Phát triển du lịch cộng đồng bền vững

Mỹ Hạnh - Hải Phong 06/09/2023 11:49

Hiện nay du lịch cộng đồng đang được coi là loại hình du lịch mang lại nhiều lợi ích phát triển kinh tế bền vững nhất cho bản địa. Du lịch cộng đồng không chỉ giúp người dân bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái, mà còn là dịp để bảo tồn và phát huy những nét văn hoá độc đáo của địa phương...

Nhiều mô hình hay

Hiện nay, ở một số địa phương trên cả nước có rất nhiều mô hình du lịch cộng đồng phát triển khá thành công ở các vùng miền núi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống như: Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Cao Bằng, Bắc Kạn, Yên Bái, Thái Nguyên… Những mô hình này đã mang lại hiệu quả thiết thực, không chỉ phát huy được thế mạnh văn hoá bản địa của các dân tộc, mà còn góp phần xoá đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của nhiều người dân địa phương.

Phát triển du lịch cộng đồng bền vững -0
Tỉnh Thái Nguyên ngày càng nhiều điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn, thu hút du khách

Tại Thái Nguyên, tiềm năng về cảnh quan thiên nhiên, giá trị lịch sử, văn hóa đa dạng của cộng đồng các dân tộc, văn hóa ẩm thực phong phú là cơ sở để tỉnh phát triển mạnh loại hình du lịch cộng đồng. Các mô hình du lịch cộng đồng được phát triển ở nhiều địa phương như: Tân Cương (TP. Thái Nguyên), La Bằng (Đại Từ), Tức Tranh (Phú Lương), Phú Đình (Định Hóa), Phú Thượng (Võ Nhai), Bình Sơn (TP. Sông Công), Minh Lập và Hòa Bình (Đồng Hỷ)... Tại các địa phương này, người dân đã nâng cao chất lượng sản phẩm chè theo tiêu chuẩn VietGAP, hướng hữu cơ, xây dựng thương hiệu chè đạt các tiêu chí OCOP, đầu tư chỉnh trang những nương chè để phục vụ hoạt động du lịch. Nhiều cơ sở sản xuất chè ở những vùng đất giàu tài nguyên tự nhiên và văn hóa đã phát triển thêm các dịch vụ du lịch cộng đồng như: Homestay, dịch vụ lưu trú, ăn uống; nhiều hợp tác xã và cơ sở sản xuất chè đã xây dựng được khu chế biến, khu trưng bày giới thiệu và bán sản phẩm, không gian thưởng trà rộng rãi, đáp ứng nhu cầu tham quan, trải nghiệm và mua sắm của các đoàn khách đông người. Bên cạnh các mô hình du lịch cộng đồng gắn với văn hóa trà, tại Thái Nguyên còn xuất hiện nhiều mô hình du lịch trải nghiệm văn hóa các dân tộc, nông nghiệp khác như: Mô hình trải nghiệm vườn cây ăn trái như vườn nho, vườn dâu tây tại xã Khôi Kỳ (Đại Từ); mô hình du lịch nông nghiệp gắn với cảnh quan sinh thái hồ Ghềnh Chè (TP. Sông Công)… Trong đó, Khu bảo tồn Làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải (TP. Thái Nguyên) được đánh giá là điểm du lịch cộng đồng thu hút đông đảo du khách trong, ngoài tỉnh và cả du khách quốc tế. Mới đây, điểm du lịch này cũng vinh dự góp tên trong danh sách 32 “Làng du lịch tốt nhất năm 2022”, do Tổ chức Du lịch thế giới công bố.

