Phát triển chưa xứng với tiềm năng
Hội nhập quốc tế là cơ hội lớn cho ngành nông nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, hạn chế về quy mô, trình độ sản xuất, chế biến, thiếu năng lực cạnh tranh… khiến nông nghiệp Việt đang gặp rất nhiều khó khăn và thách thức ngay tại những mặt hàng chủ lực như: gạo, hồ tiêu, cà phê, ngành nông nghiệp phát triển chưa xứng với tiềm năng. Đây là nhận định của các chuyên gia tại Hội nghị toàn thể Hỗ trợ quốc tế (ISG) 2019 với chủ đề “Phát triển vùng nguyên liệu bền vững, nâng cao năng lực chế biến và tiếp cận thị trường cho nông sản Việt Nam” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức sáng 5.12, tại Hà Nội.
Nông nghiệp vẫn gặp khó
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường cho biết, ngành nông nghiệp Việt Nam mặc dù đã đạt được thành tựu to lớn nhưng sự phát triển chưa xứng tiềm năng. Trong nông nghiệp tổ chức sản xuất chưa hiệu quả, sản xuất chủ yếu ở quy mô nhỏ, lãnh phí tài nguyên, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Hầu hết các sản phẩm vẫn có chuỗi giá trị rất ngắn. Việt Nam mới làm tốt mở thị trường, còn việc tổ chức khai thác thị trường, bảo vệ, phát triển thị trường còn nhiều hạn chế. Nông sản Việt Nam đã hội nhập vào được 180 thị trường nước ngoài, với trên 40 tỷ đô la Mỹ mỗi năm, nhưng còn thiếu tính bền vững và quy mô hàng hóa...
Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Ousmane Dione phân tích, các sản phẩm nông sản Việt Nam còn những hạn chế liên quan đến các tiêu chuẩn chất lượng và tính bền vững của tăng trưởng nông nghiệp. Lợi nhuận dành cho các nông hộ còn thấp, thiếu sự gắn kết chặt chẽ giữa các khâu trong chuỗi giá trị. Hạn chế trong đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ về sản xuất nông nghiệp.
![]() Toàn cảnh hội nghị |
Đại diện Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) KOICA Việt Nam cho rằng, ngoài những hạn chế về quy mô vùng nguyên liệu, trình độ sản xuất, chế biến nông sản, nông nghiệp Việt còn vấp phải những khó khăn trong tiếp cận thị trường quốc tế. Ngoài ra, chi phí lớn cho ngành logistics lớn, nhưng với hệ thống giao thông, vận tải, kho hàng bảo quản, bến bãi lớn nhỏ, hạn chế khiến việc vận chuyển rất khó khăn… Một khó khăn nữa phải đối mặt, là trình độ tiếp cận thị trường của các nông hộ, hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn hạn chế. Đáng lưu ý, việc thiết lập các trung tâm nghiên cứu nông nghiệp ở địa phương vẫn thiếu. Do đó, việc thúc đẩy chuỗi giá trị phát triển vẫn thiếu hiệu quả do thiếu khâu thí điểm các giống cây trồng mới, chuyển giao công nghệ sản xuất, chế biến…
Tại hội nghị, các chuyên gia cũng nhận định: Hiện nay, môi trường kinh doanh đã khá thông thoáng, nhưng doanh nghiệp còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn, đất đai để tổ chức sản xuất. Quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp, đặc biệt là quy hoạch các vùng nguyên liệu chưa được triển khai hiệu quả, còn thiếu sự ổn định. Quá trình tích tụ, tập trung đất nông nghiệp diễn ra chậm, chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất, đặc biệt là sản xuất hàng hóa quy mô lớn của doanh nghiệp. Việc thuê đất trực tiếp trên thị trường để tổ chức sản xuất nông nghiệp còn gặp khó khăn do chưa có sự đồng thuận của người sử dụng đất.
Đại diện Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế (IFAD) đánh giá, các hộ dân, hợp tác xã, doanh nghiệp còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn tín dụng. Nguyên nhân một phần do thiếu các quy định, hướng dẫn cụ thể về định giá tài sản trên đất nông nghiệp làm cơ sở xác định giá trị tài sản bảo đảm vay vốn ngân hàng…
Vùng nguyên liệu sẽ là khâu đột phá
Phát biểu tại hội nghị, các chuyên gia cho rằng, để ngành nông nghiệp thăng hoa cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó cần chú trọng thúc đẩy hợp tác trong quan hệ đối tác công - tư trong nhiều lĩnh một cách hiệu quả, bền vững… Các chuyên gia cũng đưa ra những khuyến nghị và chia sẻ kinh nghiệp phát triển ngành nông nghiệp với Việt Nam. Việt Nam nên tăng cường việc đầu tư vào các hoạt động canh tác để sản xuất ra các sản phẩm nông sản hữu cơ một cách bền vững. Giảm hoá chất, chuyển giao tri thức cho các nông hộ có năng lực sản xuất chế biến nông sản hữu cơ… Đào tạo các kỹ năng tiếp cận, tìm hiểu thị trường cho các doanh nghiệp và nông hộ. Ngoài ra, cũng cần lựa chọn những sinh kế bền vững cho người dân, hiện đại hoá đa ngành cho khu vực nông thôn, phát triển kinh tế phi nông nghiệp sẽ giữ chân được nông dân để người dân “li nông chứ không li hương”. Phát triển du lịch sinh thái cũng là trụ cột về thu nhập cho nông dân nông thôn. Công tác quy hoạch phải có sự phối hợp liên ngành một cách thống nhất.
Theo nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn TS. Đặng Kim Sơn, trong chuỗi giá trị, vùng nguyên liệu là điểm khởi đầu và nền tảng. Việc xây dựng được vùng nguyên liệu sẽ là khâu đột phá nhằm giải quyết các khâu tiếp theo trong chuỗi giá trị. Trên nền tảng đó mới quy hoạch, áp dụng khoa học công nghệ, xây dựng phát triển hạ tầng cho nông nghiệp và các ngành dịch vụ phụ trợ khác. Mặt khác, việc tổ chức sản xuất, phát triển hợp tác xã, các chuỗi giá trị vẫn là yếu tố quan trọng trong tái cơ cấu nông nghiệp. Để thúc đẩy ngành nông nghiệp ở Việt Nam phát triển cần tăng cường đầu tư xây dựng các cụm dịch vụ công nghệ, cụm sơ chế, khai thác... Quan trọng nhất là phải có cơ chế điều hành, gắn kết các chuỗi giá trị, ngành hàng một cách hiệu quả.
Chia sẻ cách xây dựng vùng nguyên liệu của mình, đại diện Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) Lê Thị Thanh Thảo cho biết, các doanh nghiệp nên xác định đâu khâu thế mạnh của mình trong chuỗi từ sản xuất, thu hoạch, chế biến đến thị trường. Chúng tôi đã chọn các doanh nghiệp tư nhân nhỏ và vừa để thành lập Trung tâm tâm tiến theo hướng tiếp cận chuỗi, bà Thảo nói.
Để tăng cường tính hiệu quả trong đầu tư, ngoài việc đầu tư về khoa học công nghệ, chúng ta nên lựa chọn là đối tác doanh nghiệp nằm vùng lõi nguyên liệu nhằm cắt giảm khâu trung gian, giảm chi phí rủi ro trong sản phẩm, đồng thời giám sát sâu hơn nguyên liệu đầu vào… Mô hình tổ chức này đã giúp cải thiện tổ chức sản xuất, ổn định chất lượng sản phẩm, giảm tổn thất sau thu hoạch, từ đó nâng có thu nhập cho nông dân, doanh nghiệp…