Thương mại, dịch vụ tăng trưởng nhanh
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Hữu Quế cho biết, tỉnh có sân bay Pleiku, nhiều quốc lộ chạy qua, có cửa khẩu và gần cảng biển tạo thuận lợi cho việc giao thương và phát triển kinh tế - xã hội. Với điều kiện tự nhiên và vị trí địa lý sẵn có, Gia Lai đã hình thành và phát triển nhiều trang trại sản xuất nông nghiệp tập trung, ứng dụng công nghệ cao phục vụ cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu, nhiều sản phẩm nông nghiệp chủ lực có giá trị kinh tế cao. Hoạt động xuất khẩu của tỉnh liên tục tăng trưởng về quy mô, sản phẩm xuất khẩu ngày càng được nâng cao cả về chất và lượng đến 40 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Theo Sở Công thương Gia Lai, lĩnh vực công nghiệp chế biến được tỉnh quan tâm thu hút doanh nghiệp đầu tư. Hiện nay, tỉnh có 3 khu công nghiệp chính là Khu công nghiệp Trà Đa, Khu công nghiệp Nam Pleiku và Khu công nghiệp - Kinh tế cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh; quy hoạch 23 cụm công nghiệp với tổng điện tích 1.245,33ha; trong đó có 13 cụm công nghiệp đã thành lập và quy hoạch chi tiết với diện tích 466,53ha. Nguồn nguyên liệu nông sản trên địa bàn phong phú, ổn định như cà phê, cao su, mía đường, sắn, chè, trái cây... tạo tiền đề phát triển công nghiệp chế biến. Toàn tỉnh có trên 8.000 cơ sở tham gia hoạt động trong ngành công nghiệp chế biến.
Chia sẻ về tình hình phát triển hoạt động sản xuất, tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh, Giám đốc Sở Công thương Gia Lai Phạm Văn Binh vui mừng cho biết, giai đoạn 2021 - 2023, tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản bình quân ước đạt 3,97%, tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp bình quân ước đạt 11,98%; tăng trưởng xuất khẩu bình quân ước đạt 5,45% và tăng trưởng nhập khẩu bình quân ước đạt 6,92%. Đặc biệt, tăng trưởng thương mại, dịch vụ bình quân giai đoạn 2021 - 2023 ước đạt mức cao 14,33%.
Phát triển logistics làm đòn bẩy tăng trưởng
Theo ông Phạm Văn Binh, một trong những ngành dịch vụ quan trọng tỉnh đang thiếu, cần thúc đẩy phát triển là ngành logistics. “Các dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh có quy mô tương đối nhỏ lẻ, loại hình dịch vụ đơn giản, chưa có tính liên kết cao, chưa mang lại giá trị gia tăng lớn; chủ yếu là các hoạt động vận tải, chuyển phát hàng hóa đơn lẻ hoặc dịch vụ thuê kho, bãi. Các dịch vụ khác như hỗ trợ bảo quản (kho lạnh, sấy nhiệt, chiếu xạ…), đóng gói, hỗ trợ thủ tục hải quan, giao nhận, phân tích và kiểm định kỹ thuật… hầu như chưa có doanh nghiệp đầu tư kinh doanh", ông Binh cho biết.
Về hạ tầng giao thông, năng lực khai thác của hệ thống đường bộ trên địa bàn thấp, chưa có đường bộ cao tốc; hệ thống các công trình hạ tầng giao thông còn thiếu tính đồng bộ. Kết nối với Campuchia qua cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh còn hạn chế; chưa có hạ tầng phục vụ để hình thành trung tâm logistics của tỉnh và của vùng (gồm cả các cảng cạn ICD).
Tỉnh Gia Lai xác định, cần phát triển dịch vụ logistics giai đoạn 2023 - 2025, định hướng 2030 nhằm góp phần xây dựng, phát triển hệ thống logistics trên địa bàn tỉnh, làm đòn bẩy cho hoạt động thương mại dịch vụ và xuất khẩu hàng hóa phát triển, góp phần tăng sức cạnh tranh cho các sản phẩm, hàng hóa của tỉnh.
Theo các chuyên gia, để phát triển dịch vụ logistics, thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng logistics trong thời gian tới, tỉnh Gia Lai cần huy động tối đa mọi nguồn lực trong nước và ngoài nước để phát triển hệ thống trung tâm logistics; khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng và quản lý khai thác các trung tâm logistics. Tỉnh cần xác định đầu tư hạ tầng logistics là một trọng tâm ưu tiên, huy động các cấp, các ngành tập trung hỗ trợ nhà đầu tư, giải quyết thủ tục đầu tư nhanh gọn, dứt điểm để nhanh chóng tạo thay đổi về chất trong lĩnh vực này.
Trưởng ban Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam Trần Chí Dũng cho rằng, tỉnh Gia Lai cần phối hợp với Bộ Công thương và các đơn vị liên quan nghiên cứu Đề án Logistics đã được Bộ NN & PTNT đề xuất, liên quan tới Gia Lai là xây dựng các trung tâm thu gom cấp huyện, trung tâm logistics hỗ trợ xuất nhập khẩu, rà soát, hoàn thiện quy hoạch hạ tầng vận tải, logistics, thương mại - dịch vụ, xác định các dự án ưu tiên triển khai.
Đặc biệt, ông Trần Chí Dũng khuyến nghị cần thiết lập nhóm đối tác cùng tham gia phát triển thị trường dịch vụ logistics trên địa bàn, gồm có: các cố vấn chuyên môn nông nghiệp, logistics, chuỗi cung ứng; các công ty kinh doanh nông sản, nhà sản xuất, chế biến; nhà cung cấp dịch vụ logistics chuyên nghiệp; các công ty cung cấp công nghệ lõi; nhà đầu tư hạ tầng, dịch vụ tài chính, ngân hàng.