Tương tự, tại Thanh Hóa, Khu Du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông (huyện Bá Thước) đang trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. Đây là một trong số ít những khu du lịch trên địa bàn toàn tỉnh có khả năng thu “tiền đô”, thường “kín phòng” vào các dịp lễ, tết... Ngay cả thời điểm nhiều khu du lịch nổi tiếng của xứ Thanh bước vào “kỳ nghỉ đông” thì Pù Luông vẫn sôi nổi đón khách. Điều quan trọng, hấp dẫn nhất của du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng Pù Luông là gia tăng tính trải nghiệm, bảo tồn hiệu quả các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc nơi đây. Du khách được thỏa sức trải nghiệm thực tế đời sống cộng đồng tại địa phương như: Tìm hiểu phong tục, tập quán, leo núi đào măng, hái rau rừng, thưởng thức các giá trị văn hóa ẩm thực với các món ăn đặc sản, dân gian mà không kém phần hấp dẫn (vịt Cổ Lũng, cá sông lòng hồ Thủy điện Bá Thước 2, cá Dốc, lợn Mán, măng đắng, rau rừng...; tham quan, trải nghiệm mua sắm sản phẩm dệt thổ cẩm thôn Lặn Ngoài, xã Lũng Niêm, tham gia chợ phiên phố Đoàn; tìm hiểu nghề nấu rượu siêu men lá; sản phẩm dược liệu khu Son - Bá - Mười...

Theo lãnh đạo UBND huyện Bá Thước, ý nghĩa nhất trong cách làm du lịch sinh thái, du lịch ở Pù Luông là luôn lấy người dân là trung tâm của sự phát triển, theo đúng tinh thần “việc gì có lợi cho dân thì làm”. Bởi vậy mà, người dân địa phương tại các khu, điểm du lịch không chỉ được tạo điều kiện làm thêm các nghề dịch vụ cải thiện thu nhập mà còn được hướng dẫn cách thức làm dịch vụ du lịch sao cho an toàn, hiệu quả. Ví như cách Công an xã Thành Sơn đã tham mưu cho ban chỉ đạo an ninh trật tự (ANTT) xã xây dựng và ra mắt mô hình “Xe ôm du lịch tự quản về ANTT”. Việc thành lập mô hình nhằm xây dựng loại hình dịch vụ “xe ôm” chuyên nghiệp, thân thiện với môi trường du lịch, xây dựng hình ảnh văn minh hiện đại nhưng vẫn giữ được nét đẹp truyền thống của người dân bản địa, đồng thời phát động mạnh mẽ phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” tại địa phương.

Hoàn thiện chính sách, đẩy mạnh tuyên truyền

Theo TS. Nguyễn Trùng Khánh - Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho biết: thời gian qua, du lịch cộng đồng ở nước ta đã thể hiện được vai trò quan trọng trong sự phát triển của ngành du lịch, huy động được sự tham gia của nhiều bên liên quan. Nhiều sản phẩm du lịch cộng đồng đang được khai thác, như du lịch trải nghiệm các hoạt động văn hóa và trải nghiệm cuộc sống của người dân tại địa phương, du lịch làng nghề, du lịch nghỉ dưỡng tại cộng đồng... Các sản phẩm du lịch xoay quanh việc khai thác tài nguyên, thế mạnh, điểm hấp dẫn của địa phương, trong đó các yếu tố quan trọng, như tài nguyên văn hóa, lối sống, phong tục, tập quán, thói quen canh tác nông nghiệp được coi là những yếu tố cơ bản tạo nên sự khác biệt và tính hấp dẫn của sản phẩm du lịch. Du lịch cộng đồng hiện nay được mở rộng ra với nhiều hoạt động khác nhau, như du lịch xanh, du lịch nông nghiệp, du lịch vì sức khỏe...

Phát triển du lịch cộng đồng bền vững -0
Du khách thích thú với các hoạt động thường ngày của dân tộc Cơ Tu tại xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng

