Nhịp cầu

Phát huy văn hóa truyền thống gắn với phát triển kinh tế - xã hội

- Thứ Hai, 28/09/2020, 06:26 - Chia sẻ
Theo đánh giá, việc thực hiện Nghị quyết số 24 của HĐND tỉnh Điện Biên về việc thông qua Đề án tiếp tục bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc tỉnh Điện Biên gắn với phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025 đã được các sở, ban, ngành và các địa phương phối hợp chặt với ngành văn hóa, thể thao và du lịch triển khai. Việc phát triển nguồn nhân lực đội ngũ làm công tác văn hóa tại các địa phương đã được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng. Nhiều mục tiêu của Đề án đã hoàn thành và vượt kế hoạch. Đến nay toàn tỉnh đã có 9/10 huyện, thị, thành phố được kiểm kê di tích, đạt 90% so với mục tiêu. 18/19 dân tộc được kiểm kê đánh giá về di sản văn hóa, đạt 94,7%. Trong đó, 11/19 dân tộc có di sản văn hóa tiêu biểu, đại diện được bảo tồn, phát huy...

Điển hình sau 5 năm thực hiện Đề án bảo tồn và phát triển dân tộc Cống, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào đã từng bước được cải thiện. Đến nay, không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 78,8% năm 2012 xuống còn 52% theo chuẩn nghèo đa chiều. Đồng bào dân tộc Cống đã có những chuyển biến tích cực về nhận thức trong mọi mặt của đời sống; hầu hết được tiếp cận với các dịch vụ y tế, giáo dục, thông tin. Đối với dân tộc Si La, sau 1 năm thực hiện chính sách hỗ trợ, đời sống người dân đã có nhiều chuyển biến tích cực, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm, tỷ lệ học sinh đến trường được nâng lên, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư xây dựng…

Bên cạnh ghi nhận những kết quả tích cực, Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh Điện Biên đã chỉ ra hạn chế ở một số địa phương như: Việc khai thác, phát huy, nâng cao giá trị các di sản văn hóa chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn; hầu hết di sản văn hóa chưa phát huy được giá trị phục vụ du lịch; một số hủ tục trong đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số chậm thay đổi, nhất là ở khu vực vùng cao, vùng sâu, vùng xa... Công tác nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn các di sản văn hóa mới chủ yếu ở loại hình lễ hội và một số phong tục tập quán, nhiều di sản văn hóa truyền thống của các dân tộc chưa được nghiên cứu, đánh giá khoa học…

Kết quả giám sát của Thường trực HĐND tỉnh cho thấy, để làm tốt hơn nữa công tác bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc tỉnh Điện Biên gắn với phát triển kinh tế - xã hội, bên cạnh tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm công tác văn hóa, cần tiếp tục rà soát, có chính sách hỗ trợ các nghệ nhân trong truyền dạy giá trị văn hóa đặc sắc cho đồng bào dân tộc; có giải pháp tuyên truyền, vận động để chấm dứt tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết. Quan tâm đến việc gìn giữ, bảo vệ các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, phát huy văn hóa truyền thống cũng như nghiên cứu, đánh giá khoa học các di sản văn hóa truyền thống của các dân tộc… Đặc biệt, cần thêm nhiều giải pháp hữu hiệu để việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc gắn với phát triển kinh tế - xã hội nhằm đáp ứng nhu cầu của thực tế.

LÊ HOA