Tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách phòng tránh
Những năm qua, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bắc Giang luôn chủ động, nắm chắc tình hình, chủ trì phối hợp chặt chẽ với lực lượng, các cơ quan chức năng trong thực hiện đấu tranh, ngăn chặn, xử lý hoạt động phát tán thông tin sai sự thật, xấu, độc chống phá Đảng, Nhà nước trên không gian mạng. Thông tin, hướng dẫn người dân về các nội dung cụ thể, các dấu hiệu nhận biết, cũng như cách phòng tránh với 3 nhóm lừa đảo chính, 24 hình thức lừa đảo trực tuyến phổ biến tại Việt Nam hiện nay như: Lừa đảo combo du lịch giá rẻ; cuộc gọi video Deepfake giả mạo biên lai chuyển tiền thành công; giả mạo nhân viên y tế báo người thân đang cấp cứu; tuyển người mẫu nhí; thông báo “khóa sim” vì chưa chuẩn hóa thuê bao; giả danh công ty tài chính; tuyển cộng tác viên online; đánh cắp thông tin căn cước công dân đi vay nợ tín dụng... nhắm vào các nhóm đối tượng: Người cao tuổi với 15 hình thức lừa đảo thường xuyên; trẻ em có 3 hình thức dẫn dụ trên mạng; sinh viên/thanh niên có 13 hình thức; các đối tượng công nhân/người lao động, nhân viên văn phòng bị dẫn dụ với 19 hình thức lừa đảo…
![Huấn luyện kiến thức quốc phòng, quân sự cho dân quân tự vệ. Ảnh: Trung Anh Huấn luyện kiến thức quốc phòng, quân sự cho dân quân tự vệ. Ảnh: Trung Anh](https://cdn.daibieunhandan.vn/images/c9074da420e57507630822eca86e2641537fafc61b4ab6897532459666647f83/3.jpg)
Cùng với đó, Ban chỉ đạo 35 Đảng ủy quân sự tỉnh Bắc Giang đã phối hợp với các cơ quan, địa phương xử lý hàng trăm vụ việc về các thông tin thiếu kiểm chứng, sai sự thật trên không gian mạng. Kịp thời đấu tranh, xử lý, bóc gỡ những tin, bài có nội dung xấu trên các trang Blog, Facebook cá nhân; nắm phát hiện, tổng hợp báo cáo, tham mưu cho Ban chỉ đạo 35 Tỉnh ủy chặn, lọc các trang web, Blog có nội dung thông tin xấu độc gây hoang mang dư luận cán bộ, đảng viên và Nhân dân trên địa bàn.
Ban chỉ đạo 35 tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với công an tỉnh rà soát, xử lý các tài khoản mạng xã hội đăng tải thông tin có dấu hiệu vi phạm pháp luật như thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của cá nhân khác mà không được sự đồng ý.
Từ kết quả thực tế đạt được trong công tác đấu tranh chống những quan điểm sai trái, phản động trên mạng xã hội, cho thấy công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện Nghị quyết 35 được triển khai quyết liệt, thông suốt và thường xuyên nhận được sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo 35 tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các ngành thành viên. Nhận thức của đội ngũ cán bộ, đảng viên về ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới ngày càng được nâng lên. Mặt khác, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, mạng xã hội giúp cho việc quảng bá hình ảnh của tỉnh, tiềm năng, thế mạnh thu hút đầu tư, phát triển du lịch… của tỉnh ngày càng thuận lợi, lan tỏa nhanh, là nền tảng để thực hiện chủ trương “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”.
Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng người dân bị lừa đảo, tin vào nội dung thông tin sai sự thật, xấu, độc chống phá Đảng, Nhà nước trên không gian mạng. Việc xây dựng, duy trì tài khoản mạng xã hội để chia sẻ, lan tỏa thông tin tích cực, định hướng dư luận, đấu tranh với quan điểm sai trái, thù địch chưa được phát triển ổn định, chỉ tập trung ở một số người, nên hiệu quả chưa cao; sự chống phá của các thế lực thù địch ngày càng tinh vi, xảo quyệt, chúng triệt để lợi dụng ưu thế vượt trội về khoa học, công nghệ, internet, mạng xã hội gia tăng các hoạt động chống phá, “Diễn biến hòa bình” dưới nhiều hình thức, nhất là mưu đồ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”…
Tăng cường công tác phối hợp
Để thực hiện hiệu quả công tác đấu tranh với thông tin xấu, độc trên không gian mạng, Ban chỉ đạo 35 Đảng ủy Quân sự tỉnh Bắc Giang xác định: Phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, thủ trưởng cơ quan. Gắn trách nhiệm cấp ủy, nhất là bí thư, thủ trưởng cơ quan và đội ngũ cán bộ, đảng viên với kết quả, chất lượng đấu tranh trên không gian mạng của cơ quan, đơn vị. Giao trách nhiệm, phân công đúng người, đúng việc đến các đồng chí đảng viên, lãnh đạo đơn vị chuyên môn thực hiện theo đúng chức năng, nhiệm vụ. Từ đó đảm bảo đầy đủ các điều kiện để thực hiện các bước trong hoạt động đấu tranh, ngăn chặn, xử lý hoạt động phát tán thông tin sai sự thật, xấu, độc chống phá Đảng, Nhà nước trên không gian mạng.
100% cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị quán triệt, triển khai đăng ký, quản lý chặt chẽ việc sử dụng internet theo quy định. Đảng ủy Quân sự tỉnh chỉ đạo phát huy vai trò của 12 “Tổ phản ứng nhanh” với thông tin xấu độc, tin giả, tin sai sự thật trên địa bàn tỉnh; nhất là các thông tin liên quan đến đến lực lượng vũ trang và các đơn vị đóng quân trên địa bàn. Thường xuyên đề xuất phương pháp đấu tranh, chuẩn bị nội dung đấu tranh phản bác hiệu quả thông tin xấu độc trên internet, mạng xã hội. Tiếp tục chỉ đạo triển khai thành lập 13 tổ “Dư luận xã hội” thường xuyên bám cơ sở, chủ động nắm tư tưởng, thông tin dư luận trong cán bộ, đảng viên, cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh. Kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương xử lý kịp thời các thông tin xấu độc từ sớm, từ xa, từ khi manh nha chưa hình thành điểm nóng.
Phát huy vai trò lực lượng nòng cốt của hơn 22 nghìn dân quân tự vệ và hơn 160 nghìn quân nhân dự bị trong tham gia đấu tranh chống những quan điểm sai trái, thù địch, những thông tin sai sự thật trên internet và mạng xã hội. Đồng thời thực hiện tốt 4 nội dung phối hợp gồm: Phối hợp trong cung cấp thông tin hai chiều; phối hợp trong xây dựng lực lượng, tuyên truyền, tập huấn và phổ biến các quy định trong hoạt động xử lý thông tin xấu độc; phối hợp trong việc đấu tranh, thu thập và xử lý thông tin xấu độc; phối hợp hỗ trợ về công nghệ, kỹ thuật và kinh nghiệm trong đấu tranh xử lý thông tin. Vận dụng có hiệu quả các kênh thông tin từ cơ sở để nắm bắt tình hình, kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, đấu tranh phản bác những luận điệu xuyên tạc, sai trái, phản động của các thế lực thù địch.