Đây là một trong những vấn đề được thảo luận tại Hội thảo khoa học quốc gia: “Vấn đề bảo đảm an ninh tư tưởng ở Việt Nam trong điều kiện hiện nay” do Học viện Báo chí và Tuyên truyền phối hợp với Học viện Chính trị Công an nhân dân tổ chức ngày 12.12 tại Hà Nội.
Internet phát triển tăng nguy cơ tiếp cận thông tin sai lệch, xuyên tạc
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, GS. TS. Lê Văn Lợi nhận định, trong bối cảnh Việt Nam chủ trương mở cửa và hội nhập quốc tế một cách sâu rộng, toàn diện, cùng với đó là sự phát triển mạnh mẽ của Internet và các phương tiện thông tin - truyền thông mới, đang tạo cơ hội cho các thế lực thù địch, phản động đẩy mạnh tần suất các hoạt động chống phá bằng những thủ đoạn tinh vi, nham hiểm, không dễ để nhận diện, phát hiện và đấu tranh.
Bên cạnh đó, các trào lưu tư tưởng tư sản, những biểu hiện văn hóa ngoại lai cũng đang thâm nhập vào nước ta thông qua nhiều con đường, từ từ thẩm thấu, phát triển, làm phai nhạt nền tảng và lý tưởng cách mạng, cổ súy lối sống lệch lạc của một bộ phận người dân, nhất là giới trẻ.
Những biến động phức tạp của tình hình thế giới và khu vực, khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội trong nước, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên gây bức xúc trong dư luận, làm suy giảm niềm tin của người dân cũng tạo ra không ít thách thức với công tác bảo đảm an ninh tư tưởng.
Trong khi đó, nhận thức và năng lực tổ chức thực hiện các biện pháp bảo đảm an ninh tư tưởng cũng như phối hợp các lực lượng tham gia ở một số nơi, một số lúc, của một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa thật sự đồng bộ, hiệu quả, công tác thông tin, tuyên truyền có lúc chưa kịp thời, đi sau và lép vế với các thông tin không chính thống, việc nắm bắt và định hướng dư luận xã hội nhất là ở cơ sở có lúc còn chưa được quan tâm đúng mức hoặc chưa có phương pháp triển khai hiệu quả, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh những điểm nóng về tư tưởng trong lòng xã hội...
Thực tiễn trên cho thấy, việc tiếp tục đẩy mạnh bảo đảm an ninh tư tưởng ở Việt Nam trong điều kiện hiện nay là yêu cầu rất cấp bách.
Tại tham luận, ThS. Trần Thanh Mai, Trường Đại học Hòa Bình chỉ rõ, chủ trương và định hướng của Đảng về giáo dục chính trị cho học sinh, sinh viên Đảng Cộng sản Việt Nam luôn xác định giáo dục chính trị là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác giáo dục và đào tạo. Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Đảng nhấn mạnh: "Giáo dục và đào tạo cùng với khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là nền tảng và động lực phát triển đất nước". Đặc biệt, giáo dục chính trị được coi là yếu tố then chốt trong việc xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa, có phẩm chất đạo đức tốt, bản lĩnh chính trị vững vàng và năng lực chuyên môn cao.
Bộ GD-ĐT đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên trong các năm học. Như công văn số 4654/BGDĐT-GDCTHSSV ngày 23.8.2024 hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên năm học 2024-2025, trong đó đề ra các nhiệm vụ cụ thể như: nâng cao chất lượng giảng dạy các môn lý luận chính trị, giáo dục đạo đức, lối sống; tăng cường công tác tư vấn tâm lý, hướng nghiệp; xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh,...
Trong những năm qua, công tác bảo đảm an ninh tư tưởng trong học sinh, sinh viên Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, góp phần xây dựng thế hệ trẻ có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức tốt và ý thức trách nhiệm cao đối với xã hội và đất nước. Tuy vậy, công tác này vẫn tồn tại một số hạn chế và thách thức.
Cụ thể, theo khảo sát tại 10 trường đại học lớn năm 2021, chỉ có 46% sinh viên hứng thú với các môn lý luận chính trị. Các hoạt động ngoại khóa mặc dù phong phú nhưng chưa thực sự đa dạng, hiệu quả chưa đồng đều. Chỉ 58% sinh viên tham gia các hoạt động ngoại khóa liên quan đến giáo dục chính trị, theo Hội Sinh viên Việt Nam năm 2023. Nhiều trường học ở vùng sâu, vùng xa còn gặp khó khăn trong việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa do hạn chế về nguồn lực và cơ sở vật chất. Sự bùng nổ của mạng xã hội và Internet đã làm gia tăng nguy cơ tiếp cận thông tin sai lệch, xuyên tạc.
