyết tâm làm giàu từ cây cảnh, ông Nguyễn Đỗ Thế Cường (xã Hương Ngải) lại bắt đầu bằng việc mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi sang trồng lan cảnh. Từ ngày "bén duyên" với hoa lan, kinh tế gia đình ông được cải thiện hơn hẳn. Không những vậy, ông còn có điều kiện để thỏa niềm đam mê với loài hoa quý này. "So với mọi năm, năm nay điều kiện khó khăn hơn do ảnh hưởng dịch bệnh, song người trồng lan vẫn có thu nhập. Những năm trước, nhờ trồng lan và cây cảnh cũng đem lại thu nhập cho gia đình gần 1 tỷ đồng/năm", ông Cường chia sẻ.

Hội thảo “Phát triển Hoa Cây cảnh – Ngành kinh tế sinh thái trong xây dựng Nông thôn mới và Đô thị văn minh”

Cần chính sách hỗ trợ phát triển 

Không chỉ giúp nhiều hộ nông dân đổi đời, những năm gần đây, nhất là từ khi triển khai chương trình xây dựng NTM, cây cảnh, hoa cảnh còn mang một trọng trách khác đó là tô đẹp cho thiết chế văn hóa ở các vùng quê. Thực tế cho thấy, sau 10 năm xây dựng NTM, diện mạo nông thôn Hà Nội đã đổi thay rõ rệt, thu nhập của người dân ngày càng nâng cao, hạ tầng cơ sở vật chất kỹ thuật được đầu tư đồng bộ, đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của người dân. Các thiết chế văn hóa được duy trì phát triển, đặc biệt cảnh quan môi trường đã được cải thiện đáng kể.

Dù có những đóng góp quan trọng như vậy, nhưng theo ông Nguyễn Văn Chí: Đầu tư cho hoa, cây cảnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới, công nghệ cao thường rất tốn kém, song việc tiếp cận chính sách vay vốn còn gặp nhiều khó khăn. Vì cây cảnh chưa có đơn vị định giá để làm tài sản thế chấp nguồn vốn vay các ngân hàng thương mại. Thị trường cây cảnh thời điểm này chưa sôi động lắm nhưng thị trường lan var (lan đột biến) hiện rất sôi động, vẫn còn có nhiều cách nhìn trái chiều nhau từ các nhà quản lý, nhà khoa học và các đơn vị truyền thông. Không những vậy, hệ lụy của việc thổi giá, lừa đảo cũng làm mất định hướng thị trường và niềm tin của người tiêu dùng, khiến các nhà vườn sản xuất kinh doanh chân chính lao đao. "Các chính sách từ trung ương đến thành phố đều có nhưng áp dụng vào thực tiễn còn nhiều khó khăn", ông Chí nhìn nhận. 

Để thúc đẩy hoạt động sản xuất hoa, cây cảnh trở thành ngành kinh tế sinh thái mang lại giá trị cao, góp phần xây dựng NTM, ông Nguyễn Văn Chí cho rằng: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần phối hợp với các địa phương rà soát những chính sách liên quan đến phát triển hoa, cây cảnh để bổ sung, chỉnh sửa, tháo gỡ những "nút thắt" trong thực hiện chính sách ở cơ sở. Qua đó, tạo bước đột phá thúc đẩy ngành hoa, cây cảnh phát triển. Về phía Hà Nội, thành phố sẽ chỉ đạo các sở, ngành và UBND cấp huyện làm tốt công tác quy hoạch, bố trí nguồn lực phát triển ngành hàng hoa, cây cảnh là mũi nhọn và chủ lực của địa phương trong phát triển kinh tế, cải tạo môi trường, thiết thực phục vụ chương trình NTM và phát triển đô thị.

Đối với các hội, hiệp hội ngành hàng hoa, cây cảnh, cần chủ động phối hợp với cơ quan quản lý Nhà nước cùng cấp để định giá sản phẩm, gắn mã vùng trồng, truy xuất nguồn gốc, thiết lập bản đồ số về hoa, cây cảnh... nhằm minh bạch thông tin và phục vụ công tác quản lý, giám sát. Các hội, chi hội, nghệ nhân cũng chủ động tham vấn cho cơ quan quản lý Nhà nước về chiến lược phát triển ngành hàng hoa, cây cảnh; tham mưu bộ tài liệu đào tạo nghề cho lao động và khuyến khích các nghệ nhân đào tạo nghề, truyền nghề cho người lao động.

———————

 Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội

Khánh Duy