Hoạt động các Ban HĐND tỉnh Kon Tum nhiệm kỳ 2016 - 2021

Phát huy vai trò “công xưởng” trong hoạt động HĐND

- Chủ Nhật, 18/04/2021, 06:44 - Chia sẻ
Với vai trò “công xưởng” trong các hoạt động của HĐND, nhiệm kỳ 2016 - 2021, các Ban HĐND tỉnh Kon Tum đã không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng các hoạt động thẩm tra, giám sát với những kết quả nổi bật như: Nâng cao tính phản biện của các báo cáo thẩm tra, tạo kênh thông tin quan trọng cung cấp cho đại biểu HĐND tỉnh nghiên cứu, thảo luận và biểu quyết tại kỳ họp; nhiều kiến nghị qua khảo sát, giám sát được tiếp thu, thực hiện...

Kênh thông tin quan trọng thảo luận, quyết định

Với khối lượng thẩm tra 254 dự thảo nghị quyết, báo cáo, đề án trình các kỳ họp của HĐND tỉnh thuộc các lĩnh vực, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Kon Tum đã chủ động nghiên cứu, phối hợp với UBND tỉnh và các cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh ngay từ khi đề nghị xây dựng, soạn thảo dự thảo nghị quyết. Nội dung báo cáo thẩm tra đã tập trung làm rõ sự cần thiết ban hành, phù hợp, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, sự phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và khả năng cân đối nguồn lực, quan điểm của Ban về nội dung thẩm tra; đồng thời, đề xuất những nội dung cần sửa đổi, bổ sung, phương án xử lý đối với những vấn đề còn có ý kiến khác nhau. Vì vậy, Báo cáo thẩm tra của Ban là kênh thông tin quan trọng cung cấp cho đại biểu HĐND tỉnh nghiên cứu, thảo luận và biểu quyết tại kỳ họp.

Tại các kỳ họp, các thành viên Ban đã tích cực thảo luận về các báo cáo, dự thảo nghị quyết do UBND tỉnh và cơ quan chức năng trình kỳ họp. Thông qua hoạt động chất vấn, các nội dung liên quan đến những vấn đề nổi cộm, bức xúc tại địa phương thuộc các lĩnh vực kinh tế, xã hội, công tác quản lý quy hoạch, xây dựng, đất đai, khai thác khoáng sản, bảo vệ môi trường... đã được làm rõ trách nhiệm của Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong công tác chỉ đạo, điều hành; đồng thời, đề ra phương hướng, giải pháp triển khai thực hiện nhiệm vụ, thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh.

Hầu hết kiến nghị được tiếp thu, giải quyết

Điểm đáng lưu ý trong hoạt động thẩm tra của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Kon Tum là Ban đã dựa trên những căn cứ pháp lý, cơ sở khoa học; tính hợp pháp và tính thống nhất với hệ thống pháp luật, nghị quyết của HĐND tỉnh đã ban hành; điều kiện, tình hình thực tế ở địa phương và những thông tin qua giám sát, khảo sát, TXCT, lấy ý kiến các đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh của đề án, dự thảo nghị quyết để xây dựng báo cáo thẩm tra cho phù hợp. Báo cáo thẩm tra được xây dựng có chất lượng, khách quan, cung cấp những thông tin cần thiết, đặc biệt là những vấn đề còn có những ý kiến khác nhau để đại biểu HĐND thảo luận và quyết định. Qua theo dõi, tất cả ý kiến của Ban tại các báo cáo thẩm tra được UBND tỉnh thống nhất tiếp thu, hoặc giải trình làm rõ.

Lựa chọn kỹ từ các nghị quyết của HĐND tỉnh hoặc từ những vấn đề nổi cộm, dư luận xã hội quan tâm, trong nhiệm kỳ, Ban đã tổ chức 11 đoàn giám sát, khảo sát; 3 cuộc giám sát, khảo sát các chuyên đề theo yêu cầu của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. Qua giám sát, Ban đã có 86 kiến nghị, đề xuất, tất cả kiến nghị được tiếp thu, giải quyết, thực hiện; riêng một số kiến nghị liên quan đến quy định, chính sách của cấp trên hoặc bố trí ngân sách để thực hiện đều được UBND tỉnh ghi nhận và có kế hoạch triển khai khi đủ điều kiện.

Đề xuất giải quyết hạn chế trong lĩnh vực dân tộc

Trong nhiệm kỳ, Ban Dân tộc HĐND tỉnh đã thực hiện 9 cuộc giám sát, khảo sát với có nhiều đổi mới cả về nội dung lẫn hình thức. Ban nhận thấy, trong những năm qua, các chương trình, chính sách dân tộc đã được sự quan tâm chỉ đạo, quản lý chặt chẽ của cấp ủy, chính quyền các cấp nên đã được triển khai đồng bộ và đã đạt được những kết quả nhất định. Qua đó, góp phần giúp cho các hộ nghèo dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn giải quyết một phần khó khăn trong cuộc sống, định canh định cư, tự tạo việc làm, phát triển sản xuất từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng; giúp các vùng khó khăn có điều kiện ổn định, phát triển và tạo nên diện mạo mới, kích thích phát triển kinh tế xã hội, ổn định quốc phòng - an ninh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Ban cũng chỉ ra và đề xuất giải quyết nhiều vướng mắc, hạn chế liên quan đến: Công tác phối hợp với các Ban, ngành, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội trong tuyên truyền, triển khai các chủ trương, chính sách đối với dân tộc thiểu số hiệu quả mang lại chưa cao; nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước; công tác chỉ đạo, điều hành tại một số địa phương chưa tốt, chưa cập nhật đầy đủ các thông tin cần thiết; một số công trình, dự án quy mô đầu tư chưa đáp ứng với nhu cầu thực tế, đầu tư còn dàn trải, kém hiệu quả; một số công trình khi đưa vào sử dụng bị hư hỏng, chậm được sửa chữa, duy tu, bảo dưỡng…

Với vai trò, nhiệm vụ của mình, Ban Pháp chế HĐND tỉnh cũng đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, đóng góp tích cực vào việc nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động của HĐND tỉnh Kon Tum.

Bên cạnh những kết quả tích cực, hoạt động của các Ban HĐND tỉnh Kon Tum còn gặp phải những khó khăn, vướng mắc cần tiếp tục được quan tâm giải quyết như: Các lĩnh vực do ban phụ trách khá rộng trong khi các ủy viên của ban hoạt động kiêm nhiệm, chủ yếu công tác tại các địa phương, trong hoạt động giám sát, thẩm tra có nhiều nội dung mang tính chuyên sâu nên khi tham gia chất lượng chưa cao; sự thay đổi ủy viên và số lượng giảm dần vào các năm cuối của nhiệm kỳ ảnh hưởng đến các hoạt động của ban...

HẢI LÂM