Đề cao vai trò của Thường trực, các Ban Hội đồng Nhân dân
Phát biểu đề dẫn hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Lê Xuân Tiến nhấn mạnh: Đại biểu HĐND thực hiện tốt các quy định về trách nhiệm của mình sẽ phát huy vai trò là cầu nối với cử tri và Nhân dân, nhất là cử tri tại nơi ứng cử. Để đại biểu HĐND tiếp tục làm tốt và tốt hơn nữa chức năng là cầu nối với cử tri và Nhân dân, vai trò của Thường trực, các Ban HĐND là rất quan trọng.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, ngày 12.9.2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực, các Ban, Tổ đại biểu và đại biểu HĐND nhằm tiếp tục thiết lập cơ chế, khắc phục những khó khăn vướng mắc trong việc thực hiện chức năng giám sát của HĐND; giúp nâng cao hiệu quả giám sát thông qua việc chuẩn hóa chương trình giám sát, xác định tiêu chí lựa chọn trong hoạt động giám sát cũng như nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nghị quyết, kết luận, giám sát.
Với những hành lang pháp lý đã có, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức Hội nghị này để các đại biểu thảo luận, đề xuất, chia sẻ các giải pháp thực hiện cũng như cách làm hay của mỗi địa phương, góp phần đưa Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 đi vào thực tiễn và vận dụng được nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trong hoạt động giám sát của HĐND các cấp thời gian qua.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe báo cáo kết quả hoạt động của Thường trực HĐND cấp tỉnh, huyện quý I.2023, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng đầu năm 2023. Đồng thời, tập trung thảo luận, đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng trong hoạt động TXCT, tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân; tăng cường giám sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân; bồi dưỡng, trang bị kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ của đại biểu HĐND trong tiếp xúc với cử tri và Nhân dân.
Về giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của HĐND theo tinh thần Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15, các đại biểu trung thảo luận về việc: Chuẩn hóa quy trình xây dựng chương trình giám sát; xác định các các mốc thời gian, thời điểm trong giám sát, chất vấn, giải trình; vai trò, trách nhiệm của cơ quan tham mưu, giúp việc; xác định tiêu chí lựa chọn trong hoạt động giám sát; nâng cao hiệu lực hoạt động chất vấn tại phiên họp của Thường trực HĐND thông qua kết luận về chất vấn; ban hành quy định về cách thức tổ chức hoạt động chất vấn tại Quy chế hoạt động hoặc Nội quy kỳ họp của HĐND; nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát...
Chuẩn bị tốt các nội dung lấy phiếu tín nhiệm
Dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Quốc Toản ghi nhận và đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, tích cực thảo luận, đóng góp ý kiến của các Ban HĐND tỉnh, Thường trực HĐND các huyện, thị, thành. Đồng thời, đề nghị Thường trực, các Ban HĐND cấp tỉnh, huyện tiếp tục chủ động tham mưu cấp ủy cùng cấp thực hiện tốt Chương trình làm việc của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND tỉnh, Ban Thường vụ và Thường trực HĐND các huyện, thị, thành; tiếp tục nỗ lực phấn đấu hoàn thành thắng lợi Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh đã đề ra; phối hợp UBND cùng cấp chuẩn bị tốt các nội dung, điều kiện tổ chức kỳ họp thường lệ và không thường lệ HĐND năm 2023. Bên cạnh đó, Thường trực HĐND các cấp chủ động nghiên cứu sâu, kỹ các quy định của Ban Chấp hành Trung ương, hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để thực hiện tốt việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu tại Kỳ họp thường lệ cuối năm 2023…
Liên quan đến chủ đề Hội nghị, đối với việc nâng cao trách nhiệm, phát huy vai trò cầu nối giữa đại biểu HĐND với cử tri và Nhân dân, đặc biệt tại nơi ứng cử, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị Thường trực HĐND cấp tỉnh, huyện tiếp tục đổi mới hơn nữa hoạt động TXCT, nhất là đổi mới về hình thức và nội dung tổ chức; tăng cường TXCT theo chuyên đề, đổi mới cách thức truyền đạt thông tin, báo cáo, bảo đảm khoa học, ngắn gọn, đầy đủ, tạo không khí cởi mở, dân chủ, thẳng thắn và dành nhiều thời gian để cử tri phát biểu ý kiến, kiến nghị. Đồng thời, tăng cường giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri dưới nhiều hình thức; nghiên cứu tham mưu HĐND cấp tỉnh, huyện ban hành Nghị quyết về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri nhằm tăng tính hiệu lực pháp lý đối với UBND và các cơ quan chuyên môn trong giải quyết kiến nghị cử tri; nâng cao trách nhiệm tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân; tích cực tổ chức giám sát chuyên đề, giám sát đột xuất về giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, đặc biệt cần tăng cường trách nhiệm của đại biểu HĐND trong nắm bắt, giám sát việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân trên địa bàn, nơi đại biểu ứng cử…
Đối với việc thực hiện Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị: Thường trực, các Ban HĐND cấp tỉnh, huyện tập trung nghiên cứu, quán triệt để triển khai có hiệu quả, thực hiện đúng các hướng dẫn, chủ động rà soát các quy chế hoạt động, quy trình nội bộ để điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện bảo đảm phù hợp với các quy định mới của Nghị quyết. Bên cạnh đó, nhấn mạnh việc tổ chức giám sát theo Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 phải bảo đảm thực chất, hiệu quả; giám sát phải bảo đảm tính sẵn sàng hợp tác giữa các cơ quan dân cử với cơ quan, đơn vị thực thi pháp luật, phối hợp để nâng cao hiệu quả tổ chức hoạt động của chính quyền.
Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị, khi giám sát cần lựa chọn nội dung giám sát có trọng tâm, trọng điểm, thiết thực, hiệu quả, tăng cường giám sát chuyên đề, tập trung giải quyết các vấn đề bức xúc ở địa phương, đáp ứng nguyện vọng của cử tri; nghiên cứu mở rộng thành phần đoàn giám sát, có thể mời thêm những người có chuyên môn, nghiệp vụ liên quan đến nội dung giám sát; báo cáo, kết luận giám sát phải bảo đảm trung thực, khách quan, phát hiện những vấn đề cốt lõi cần giải quyết, thể hiện được chính kiến của Đoàn giám sát và có những kiến nghị cụ thể, xác đáng, có tính khả thi để các cơ quan, tổ chức có cơ sở thực hiện.
Đối với những kiến nghị đã đến thời hạn giải quyết mà chưa được thực hiện, HĐND phải gửi văn bản nhắc nhở, đôn đốc, yêu cầu báo cáo hay tổ chức tái giám sát việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát; những vấn đề sau giám sát còn nhiều vướng mắc, chưa được các ngành, địa phương quan tâm tháo gỡ, giải quyết dứt điểm sẽ được đưa ra giải trình, chất vấn tại các phiên họp của Thường trực HĐND hoặc kỳ họp HĐND - đây là biện pháp kiên quyết đối với những kiến nghị thực hiện chậm, việc chấn chỉnh, khắc phục hạn chế chưa đạt yêu cầu cần được trả lời công khai để cử tri theo dõi, giám sát.