Hội thảo do Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật, Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU-SIS) và Á Space với sự đồng hành của Bộ sưu tập Dogma, Nguyễn Art Foundation và Trung tâm nghệ thuật The Outpost tổ chức.
Theo bà Vân Đỗ, Giám tuyển, Giám đốc nghệ thuật Á Space, thực hành giám tuyển đóng vai trò quan trọng trong việc định hình lịch sử và diễn ngôn của nghệ thuật đương đại Việt Nam trong suốt 30 năm hình thành. Khi nhu cầu về địa điểm và không gian cho nghệ thuật tiếp tục tăng, ngày càng có nhiều giám tuyển chủ động đáp ứng nhu cầu đó theo cách riêng của họ thông qua việc tổ chức triển lãm, xây dựng cơ sở hạ tầng hay các hoạt động cộng đồng trong khi cân nhắc đến tính đặc thù của địa phương.
Tuy nhiên, thậm chí cho đến hiện tại, nghề giám tuyển vẫn chưa được giảng dạy một cách rộng rãi và có hệ thống ở Việt Nam. Hầu hết giám tuyển đang thực hành đều tự học hoặc vừa học vừa làm. Trong khi nhu cầu về giám tuyển ngày càng tăng thì các chương trình đào tạo chuyên sâu bền vững dành riêng cho nghề này vẫn chưa tồn tại.
Bởi vậy, hội thảo sẽ là diễn đàn trao đổi cởi mở về các vấn đề then chốt của nghề giám tuyển, tạo ra những tiền đề cho các chương trình chuyên sâu hơn về ngành này cũng như phát huy tiềm năng thực hành giám tuyển tại Việt Nam.
Mặc dù tên gọi giám tuyển, art curator, được dùng trong cộng đồng nghệ sĩ, xuất hiện trong các triển lãm nghệ thuật, nhưng giám tuyển lại là khái niệm tương đối mơ hồ trong các chức danh nghề nghiệp tại Việt Nam. Gần đây, với sự phát triển đa dạng của nghệ thuật, cộng đồng trên thế giới ngày càng nhận thấy vai trò quan trọng, không thể thiếu của giám tuyển, người thổi hồn cho các tác phẩm nghệ thuật, hay người kết nối các loại hình nghệ thuật với nhau, tạo ra giá trị giá tăng so với giá trị ban đầu. Đồng thời giám tuyển cũng tạo tri thức mới, là cầu nối giữa nghệ sĩ và công chúng, là người truyền thông triển lãm…
PGS.TS. Nguyễn Việt Khôi, Phó Hiệu trưởng Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật cho rằng, giám tuyển là một nghề hết sức đặc biệt, có nội hàm thay đổi, được bổ sung và chuyển đổi theo quá trình phát triển của nghệ thuật đương đại. Bởi vậy, trong phạm vi của hội thảo chuyên đề sắp tới có thể chưa bao quát được hết những vấn đề chuyên môn về nghề giám tuyển. Tuy nhiên, Ban tổ chức cũng mong muốn hội thảo đưa ra cái nhìn tổng quát về chức danh và đặc điểm nghề nghiệp, trong đó làm rõ một số vấn đề mang tính cốt lõi của ngành giám tuyển, đạo đức, tầm nhìn, nguyên tắc thực hành của người làm giám tuyển - điều hết sức quan trọng trong bối cảnh xã hội hiện nay.
Hội thảo sẽ gồm nhiều chuyên đề như: Phả hệ thuật ngữ “curator” tại Việt Nam qua các thời kỳ và quan niệm về công việc giám tuyển; xây dựng cơ sở hạ tầng và cộng đồng như một thực hành giám tuyển; tính “tác giả” trong công tác giám tuyển; viết như một chiến lược giám tuyển; triển lãm như một địa bàn viết sử…
Ban tổ chức cũng sẽ phát động cuộc thi viết dành riêng cho học sinh và sinh viên về công việc giám tuyển trong khuôn khổ hội thảo lần này.