Phát huy vai trò “cầu nối” giữa Đảng, chính quyền với Nhân dân
Ngày 12.7, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. Hà Nội tổ chức “Hội nghị Thông tin về tình hình thời sự, kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của Thủ đô cho các chức sắc tôn giáo, nhà tu hành trên địa bàn thành phố”.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. Hà Nội Nguyễn Thị Kim Dung khẳng định, trong kết quả của kinh tế - xã hội của Thủ đô 6 tháng đầu năm 2024 có sự khởi sắc rất lớn, an ninh, quốc phòng ổn định... thể hiện được sự quyết liệt trong công tác chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng bộ và Chính quyền TP. Hà Nội. Diện mạo của TP. Hà Nội phát triển đi lên, đặc biệt là vùng nông thôn chất lượng cuộc sống người dân đã và đang được nâng lên từng ngày.

Cùng các cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và các phong trào thi đua, Mặt trận Tổ quốc các cấp đã vận động và phát huy vai trò Nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và giảm nghèo bền vững; huy động nguồn lực, cùng Nhà nước chăm lo cuộc sống cho Nhân dân. Theo đó, TP. Hà Nội có 18/18 huyện, thị xã (100%) đạt chuẩn Nông thôn mới. Có 4 huyện: Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức đã trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phấn đấu trong tháng 7 năm 2024 được Thủ tướng Chính phủ công nhận. Bên cạnh đó, TP. Hà Nội cũng đang hướng đến xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

“Cùng với sự thay đổi về hạ tầng của Thủ đô Hà Nội, nhằm nâng cao hiệu quả các hoạt động của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. Hà Nội cũng đổi mới phương thức hoạt động, ứng dụng việc chuyển đổi số vào các hoạt động, giúp tăng cường kết nối đến từng cán bộ ở cơ sở, rút ngắn thời gian thực thi, phát huy tính chủ động kết nối trong công tác chỉ đạo hoạt động của lãnh đạo mặt trận, lắng nghe được nhiều hơn ý kiến, nguyện vọng của người dân. Qua đó, nâng cao vai trò “cầu nối” giữa Đảng, chính quyền với Nhân dân của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. Hà Nội Nguyễn Thị Kim Dung nhấn mạnh.
Qua việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, hiện nay, có khoảng 40% các cuộc họp của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. Hà Nội được áp dụng phương án họp trực tiếp kết hợp trực tuyến, do đó số lượng các đại biểu tham gia vào các cuộc họp cũng lớn hơn, nhanh chóng hơn...
Trên cơ sở kết quả đã đạt được, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. Hà Nội Nguyễn Thị Kim Dung tin tưởng, sẽ sớm thực hiện thành công mục tiêu mà Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị đặt ra với Thủ đô Hà Nội, đến năm 2030, Thủ đô Hà Nội là thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển Vùng Đồng bằng sông Hồng, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước…

Dự hội nghị, các đại biểu được nghe, Trưởng ban Dân tộc và Tôn giáo Trương Văn Nhung thông tin tới các chức sắc về tình hình kinh tế - xã hội nổi bật trong nước nói chung và TP. Hà Nội nói riêng.
Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2024, thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ và quyết tâm điều hành của chính quyền thành phố, Hà Nội cơ bản bảo đảm các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Cụ thể, trong 6 tháng năm 2024, Hà Nội bảo đảm được cân đối lớn của nền kinh tế thành phố. Thứ nhất là về thu chi, thành phố thu được trên 233.000 tỷ đồng, đạt 57% so với kế hoạch đặt ra. Điều này thể hiện sự quyết liệt của thành phố trong việc cân đối thu chi. Ngân sách đảm bảo mới có thể đáp ứng được công tác xây dựng nông thôn mới, vì nguồn lực thực hiện là rất lớn. Thành phố Hà Nội phấn đấu đến năm 2035 sẽ hoàn thành 5 tuyến Metro (đường sắt trên cao). Theo kế hoạch, trong tháng 7 này, sẽ đưa vào vận hành tuyến Metro Nhổn – Cầu Giấy (tuyến này hiện còn 4km ngầm từ Cầu Giấy đến Ga Hà Nội, sẽ hoàn thành trong năm 2027).

Kinh tế - xã hội của Hà Nội đạt được những thành quả nhất định. Trong đó, ngành du lịch có bước tiến đáng kể, trong 6 tháng đầu năm 2024, TP. Hà Nội đã thu hút được trên 14 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đến đạt 2,3 triệu lượt. Hà Nội đang phấn đấu đến năm 2045, kinh tế du lịch sẽ trở thành một trong những ngành kinh tế trọng điểm của thành phố. Vì vậy, TP. Hà Nội đang tiếp tục phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn để tạo điểm đến trong du lịch, để thu hút khách du lịch. Phát triển du lịch là phát triển kinh tế xanh, bảo đảm mang tính bền vững, không ảnh hưởng đến môi trường…
“Ngoài ra, TP. Hà Nội cũng rất quan tâm đến việc chăm sóc sức khỏe người dân. Hiện nay, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt trên 90%. An sinh xã hội được đảm bảo, chăm lo. Trong đó, công tác chăm lo đời sống cho các hộ nghèo, cận nghèo cũng được quan tâm.”, Trưởng ban Dân tộc và Tôn giáo Trương Văn Nhung thông tin thêm.