Phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt

Hà An thực hiện 08/01/2017 08:13

Theo nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, PGS.TS. NGUYỄN TRỌNG PHÚC, sau 30 Đổi mới, đất nước đã đạt được những bước thay đổi ngoạn mục. Trong những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử ấy, không thể không nhắc đến thành tựu về phát triển kinh tế…

Sự thay đổi ngoạn mục…

- Đại hội VI của Đảng ta đã đề ra đường lối Đổi mới. Là một nhà nghiên cứu lịch sử Đảng, ông nhìn nhận như thế nào về quyết định mang tính lịch sử này? 

Một trong những thành tựu nổi bật nữa sau 30 năm Đổi mới là lĩnh vực đối ngoại. Với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa; Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng thế giới, vị thế, vai trò của Việt Nam ngày càng được nâng cao trong khu vực và trên trường quốc tế. Như nhận định của Trung ương Đảng, đó là chưa bao giờ chúng ta có được cơ đồ như hôm nay. Đây là thành quả cần được tiếp tục phát huy, kế thừa và phát triển mạnh hơn trong thời gian tới.

PGS.TS. NGUYỄN TRỌNG PHÚC

- Đại hội VI của Đảng ta đã khẳng định quyết tâm và đường lối Đổi mới theo tinh thần cách mạng và khoa học. Sự đổi mới này là một bước ngoặt lớn.

Trước hết, đó là đổi mới về tư duy lý luận, nhận thức sáng rõ hơn những vấn đề của CNXH và thời kỳ quá độ lên CNXH ở Việt Nam. Chính sự đổi mới tư duy lý luận này là cơ sở quan trọng để Đảng hoạch định đường lối Đổi mới. Hai là, để có được đường lối Đổi mới của Đại hội VI, Việt Nam phải trải qua một chặng đường gần 10 năm khảo nghiệm thực tiễn từ các mô hình kinh tế - xã hội trong nông nghiệp, công nghiệp, lưu thông phân phối... Do vậy, đường lối Đổi mới của Đại hội VI đã bám sát được thực tiễn của đất nước, dần dần khắc phục được “bệnh” giáo điều, chủ quan, duy ý chí, nóng vội. Ba là, đường lối Đổi mới đã mở ra thời kỳ phát triển mới của đất nước cả về kinh tế, chính trị, xã hội, đối nội và đối ngoại; tạo tiền đề để đất nước phát triển trong suốt 30 năm qua. Và trong 30 năm ấy, Đảng ta đã luôn lấy đổi mới kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng Đảng là then chốt.

Lịch sử đã lùi xa 30 năm nhưng chúng ta vẫn cảm nhận được ý nghĩa lớn lao của Đảng khi quyết định đường lối Đổi mới của đất nước.

- Đổi mới mang tính bước ngoặt từ Đại hội VI đã tạo được nền tảng để phát triển đất nước. Theo ông, thành tựu nổi bật nhất đạt được sau 30 năm Đổi mới là gì?

- Trong 30 năm qua chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Nhìn một cách tổng thể và toàn diện, chúng ta đã đạt thành tựu lớn về kinh tế. Đó là, chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa, tập trung, bao cấp, hành chính sang cơ chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, tạo ra tốc độ tăng trưởng cao, thu nhập bình quân đầu người tăng gấp nhiều lần so với trước Đổi mới.

Nhờ sự đổi mới đó, chúng ta đã có được sự thay đổi ngoạn mục từ một nước đói kém, thiếu thốn trở thành nước đầy đủ lương thực, xuất khẩu gạo nhất nhì thế giới. Kinh tế hàng hóa ngày càng phát triển, định hướng và quy luật kinh tế thị trường ngày càng rõ hơn, chúng ta vẫn giữ được định hướng XHCN. Bên cạnh đó, chúng ta đã thu hút được vốn đầu tư nước ngoài, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế mà trước hết là hội nhập về kinh tế.

Tuy nhiên, hiện chúng ta vẫn đứng trước không ít thách thức, “điểm nghẽn”, nhưng với những thành tựu đã đạt được, dưới sự lãnh đạo của Đảng, tôi tin rằng, chúng ta sẽ thực hiện thành công chủ trương cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ công cuộc đổi mới, đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững, sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại mà Đại hội XII của Đảng đã thông qua.

Khơi thông “điểm nghẽn”

- Như ông vừa nói, qua 30 năm Đổi mới ấy, chúng ta vẫn còn những “điểm nghẽn”. Nếu điểm tên thì cụ thể những “điểm nghẽn” ấy là gì, thưa ông?

- Trong 3 khâu đột phá chiến lược chúng ta thực hiện còn có những vướng mắc. Cải cách hành chính chưa thực hiện một cách triệt để. Chúng ta chưa đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động của Việt Nam còn thấp dẫn đến năng suất lao động thấp, chưa hoàn thiện về những quy định kinh tế thị trường. Bởi, phát triển kinh tế thị trường thì phải bảo đảm đúng những quy luật của thị trường như quy luật cạnh tranh, quy luật cung cầu; và cái gốc vẫn phải là sản xuất hàng hóa với quy mô lớn, chất lượng cao. Tất cả những vấn đề này chúng ta đã và đang thực hiện, nhưng kết quả chưa như mong muốn.

- Vậy, theo ông, cần phải làm gì để khơi thông được “điểm nghẽn” ấy?

- Phải bằng quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng và bằng hệ thống chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Quan điểm lớn nhất hiện nay của Đảng ta là cơ cấu lại nền kinh tế; hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; tập trung vào đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao... Trên cơ sở đó, Nhà nước phải thể chế hóa, cụ thể hóa các quan điểm này thành chính sách, pháp luật. Có như vậy mới thúc đẩy được kinh tế đất nước phát triển.

- Đổi mới là quá trình liên tục. Chủ trương tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, bên cạnh thuận lợi là cơ bản, cũng có những khó khăn, thách thức. Với những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử đạt được cũng như bài học kinh nghiệm rút ra sau 30 năm Đổi mới, thì làm thế nào để mục tiêu “đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ công cuộc Đổi mới” đạt kết quả như mong đợi?

- Đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc Đổi mới đã được Đại hội XII của Đảng thể hiện rất rõ. Đó là phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN; hoàn thiện thể chế, bảo đảm cho kinh tế thị trường phát triển đúng đặc trưng, đặc điểm và quy luật của nó. Chúng ta không thể can thiệp vào quy luật thị trường mà chỉ thúc đẩy cho nó phát triển theo quy luật cạnh tranh, quy luật cung cầu, mối quan hệ giữa sản xuất và lưu thông, phân phối. Xây dựng được nền kinh tế thị trường văn minh, hiện đại, không phải là làm kinh tế theo kiểu “chộp giật”, phải có sự cạnh tranh lành mạnh, không thể làm ăn theo kiểu “cá lớn nuốt cá bé”. Tất cả các thành phần kinh tế đều phải cạnh tranh bình đẳng để phát triển. Chính phủ đã tạo nhiều điều kiện để các doanh nghiệp phát triển, góp phần tạo nên sức mạnh chung của nền kinh tế đất nước. Kinh tế thị trường phải đạt được đến thu nhập nhất định, tránh rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Sự phát triển của nền kinh tế như vậy đòi hỏi sự tác động của nền khoa học, công nghệ. Nếu không làm chủ được khoa học, công nghệ thì không thể có nền kinh tế phát triển.

- Vậy trong chặng đường đổi mới tiếp theo, đâu là khó khăn, thuận lợi, thưa ông?

- Tôi cho rằng, trong việc tiếp tục đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ công cuộc Đổi mới này, chúng ta có nhiều thuận lợi. Đó là sự phát triển của chúng ta đang đi đúng định hướng mà đường lối, Cương lĩnh của Đảng đã đề ra. Hệ thống pháp luật của Nhà nước ngày càng hoàn thiện, các chính sách ngày càng cụ thể, rõ ràng hơn. Hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho đất nước, trong đó có hội nhập kinh tế quốc tế…

Bên cạnh thuận lợi, cũng còn không ít khó khăn, chính là những “điểm nghẽn” mà tôi đã nêu ở trên. Khi hội nhập toàn cầu, thì cạnh tranh quốc tế diễn ra quyết liệt, việc các doanh nghiệp của nước ta muốn đặt chân vào thị trường các nước lớn không phải là việc dễ dàng. Điều đó, đòi hỏi chúng ta phải tuân thủ nguyên tắc cạnh tranh. Diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình khu vực và thế giới cũng đòi hỏi chúng ta phải có chính sách, bước đi hợp lý để bảo đảm giữ được môi trường ổn định để xây dựng và phát triển đất nước. 

Đặc biệt, phải tập trung cho nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, Khóa XII, về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”...

- Xin cảm ơn ông!

    Nổi bật
        Mới nhất
        Phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO