Phát biểu tại buổi lễ, Bí thư Huyện ủy Thạch Thất Lê Minh Đức nhấn mạnh sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy Sơn Tây, ngày 15.6.1945, Chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương huyện Thạch Thất được thành lập. Vừa mới ra đời, chi bộ đã lãnh đạo nhân dân nhất tề nổi dậy tổng khởi nghĩa và giành chính quyền trong Cách mạng Tháng 8.1945.
Ngay sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, ngày 13.7.1954, dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy và Mặt trận Việt Minh, từ mọi ngả đường, quân, dân các xã trong huyện, với khí thế cách mạng dâng cao đã đổ về đánh chiếm bốt Chi Quan - căn cứ đầu não cuối cùng của thực dân Pháp trên địa bàn huyện. Thạch Thất hoàn toàn giải phóng, góp phần quan trọng cho Ngày giải phóng Thủ đô 10.10.1954.
Đất nước thống nhất, bước vào thời kỳ đổi mới, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Thạch Thất đã phát huy truyền thống đoàn kết, khắc phục mọi khó khăn, kinh tế - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực. Đặc biệt, thực hiện Chương trình số 03-CTr/HU ngày 31.3.2021 của Huyện ủy về “Đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025”, đến nay, huyện Thạch Thất có 5 xã được thành phố công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 3 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu…
Thay mặt lãnh đạo thành phố, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến chúc mừng và biểu dương những kết quả mà Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân huyện Thạch Thất đã đạt được trong những năm qua.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, quân và dân huyện Thạch Thất cần tiếp tục quán triệt, thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố và Nghị quyết Đại hội lần thứ XXIV Đảng bộ huyện đề ra; đặc biệt là Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Kết luận số 80 của Bộ Chính trị về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
Cùng với khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế, huy động các nguồn lực đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội theo hướng nhanh, bền vững, văn minh, hiện đại, huyện cần rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch sao cho đồng bộ, phù hợp với Quy hoạch vùng Thủ đô; quản lý thật tốt các quy hoạch đã được phê duyệt…
Bên cạnh đó, Đảng bộ và Nhân dân huyện Thạch Thất phải kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa - xã hội, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử cách mạng của vùng đất và con người, nhất là các đặc trưng của văn hóa xứ Đoài, giá trị văn hóa tiêu biểu của huyện, tạo sự phát triển hài hòa và bền vững. Đồng thời, huyện thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, quan tâm, chăm lo chu đáo cho các gia đình chính sách, người có công; nâng cao chất lượng công tác giáo dục, đào tạo, công tác y tế, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân; xây dựng người Thạch Thất thanh lịch, văn minh, hiện đại…
Đặc biệt, huyện chuẩn bị thật tốt các điều kiện, trọng tâm là văn kiện và công tác nhân sự phục vụ tổ chức đại hội đảng bộ, chi bộ cơ sở và Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XXV, nhiệm kỳ 2025 - 2030...
“Thành phố tin tưởng và mong muốn, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc huyện Thạch Thất với khát vọng và quyết tâm lớn, với bản lĩnh và nghị lực, cùng sự đoàn kết, đồng lòng sẽ thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển huyện nhanh, bền vững theo hướng đô thị xanh, góp phần xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại và hạnh phúc”, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến nhấn mạnh.
Nhân dịp này, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến và lãnh đạo thành phố, huyện Thạch Thất đã gắn biển công trình Vườn hoa trạng Bùng Phùng Khắc Khoan chào mừng 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10.10.1954 - 10.10.2024).