Phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp

- Thứ Ba, 12/01/2021, 05:56 - Chia sẻ
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 2269/QĐ-TTg phê duyệt đề án "Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp". Quyết định số 2269/QĐ-TTg đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nhằm hoàn thiện các quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).

Hoàn thiện các quy định của pháp luật

Đề án sẽ rà soát, hoàn thiện, đồng bộ các chính sách về lao động, việc làm, đào tạo, tiền lương, bảo hiểm xã hội... để có sự liên kết chặt chẽ, nâng cao hiệu quả của chính sách BHTN. Hàng năm, tổ chức đánh giá việc thực hiện các quy định của pháp luật về BHTN, từ đó, đề xuất các nội dung sửa đổi, bổ sung kịp thời.

	Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định phê duyệt đề án Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị thực hiện chính sách BHTN
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định phê duyệt đề án Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị thực hiện chính sách BHTN

Cùng với đó, hoàn thiện hệ thống tổ chức thực hiện BHTN bảo đảm tinh gọn, hiệu quả; hoàn thiện hệ thống thực hiện chính sách BHTN góp phần tạo tính liên kết chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị thực hiện, nhằm phát huy vai trò của chính sách BHTN là chính sách về việc làm, quản trị thị trường lao động, tư vấn, giới thiệu việc làm, đào tạo nghề và duy trì việc làm trong quá trình triển khai thực hiện.

Thống nhất việc tổ chức thực hiện BHTN tại các trung tâm dịch vụ việc làm trên toàn quốc. Quy hoạch mạng lưới trung tâm dịch vụ việc làm theo hướng tăng tính tự chủ, gắn với sự phát triển của thị trường lao động để chia sẻ thông tin, tăng cường kết nối cung - cầu lao động, bảo đảm hỗ trợ tốt nhất cho người thất nghiệp trong bối cảnh hội nhập khu vực và thế giới. Đổi mới theo hướng gắn kết các hoạt động của các trung tâm dịch vụ việc làm hướng tới hình thành một hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm thống nhất.

Mặt khác, đánh giá, điều chỉnh, hoàn thiện, chuẩn hóa quy trình nghiệp vụ thực hiện BHTN thống nhất trên toàn quốc, có sự liên thông giữa các địa phương và yếu tố đặc thù của từng địa phương theo hướng đẩy mạnh hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, cung ứng lao động, gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm và các biện pháp hỗ trợ duy trì việc làm. Bên cạnh đó, nâng cao năng lực đội ngũ nhân sự thực hiện BHTN.

Đổi mới cơ chế tài chính

Theo đại diện BHXH Việt Nam, cùng với việc hoàn thiện chính sách về BHTN, tiếp tục hoàn thiện cơ chế tài chính trên cơ sở chuyển đổi trung tâm dịch vụ việc làm thành đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện tự bảo đảm chi hoạt động thường xuyên. Kinh phí thực hiện BHTN được xác định trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật và giá dịch vụ sự nghiệp công về BHTN. Các địa phương thực hiện đặt hàng trung tâm dịch vụ việc làm đối với dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách địa phương trong lĩnh vực việc làm.

Trong đó, quỹ BHTN bảo đảm chi phí cho các hoạt động tổ chức thực hiện BHTN của trung tâm dịch vụ việc làm; các hoạt động khác của trung tâm dịch vụ việc làm được bảo đảm từ ngân sách nhà nước và các nguồn khác theo quy định của pháp luật. Đẩy mạnh cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm và tăng cường phân cấp kinh phí thực hiện BHTN cho trung tâm dịch vụ việc làm để chủ động tổ chức thực hiện BHTN nhằm phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của từng trung tâm dịch vụ việc làm.

Song song với việc thực hiện thường xuyên công tác thanh tra, kiểm tra sử dụng kinh phí BHTN tại các trung tâm dịch vụ việc làm; sẽ tăng cường cơ sở vật chất trong việc thực hiện BHTN; đầu tư, phân bổ kinh phí bảo đảm cơ sở vật chất của các trung tâm dịch vụ việc làm và bố trí nhân sự để tổ chức các điểm tiếp nhận, giải quyết hưởng các chế độ BHTN. Bên cạnh đó, thực hiện chia sẻ, kết nối thông tin, dữ liệu giữa các cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư, tài chính, thuế, lao động, cơ quan bảo hiểm xã hội, người sử dụng lao động, người lao động trong việc quản lý, thu thập, tổng hợp, lưu trữ, cung cấp thông tin thị trường lao động, quản lý đối tượng tham gia và hưởng BHTN.

Đồng thời, hoàn thiện, nâng cấp phần mềm BHTN bảo đảm theo quy định Chính phủ điện tử trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0, nhằm nâng cao hiệu quả trong quản lý, chỉ đạo, tổ chức thực hiện và giao dịch trong lĩnh vực BHTN; hỗ trợ việc kết nối giữa trung tâm dịch vụ việc làm với các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp trên địa bàn về nhu cầu sử dụng lao động, tình hình biến động lao động; thực hiện số hóa và điện tử hóa nghiệp vụ BHTN, kết nối chặt chẽ với công tác quản lý lao động, thị trường lao động.

Quốc Túy