Đưa Luật Phòng, chống ma túy vào cuộc sống

Phát huy vai trò công an cơ sở

- Thứ Sáu, 31/12/2021, 06:36 - Chia sẻ
Quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy là một quy định mới tại Luật Phòng, chống ma túy năm 2021. Quy định này, được kỳ vọng sẽ là hành lang pháp lý để ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm về ma túy trong thời gian tới. Tuy vậy, để luật đi vào cuộc sống, thì cần phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng công an chính quy xã, phường, thị trấn...
	Để Luật phòng, chống ma túy 2021 đi vào cuộc sống, cần đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân
Để Luật phòng, chống ma túy 2021 đi vào cuộc sống, cần đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân

Giảm nguồn "cầu" ma túy

Trong những năm qua, tình hình sử dụng trái phép chất ma túy ngày càng phức tạp, đặc biệt là việc sử dụng ma túy tổng hợp, nhất là trong giới trẻ, học sinh, sinh viên. Cụ thể, nếu như năm 2017 cả nước phát hiện 128.760 người nghiện ma túy, đến năm 2018 phát hiện 135.117 người, năm 2019 phát hiện 143.267 người sử dụng trái phép chất ma túy. Trong thời gian dịch bệnh, bất chấp những quy định nghiêm ngặt của chính quyền nhằm hạn chế sự lây nhiễm của Covid - 19, số lượng người, nhất là giới trẻ vẫn tụ tập, thuê nhà nghỉ, khu resort, căn hộ cao cấp… sử dụng trái phép chất ma túy.

Cục trưởng Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy, Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện nêu thực tế, theo quy định hiện nay, hành vi sử dụng trái phép chất ma túy theo quy định hiện hành chỉ bị xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 - 1.000.000 đồng nên không đủ sức răn đe. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến số lượng người sử dụng trái phép chất ma túy ngày càng tăng. 

Do đó, để có biện pháp phòng ngừa người nghiện tái sử dụng chất ma túy, theo dõi, giám sát để kịp thời ngăn ngừa họ vi phạm pháp luật, ngăn chặn hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác và chính bản thân họ, không để họ bước chân vào con đường phạm tội..., cùng với việc ban hành Luật Phòng, chống ma túy năm 2021, thì Quốc hội cũng thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. “Cả 2 dự án luật này đã khắc phục được khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác phòng, chống ma túy, đặc biệt là công tác cai nghiện, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật. Quy định của Luật sát với thực tiễn, giúp cho công tác cai nghiện có hiệu quả, qua đó giảm nguồn “cầu” về ma túy, ông Viện cho biết thêm.

Theo thống kê, tính đến tháng 11.2021, toàn quốc hiện có 246.648 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý. Tỷ lệ người nghiện tăng trung bình trong 5 năm gần đây là 3%/năm và độ tuổi người nghiện ngày càng trẻ hóa.

Bồi dưỡng nghiệp vụ cho công an xã

Quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, kể cả sử dụng ma túy lần đầu nhằm ngăn ngừa vi phạm được xem là biện pháp phòng ngừa nhằm giúp người sử dụng trái phép chất ma túy không tiếp tục sử dụng trái phép chất ma túy, phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật của họ. Thời hạn quản lý là 1 năm kể từ ngày có quyết định quản lý của Chủ tịch UBND cấp xã. 

Theo quy định, Công an cấp xã giúp UBND cùng cấp lập danh sách và chủ trì quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy cư trú tại địa phương. Khi người sử dụng trái phép chất ma túy thay đổi nơi cư trú thì công an cấp xã nơi chuyển đi có trách nhiệm thông báo cho công an cấp xã nơi chuyển đến trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày người đó chuyển khỏi địa phương để đưa vào danh sách và tiếp tục quản lý.

Như vậy, dự báo khi Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 có hiệu lực, số lượng người nghiện ở các địa phương sẽ tăng lên vì các điều kiện xác định tình trạng nghiện đã rõ, số lượng người sử dụng ma túy bị phát hiện cũng tăng. Do đó, khối lượng công việc của lực lượng công an xã sẽ rất nặng nề trong công tác lập hồ sơ, quản lý người sử dụng ma túy.

Để triển khai Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 có hiệu quả, việc phát huy vai trò đầu mối, nòng cốt của hàng vạn cán bộ công an xã chính quy đảm nhiệm các chức danh công an xã tại 8.576/ 8.576 công an xã, thị trấn hiện nay là cần thiết. Thứ trưởng Bộ Công an, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc cho biết, hiện Bộ Công an đã chỉ đạo lực lượng công an các cấp thực hiện và phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan phát hiện, quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy; hướng dẫn Công an cấp xã lập danh sách người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy, người bị quản lý sau cai nghiện ma túy; tăng cường bồi dưỡng, nâng cao hơn nữa chất lượng của đội ngũ công an xã chính quy trong nắm tình hình giải quyết các vụ việc an ninh trật tự ngay từ cơ sở cũng như triển khai Luật Phòng, chống ma túy năm 2021.

Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên Đại tá Ngô Thanh Bình cho hay, ngay khi Bộ Công an có kế hoạch triển khai Luật Phòng chống ma túy năm 2021, Công an tỉnh Điện Biên đã triển khai tập huấn chuyên sâu về thi hành Luật Phòng, chống ma túy 2021 và các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành cho lãnh đạo các sở, ban, ngành và tới 100% lực lượng công an cấp xã.  

Bảo Hân