Mô hình du lịch cộng đồng đang được phát triển tại nhiều địa phương trên cả nước, như các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Cao Bằng, Bắc Kạn, Yên Bái, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Hà Giang, Nam Định, Ninh Bình, Nghệ An, Quảng Ninh, Thừa Thiên Huế, Đồng Tháp, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang, An Giang, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Kon Tum, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa... và ở các TP lớn, như Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng... Đến năm 2020, trên cả nước có khoảng 300 làng, bản, buôn, thôn, xóm có hoạt động du lịch cộng đồng. Nhiều điểm đến du lịch cộng đồng của nước ta đã đạt được các tiêu chuẩn nhất định và giành được giải thưởng quốc tế, như Giải thưởng du lịch cộng đồng ASEAN năm 2023 được trao cho Hợp tác xã dịch vụ du lịch cộng đồng Quản Bạ (tỉnh Hà Giang); Điểm bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ (tỉnh Lai Châu); Cộng đồng du lịch làng chài Tân Thành (tỉnh Quảng Nam); Khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải (tỉnh Thái Nguyên). Bên cạnh lợi ích kinh tế mang lại cho cộng đồng dân cư, du lịch cộng đồng đã góp phần hiệu quả bảo tồn, lưu giữ tài nguyên thiên nhiên và văn hóa đặc sắc của nước ta.

Bên cạnh kết quả đã đạt được, phát triển du lịch ở nước ta thời gian qua đã và đang đặt ra thách thức không nhỏ đối với việc bảo vệ các di sản và sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa, với yêu cầu bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển du lịch bền vững. Theo nhiều chuyên gia lĩnh vực du lịch, hoạt động du lịch, một mặt, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng; mặt khác, cũng là yếu tố làm biến dạng, làm thay đổi bản sắc văn hóa và lối sống truyền thống của cộng đồng, đồng thời có không ít tác động tiêu cực tới môi trường sinh thái. Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh cho rằng, cần có chính sách ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đến các điểm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa nhiều tiềm năng ở vùng biên giới, miền núi, hải đảo. Trên cơ sở quy hoạch tổng thể của cả nước, các địa phương cần tiếp tục rà soát, lập quy hoạch chi tiết từng khu, điểm, cụm du lịch trọng điểm, trong đó chú trọng các yếu tố bền vững. Trong quy hoạch, phải bảo đảm nguyên tắc đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, nhất là giá trị các di sản, bản sắc văn hóa dân tộc và những sắc thái văn hóa đa dạng của cộng đồng dân cư các địa phương. Bảo vệ môi trường phải được các cơ quan quản lý các cấp coi trọng và trở thành yêu cầu bắt buộc trong quy hoạch phát triển của mỗi địa phương.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, nâng cao ý thức của khách du lịch và người dân về “lối sống xanh”, bảo vệ môi trường sống, ý thức du lịch có trách nhiệm, ý thức giữ gìn và phát huy các giá trị của di sản văn hóa trong hoạt động du lịch. Bảo đảm các mục tiêu của phát triển du lịch bền vững, bao  gồm đáp ứng nhu cầu của khách du lịch, hiệu quả kinh tế, sự phát triển cho địa phương, bảo tồn các giá trị văn hóa, bảo vệ môi trường sinh thái, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, bảo đảm an sinh xã hội và công bằng xã hội, hướng tới xây dựng ngành du lịch chuyên nghiệp, bền vững hơn, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước.

Đối với ngành du lịch, phát triển bền vững gắn liền với bảo vệ môi trường, giữ gìn, phát huy giá trị di sản văn hóa đã và đang là yêu cầu được đặt ra. Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 16.1.2017, của Bộ Chính trị về “Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn” đã nhấn mạnh quan điểm phát triển du lịch bền vững; bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa và giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc; bảo vệ môi trường và thiên nhiên...; đồng thời, xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển du lịch là tập trung phát triển sản phẩm du lịch biển, đảo, du lịch văn hóa, tâm linh, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng có sức hấp dẫn và khả năng cạnh tranh cao. Điều 4, Luật Du lịch quy định nguyên tắc phát triển du lịch bền vững, theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, có trọng tâm, trọng điểm; phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, tài nguyên thiên nhiên, khai thác lợi thế của từng địa phương và tăng cường liên kết vùng.

------------

Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện

    Nổi bật
        Mới nhất
        Phát triển du lịch cộng đồng bền vững
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO