Hơn 80.000 nguồn gene đặc hữu, quý, hiếm được bảo tồn và lưu giữ
Theo báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ, đến nay chương trình đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, đã bảo tồn, lưu giữ được hơn 80.911 nguồn gene đặc hữu, quý, hiếm, trong đó có 47.772 nguồn gene thực vật nông nghiệp, 5.768 nguồn gene cây lâm nghiệp, 7.039 nguồn gene dược liệu, 891 nguồn gene vật nuôi, 391 nguồn gene thủy sản, 19.050 nguồn gene vi sinh vật.
Điển hình, Trung tâm Tài nguyên thực vật (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) đã điều tra thu thập được trên 10.000 nguồn gene thuộc các nhóm cây trồng. Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam và các trường đại học có khoa lâm nghiệp thời gian qua đã thu thập bảo tồn gần 2.000 nguồn gene thuộc 70 loài cây lâm nghiệp, trong đó có các nguồn gene của nhiều loài quý hiếm với 100% nguồn gene bản địa về trồng ở một số địa phương như: Sơn La, Lào Cai, Ba Vì, Phú Thọ, Lâm Đồng, Đắk Nông, Bình Thuận… Đặc biệt, trong những năm gần đây, số lượng nguồn gene có giá trị làm thuốc đã được phát hiện và thu thập, bảo tồn khoảng trên 7.000 nguồn gene.
Bên cạnh đó, đã khai thác sử dụng hiệu quả, phát triển nhiều nguồn gene quý hiếm có giá trị kinh tế thuộc lĩnh vực lâm nghiệp, dược liệu, vật nuôi, thủy sản, vi sinh vật... Các nhiệm vụ khai thác và phát triển nguồn gene đã được triển khai với trên 300 nguồn gene động, thực vật và trên 700 nguồn gene vi sinh vật; trong đó, làm chủ được 178 quy trình công nghệ, hướng dẫn kỹ thuật về nhân giống, chọn tạo giống, canh tác, nuôi và chăm sóc các nguồn gene; triển khai 129 mô hình thử nghiệm ứng dụng kỹ thuật và nhân rộng kết quả trong thực tiễn sản xuất, mang lại hiệu quả về kinh tế, xã hội tại nơi triển khai. Trong đó, nhiều sản phẩm đã trở thành thành sản phẩm OCOP 5 sao quốc gia như Ngọc Trai Hạ Long xuất khẩu sang Anh, Ấn Độ, Nhật Bản với giá trị khoảng 6 - 8 tỷ đồng/năm; Trà hoa vàng Quy hoa đang đàm phán để doanh nghiệp Hàn Quốc phân phối toàn cầu; Hồi Bình Liêu xuất khẩu đạt trên 50 tỷ đồng/năm.
Ngoài ra, một số nguồn gene đã phát triển thành sản phẩm hàng hóa tập trung, được xây dựng và bảo hộ thương hiệu nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường, tạo việc làm cho lao động khu vực nông thôn như: cam xã Đoài, bưởi Diễn, quýt Bắc Kạn, hồng không hạt, miến dong, vịt bầu cổ xanh, gạo bao thai Chợ Đồn, khẩu nua lếch Ngân Sơn, chè shan tuyết Bằng Phúc (huyện Chợ Đồn)… Các kết quả nói trên là minh chứng rõ nét cho những nỗ lực của công tác bảo tồn, đánh giá và phát triển nguồn gene trong cả nước thời gian qua.
Tiếp tục hoàn thiện các văn bản pháp lý triển khai chương trình
Đánh giá về tầm quan trọng của nguồn gene trong phát triển kinh tế - xã hội, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, GS.TS Chu Hoàng Hà cho rằng, theo xu hướng, Việt Nam hướng tới thúc đẩy phát triển nền kinh tế nền tảng sinh học, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Do vậy, triển khai Chương trình bảo tồn và sử dụng bền vững gene giai đoạn 2025 - 2030 cần tiếp tục ưu tiên phát triển nghiên cứu cơ bản chuyên sâu về nguồn gene kết hợp với nghiên cứu truyền thống trên các nguồn gene động vật, thực vật và vi sinh vật học.
Còn theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, đối tượng của chương trình là các nguồn gene sinh vật sống nên công tác bảo tồn và phát triển nguồn gene đòi hỏi phải thường xuyên, liên tục. Vì vậy, việc xây dựng hành lang pháp lý để tiếp tục triển khai Chương trình trong giai đoạn tiếp theo là cấp thiết.
Đặc biệt, nhiệm vụ "bảo tồn và phát triển các nguồn gene quý, hiếm" tiếp tục được Bộ Chính trị đặt ra tại Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 30.1.2023 về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới. Nghị quyết số 189/NQ-CP ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, Bộ Khoa học và Công nghệ được giao nhiệm vụ xây dựng Chương trình bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gene giai đoạn 2026 - 2030, trình Thủ tướng Chính phủ trong quý I.2025.
“Thời gian tới, để hoàn thành các mục tiêu đặt ra, góp phần thực hiện thành công Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, cần tiếp tục tăng cường, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ phục vụ công tác bảo tồn, lưu giữ, đánh giá nguồn gene; gia tăng nguồn lực khoa học và công nghệ nhằm bảo tồn, sử dụng bền vững nguồn gene góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ nguồn tài nguyên của đất nước”, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ nhấn mạnh.