Phát triển cây bông vải để bảo đảm nguồn cung cho ngành dệt may

Anh Tú 19/11/2010 00:00

Theo tính toán của Cục trồng trọt, Bộ NN và PTNT, sản lượng bông của nước ta hiện chỉ đáp ứng khoảng 2% nhu cầu của ngành. Hàng năm, ngành dệt may phải nhập khẩu một lượng bông lớn từ Mỹ, ấn Độ, châu Phi và một số nước khác. Nhưng trong thời gian gần đây, giá bông trên thị trường thế giới đã liên tục tăng cao và được đánh giá là cao nhất trong vòng 140 năm qua, với mức giá gần 4USD/kg. Điều này tác động không nhỏ đến giá cả nguồn nguyên liệu đầu vào của ngành dệt may Việt Nam, vì vẫn lệ thuộc nhiều vào nhập khẩu.

02-phat-trien-32310-300.jpg

Theo Phó tổng thư ký Hiệp hội Dệt May Việt Nam Nguyễn Sơn, từ đầu năm 2010 tới nay, giá bông trên thị trường thế giới luôn biến động tăng do nhu cầu cao hơn sản lượng. Một số nước trồng bông lớn như Trung Quốc, Pakistan… sản lượng giảm do các nguyên nhân như thời tiết không thuận lợi hoặc nông dân chuyển sang trồng ngũ cốc. Tại Mỹ, do giá bông thế giới tăng cao, nhiều nông dân tăng diện tích trồng bông. Dự kiến, niên vụ bông 2010 - 2011, sản lượng bông của Mỹ tăng cao, nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Trong khi đó, Trung Quốc, Pakistan là hai nước trồng bông lớn bị ảnh hưởng lũ lụt, dẫn đến thu hoạch thất bát. Vì vậy, sản lượng bông của Mỹ vừa đưa ra, đã được đăng ký mua tới 80%...

Trong khi đó, tiêu thụ bông ở nước ta tiếp tục tăng, với tốc độ trung bình là 9 -10%/năm trong vòng 5 năm trở lại đây, nhằm đáp ứng nhu cầu mở rộng sản xuất của ngành công nghiệp dệt may. Cả nước hiện có 145 nhà máy kéo sợi với công suất 350.000 tấn vải bông/năm. Ước tính, tiêu thụ bông trong nước niên vụ 2008 - 2009 khoảng 261.000 tấn, niên vụ 2009-2010 là 300.000 tấn và niên vụ 2010 - 2011 là 320.000 tấn. Tổng giám đốc Tổng công ty Việt Thắng Nguyễn Đức Khiêm cho rằng, bông tăng giá đột ngột và tăng nhanh trong thời gian gần đây đã khiến rất nhiều doanh nghiệp trở tay không kịp, đặc biệt là những doanh nghiệp không có lượng bông dự trữ. Nếu doanh nghiệp phải mua bông cho từng tháng thì sẽ rất khó khăn. Bông tăng giá các doanh nghiệp dệt và kéo sợi đều bị ảnh hưởng. Riêng doanh nghiệp dệt vải sẽ khó khăn hơn vì giá bán vải không thể tăng tương ứng với giá sợi đầu vào và mua sợi cũng khó khăn do nguồn cung cho thị trường trong nước bị hạn chế khi giá sợi xuất khẩu tăng cao hơn.

Tuy nhiên, trên bình diện chung của cả ngành dệt may, diện tích trồng và năng suất bông ở trong nước hiện chỉ đáp ứng khoảng 2% nhu cầu toàn ngành. Một hai năm trở lại đây, do giá bông tăng dần lên, diện tích trồng bông ở trong nước có tăng lên, nhưng không tăng mạnh, mới đạt khoảng 8.000 ha trong niên vụ 2009-2010 và niên vụ 2010-2011 ước tính sẽ đạt khoảng 9.000 ha. Tuy nhiên, do điều kiện thổ nhưỡng không thật sự phù hợp, giống bông cũ dễ thoái hóa, điều kiện canh tác lại chủ yếu phụ thuộc vào thiên nhiên nên năng suất bông của nước ta đạt thấp.

Chương trình trồng bông trang trại có tưới do Tập đoàn Dệt may Việt Nam chủ trì, được khởi động từ năm 2008, sau khi có Quyết định 36 của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệåt Chiến lược phát triển ngành dệt may đến năm 2015, tầm nhìn 2020. Năm 2009, Viện cây bông và các cây có sợi khác thuộc Vinatex đã thử nghiệm trên diện tích 70 ha của Viện bông để khẳng định mô hình quản lý cây bông với mục tiêu đạt năng suất gấp 3 lần so với trước kia. Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam Lê Tiến Trường cho biết, thực tế, niên vụ 2010 này đã cho ra được những lô bông trong trang trại có tưới, quản lý tập trung với năng suất gấp gần 4 lần so với bông dùng nước trời.

Dự kiến trong năm 2011, Vinatex sẽ triển khai thêm 5.000 ha theo hình thức quản lý tập trung, ở các bàn địa bàn phù hợp, chủ yếu là ở Ninh Thuận, Đăk Lăk, Đăk Nông, là những khu vực hiện đang trồng bông. Vinatex cũng xây dựng vùng trồng bông ở khu vực Tây Bắc, gắn sự chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở vùng đặc biệt khó khăn với xây dựng khu vực phòng thủ quốc phòng. Đồng thời, theo xu hướng chung của thế giới, trong các cây nguyên liệu, Tập đoàn Dệt may Việt Nam không chỉ nghiên cứu về cây bông, mà còn đang nghiên cứu các cây có sợi khác như cây lanh và cây gai, là những loại cây mọc rộng rãi ở Việt Nam và đã được sử dụng nhưng giai đoạn vừa qua bị mai một. Đây là chiến lược trong 5 năm tới cho cây nguyên liệu và vùng nguyên liệu cho ngành dệt may Việt Nam.

Như vậy, mục tiêu đưa diện tích trồng bông đạt 30.000 ha vào năm 2015, trong đó có 9.000 ha bông trang trại có tưới như trong Quyết định 29, của Thủ Tướng Chính phủ, phê duyệt chương trình phát triển cây bông vải đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 không phải là quá khó. Vấn đề cơ bản phụ thuộc vào cơ chế và công tác triển khai thực hiện của các cơ quan hữu quan và doanh nghiệp.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Phát triển cây bông vải để bảo đảm nguồn cung cho ngành dệt may
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO