Phát triển du lịch và vai trò của cộng đồng
Từ lâu, du lịch được biết đến là ngành kinh tế tổng hợp có tính xã hội hóa cao. Vì vậy, hoạt động phát triển du lịch có thể thu hút và cần được sự tham gia rộng rãi của các thành phần kinh tế và cộng đồng xã hội. Đây được xem là một trong những điểm mạnh của du lịch so với các ngành kinh tế khác. Tuy nhiên, thực tế, ngành du lịch đã phát huy hết mặt mạnh này chưa?
Cộng đồng là nền tảng phát triển của mọi xã hội. Cộng đồng có thể được hiểu ở những mức độ, quy mô khác nhau từ làng, bản đến bộ tộc, dân tộc, quốc gia. Tác động của cộng đồng lên các giá trị tài nguyên, trong đó có tài nguyên du lịch và qua đó ảnh hưởng đến phát triển du lịch bền vững. Chính vì vậy một trong những phương thức tiếp cận quan trọng cho phát triển du lịch bền vững là đẩy mạnh phát triển du lịch cộng động đồng, trong đó các giá trị truyền thống và vai trò của cộng đồng được phát huy đầy đủ nhất.
Thực tế, một số địa phương đã chú trọng đến việc phát triển du lịch dựa vào cộng đồng mà Hội An là một ví dụ. Hội An từ lâu được biết đến là môi trường sinh sống của hàng chục nghìn người, mang ý nghĩa như một bảo tàng sống về kiến trúc, quy hoạch, lối sống đô thị. Xuất phát từ nền tảng văn hóa tự nhiên, cùng với xu thế phát triển của du lịch thế giới với dòng khách du lịch hướng về khám phá các nền văn hóa, khám phá thiên nhiên sinh thái, từ những năm 90 của thế kỷ XX, Hội An bắt đầu khởi động, chuẩn bị các điều kiện cho quá trình phát triển kinh tế du lịch dựa trên tài nguyên văn hóa hiện có; chú ý đến việc phát triển du lịch nhằm nâng cao lợi ích cộng đồng và chia sẻ trách nhiệm, thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng. Trong đó, phát triển du lịch hướng tới sự thu hút nguồn lực từ cộng đồng, chia sẻ trách nhiệm trong phát triển và bảo vệ nguồn tài nguyên di sản, chia sẻ lợi ích từ du lịch cho cộng đồng. Đồng thời, việc phát triển du lịch được chú trọng từ trung tâm thu hút du lịch đến phát triển các trọng điểm du lịch ngoại vi, kéo dãn dòng du lịch, tạo điều kiện mở rộng, tiến tới phát triển đồng đều, gia tăng phạm vi hưởng lợi từ du lịch cho cộng đồng. Vì thế, được khởi động từ năm 1992, khi Hội An chưa là một địa danh du lịch của khu vực. Đến nay, Hội An đã là một địa chỉ du lịch hấp dẫn của miền Trung và của thế giới với số lượng khách đến tham quan du lịch đạt trên 1 triệu lượt khách/năm.
Tương tự như ở làng cổ Phước Tích, tỉnh Thừa Thiên Huế, nhiều tham vọng hơn với việc bảo tồn nhà cổ với kiến trúc có từ nhiều trăm năm, khôi phục nghề gốm ở Phước Tích và nâng cao đời sống người dân qua phát triển du lịch cộng đồng. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thừa Thiên Huế đề xuất thành lập câu lạc bộ lữ hành có trách nhiệm để quản lý tốt hơn các tác động của du lịch đồng quê đối với môi trường, xã hội và văn hóa; chia sẻ lợi ích công bằng giữa các công ty lữ hành và cộng đồng...
Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, ở Việt Nam các công ty du lịch đổ dồn vào khai thác du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa nhưng người dân hiếm hoi mới được hưởng lợi. Các chuyên gia thuộc Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đưa ra nhận xét, mặc dù mang lại nguồn thu ngoại tệ lớn, có khả năng tác động mạnh đến các ngành kinh tế khác, có đóng góp lớn trong công tác tạo việc làm trong xã hội nhưng người dân không phải lúc nào cũng được hưởng lợi ích này do ngành du lịch không tự chủ. Việc phát triển du lịch chủ yếu do các ngành khác nắm giữ vai trò chủ đạo.
Phát triển du lịch di sản không thể tách rời phát triển cộng đồng ở khu vực di sản. Và việc chia sẻ lợi ích với cộng đồng địa phương từ hoạt động du lịch sẽ góp phần hạn chế đáng kể sức ép của cộng đồng lên các giá trị di sản đồng thời sẽ khuyến khích họ trở thành chủ nhân thực sự đóng góp vào nỗ lực chung bảo tồn và phát huy các giá trị di sản ở Việt Nam.
Theo TS. Phạm Trung Lương, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, để tăng cường sự tham gia của cộng đồng vào hoạt động phát triển du lịch như một yếu tố quan trọng góp phần phát triển du lịch bền vững ở Việt Nam, cần thiết phải tạo điều kiện thuận lợi để cộng đồng có thể tham gia vào quá trình quy hoạch và giám sát thực hiện quy hoạch phát triển du lịch nơi mà cuộc sống của cộng đồng gắn liền. Điều này không chỉ góp phần bảo đảm cho quy hoạch đi vào cuộc sống trên cơ sở những hiểu biết phong phú và cụ thể của cộng đồng đối với mảnh đất mà họ gắn bó, mà còn để cộng đồng hiểu được những gì sẽ biến đổi trên mảnh đất của họ; những gì họ có thể tham gia vào hoạt động phát triển du lịch để có được cuộc sống tốt hơn; và để cộng đồng có được sự chuẩn bị tốt hơn cho những công việc mới cùng với trách nhiệm bảo vệ các giá trị tự nhiên, văn hóa truyền thống trong quá trình phát triển du lịch. Cùng với đó cần nâng cao nhận thức của cộng đồng về trách nhiệm bảo vệ các giá trị tự nhiên, văn hóa bản địa để bảo đảm cuộc sống của họ với những thu nhập họ có được qua việc tham gia vào hoạt động phát triển du lịch trên cơ sở khai thác những giá trị tự nhiên và văn hóa bản địa. Đặc biệt, cần xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp với đặc thù của địa phương để bảo đảm một phần từ thu nhập du lịch sẽ quay lại hỗ trợ cho cộng đồng và cho công tác bảo tồn, phát triển tài nguyên môi trường, du lịch nơi diễn ra hoạt động du lịch với sự tham gia của cộng đồng.