Cũng theo ước tính, hơn 65% sinh viên sử dụng mạng xã hội trung bình 4-6 giờ mỗi ngày, và trong đó khoảng 20% từng tiếp xúc với các thông tin mang tính xuyên tạc chính trị. Mức độ ảnh hưởng của các luồng thông tin tiêu cực chưa được kiểm soát hiệu quả, dẫn đến nguy cơ mất an ninh tư tưởng ở một bộ phận sinh viên.
Đặc biệt, sự bùng nổ của mạng xã hội và Internet đã làm gia tăng nguy cơ tiếp cận thông tin sai lệch, xuyên tạc. Theo báo cáo của Trung tâm An ninh mạng Quốc gia (NCSC), hơn 65% sinh viên sử dụng mạng xã hội trung bình 4-6 giờ mỗi ngày, và trong đó, khoảng 20% từng tiếp xúc với các thông tin mang tính xuyên tạc chính trị. Mức độ ảnh hưởng của các luồng thông tin tiêu cực chưa được kiểm soát hiệu quả, dẫn đến nguy cơ mất an ninh tư tưởng ở một bộ phận sinh viên.
Phát huy vai trò của thanh niên trong bảo vệ an ninh tư tưởng của Đảng
Theo ThS. Trần Thanh Mai, Trường Đại học Hòa Bình, công tác bảo đảm an ninh tư tưởng trong học sinh, sinh viên Việt Nam còn hạn chế xuất phát từ nhiều yếu tố. Phương pháp giáo dục chính trị còn nặng về lý thuyết, thiếu tính thực tiễn và hấp dẫn đối với học sinh, sinh viên. Nội dung giảng dạy chưa được cập nhật để phản ánh các vấn đề chính trị, xã hội hiện đại như biến đổi khí hậu, chuyển đổi số hay xu hướng toàn cầu hóa. Giáo viên thiếu các kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin và phương pháp giảng dạy sáng tạo để thu hút sự chú ý của học sinh, sinh viên. Các trường học và tổ chức đoàn thể chưa có đủ nguồn lực tài chính và nhân sự để tổ chức các chương trình ngoại khóa phong phú, phù hợp với nhu cầu của sinh viên,..
Để nâng cao hiệu quả giáo dục chính trị và bảo đảm an ninh tư tưởng cho học sinh, sinh viên Việt Nam thời gian tới, ThS Trần Thanh Mai đề xuất các giải pháp: Đổi mới nội dung và phương pháp giáo dục chính trị trong bảo đảm an ninh tư tưởng cho học sinh, sinh viên; Tăng cường vai trò của các tổ chức đoàn thể trong Nhà trường, cơ sở giáo dục đào tạo.
Đồng thời, tăng cường sự phối hợp giữa Nhà trường, gia đình và xã hội đối với công tác bảo đảm an ninh tư tưởng cho học sinh sinh viên; Tăng cường sử dụng các nền tảng trực tuyến, mạng xã hội để truyền tải nội dung giáo dục chính trị.
"Đặc biệt, giáo viên là nhân tố then chốt trong quá trình giáo dục chính trị. Đội ngũ giáo viên cần nâng cao năng lực và trách nhiệm đối với công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh tư tưởng cho học sinh, sinh viên. Việc nâng cao năng lực chuyên môn và trách nhiệm của giáo viên sẽ giúp họ truyền đạt kiến thức một cách chính xác, hấp dẫn và phù hợp với đối tượng cần học", ThS Trần Thanh Mai nhấn mạnh.
GS.TS Bùi Quảng Bạ, Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh, Bộ Công an khẳng định, bảo vệ an ninh tư tưởng là vấn đề hệ trọng, được xem là then chốt của mọi quốc gia, dân tộc. Đảng và Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo duy trì việc bảo đảm an ninh tư tưởng, nhất là trong điều kiện hiện nay.
Khoa học công nghệ phát triển tạo cơ hội cho các thế lực thù địch sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi hòng lôi kéo, xúi giục người trẻ có các hành vi chống đối, bất hợp tác với chính quyền, tham gia các hoạt động gây rối, làm mất an ninh trật tự. Trên mặt trận không gian mạng, các sản phẩm văn hóa được dùng để phát tán, tuyên truyền quan điểm phản động, sai trái với mục đích khiến đoàn viên, thanh niên phai nhạt niềm tin, lý tưởng, mất phương hướng phấn đấu.
GS.TS Bùi Quảng Bạ nhấn mạnh, trong công cuộc bảo vệ an ninh tư tưởng, thanh niên, sinh viên cần là lực lượng xung kích, kịp thời ngăn chặn, phản bác các quan điểm sai trái của thế lực thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Thời gian tới, cần đẩy mạnh các hoạt động phát huy vai trò, trách nhiệm của thanh niên trong công cuộc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; tăng cường giáo dục cho thanh niên những kiến thức về đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và Quốc hội, giúp thế hệ trẻ tin tưởng vào con đường đi lên Chủ nghĩa Xã hội ở Việt Nam.