Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh thảo luận tổ về một số Chương trình mục tiêu quốc gia

Phát huy vai trò chủ thể của người dân trong triển khai thực hiện

- Thứ Bảy, 24/07/2021, 13:55 - Chia sẻ
Tham gia thảo luận tại tổ về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững; xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, các ĐBQH tỉnh Quảng Ninh đều khẳng định, việc xây dựng 2 chương trình trên là cần thiết trong bối cảnh nước ta hiện nay, nhất là thời điểm cả nước đang chịu nhiều tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19. Các đại biểu nhấn mạnh, cần phân tích sâu hơn đối với các chỉ tiêu đặt ra trong cả giai đoạn và phát huy được vai trò chủ thể của người dân trong công tác triển khai, thực hiện.

Tính đến giải pháp “đi trước đón đầu”

Theo Tờ trình đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 báo cáo trước Quốc hội, Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 giảm 1/2 số hộ nghèo, hộ cận nghèo so với đầu kỳ theo tiêu chí nghèo đa chiều của quốc gia; 30% số huyện nghèo, 30% số xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng, cần đánh giá toàn diện các tác động tiêu cực của dịch bệnh trong việc xây dựng chương trình, bảo đảm phán ánh đúng, đủ những ảnh hưởng trực tiếp trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội.

ĐBQH Nguyễn Thị Thu Hà phát biểu thảo luận tại Tổ
Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Thu Hà phát biểu thảo luận tại tổ

Tại tổ thảo luận, các ý kiến của ĐBQH tỉnh Quảng Ninh đều đánh giá đây là những chương trình mục tiêu có ý nghĩa nhằm giảm khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng miền trong cả nước. Dù vậy, cần phân tích sâu hơn đối với các chỉ tiêu chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trong giai đoạn 2021-2025. Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Thu Hà nhấn mạnh: Trong các nhóm giải pháp thực hiện Chương trình, cần xác định tỷ lệ tham gia của người dân trong câu chuyện thoát nghèo thế nào, không chỉ dựa vào ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và các nguồn xã hội khác. Như vậy mới có được trách nhiệm của người nghèo trong giảm nghèo bền vững, xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại của người nghèo, xóa bỏ tình trạng “nghèo bền vững” hay “nghèo luân phiên”.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà cũng nêu thực tế, có nhiều địa phương thoát nghèo năm nay nhưng sang năm quay lại nghèo. Đồng thời, đề nghị, phải có giải pháp mang tính đột phá hơn và phải tính đến các giải pháp mang tính “đi trước đón đầu”. Ví dụ, trong hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, không nên dừng lại ở việc đưa đối tượng là người nghèo ra nước ngoài làm việc theo hợp đồng, mà phải quan tâm tới việc trang bị ngoại ngữ, kỹ năng nghề và bảo đảm các yêu cầu, tiêu chuẩn lao động... Có như vậy, việc đi trước đón đầu của người lao động Việt Nam mới đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động quốc tế.

Cũng theo Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, trong 5 tiểu dự án, có tới 4 tiểu dự án liên quan tới đào tạo nghề. Tuy nhiên, 4 hoạt động của tiểu dự án thứ nhất đều dành cho cơ sở đào tạo nghề. Thực tế tại những vùng nghèo và huyện nghèo chỉ có vài trung tâm đào tạo nghề; trong khi đó, các ngành, nghề đào tạo cho người nghèo chưa phù hợp, chưa đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Một số đơn vị, doanh nghiệp phải đi rất xa mới tìm được lao động. Do đó, Nhà nước cần đào tạo theo nhu cầu và đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Nên đầu tư cho người học, không nhất thiết phải đầu tư cho các cơ sở đào tạo, tập trung vào đối tượng học, bảo đảm người nghèo sau khi được đào tạo nghề, ra trường có việc làm ngay.

Tại buổi thảo luận, một số ý kiến của ĐBQH tỉnh Quảng Ninh cũng đề nghị cần bổ sung vào dự thảo Nghị quyết của Quốc hội một số nội dung, như: Cần xác định thực trạng hộ nghèo, cận nghèo; giữ nguyên chỉ tiêu giảm hộ nghèo như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Về quy định tổ chức thực hiện, cần hoàn thiện chính sách giảm nghèo đa chiều sớm và có định hướng để các địa phương ban hành chính sách nếu không sẽ chậm cho địa phương vì hiện nay có nơi như Quảng Ninh đã ban hành chính sách cho năm 2022. Thống nhất Trung ương có một ban chỉ đạo và 3 nhánh điều phối và phân cấp mạnh cho địa phương chủ động triển khai các chương trình, dự án.

Đánh giá toàn diện hiệu quả của chính sách

Theo các đại biểu, cũng cần thống nhất 3 chương trình (xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế cho vùng đồng bào dân tộc miền núi) để tích hợp chính sách và lồng ghép nguồn lực cho cùng một địa bàn. Riêng đối với,  Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các ĐBQH đánh giá, sau 10 năm thực hiện, Chương trình đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện. Đến hết năm 2020, cả nước có 5.157/8.267 xã (62,4%) đạt chuẩn, hoàn thành vượt mức 12,4% so với chỉ tiêu đã đề ra; đã có 12 tỉnh, thành phố có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Phó Chủ nhiệm ủy ban Xã hội Đỗ Thị Lan. ĐBQH tỉnh Quảng Ninh tham gia ý kiến tại phiên thảo luận
Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội Đỗ Thị Lan. ĐBQH tỉnh Quảng Ninh tham gia ý kiến tại phiên thảo luận

Dù vậy, khu vực nông thôn còn đứng trước nhiều thách thức đòi hỏi tiếp tục có sự quan tâm đầu tư, vừa duy trì, phát huy các thành quả đã đạt được, vừa hỗ trợ các xã còn lại đạt chuẩn nông thôn mới. Vì thế việc tiếp tục thực hiện Chương trình là cần thiết, phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, có nhiều thuận lợi cơ bản, trong đó, bộ máy, nguồn nhân lực thực hiện Chương trình đã được vận hành trong nhiều năm qua, nhận thức người dân về lợi ích của Chương trình có nhiều chuyển biến, tích cực hưởng ứng tham gia.

Tham gia cho ý kiến thảo luận về Tờ trình của Chính phủ, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh đề nghị, cần đánh giá kỹ lưỡng hiệu quả của chính sách xây dựng nông thôn mới thời gian qua. Đồng thời, tiếp tục quan tâm đầu tư hạ tầng giao thông, điện, nước trong xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Mặt khác, tính toán các phương án để tiên lượng dự báo tình hình trong quá trình triển khai các chỉ tiêu về môi trường; xác định người nông dân là chủ thể xây dựng nông thôn mới. Từ đó, đào tạo người nông dân để họ làm chủ, phát triển được văn hóa con người và không gây ảnh hưởng đến môi trường, sinh thái…

MẠNH TUÂN