Luật hóa đầy đủ chính sách trong chương trình phát triển công nghiệp dược
So với dự thảo Luật trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Bảy, dự thảo Luật trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần này đã làm rõ và cụ thể hơn một số quy định, nội dung. Với mục tiêu sửa đổi Luật đã xác định, đến thời điểm hiện tại, căn cứ các ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các cơ quan của Quốc hội và các ý kiến qua các lần họp chuyên gia và chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo Luật được tiếp thu, chỉnh lý và sửa đổi 49 điều, bãi bỏ 2 điểm, 1 khoản và 1 điều của Luật hiện hành, bổ sung 3 điều (Điều 1); sửa đổi, bổ sung Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (Điều 2) và xác định thời điểm có hiệu lực của Luật và các quy định chuyển tiếp (Điều 3).
Về chính sách của Nhà nước về dược, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư và trách nhiệm trong phát triển công nghiệp dược (các khoản 4, 5 và 6 Điều 1 sửa đổi, bổ sung các điều 7, 8 và 10), báo cáo của Thường trực Ủy ban Xã hội cho biết, một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị rà soát để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật khi quy định về chính sách của Nhà nước, luật hóa đầy đủ các chính sách trong Chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước. Có ý kiến đề nghị có quy định cụ thể với chính sách ưu đãi đủ mạnh, có trọng tâm, trọng điểm, đồng bộ để khắc phục tồn tại, khó khăn trong phát triển ngành dược trong nước; hài hòa giữa việc thu hút đầu tư nước ngoài với sự phát triển vững mạnh của doanh nghiệp nội địa, bảo đảm an ninh y tế; tăng khả năng tiếp cận của người dân với các thuốc nhập khẩu chất lượng cao và các dược phẩm, dược liệu quý hiếm.
Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật đã chỉnh lý theo hướng: quy định các chính sách chung của Nhà nước về dược, bao gồm chính sách ưu tiên mua sắm thuốc sản xuất trong nước tại các cơ sở y tế công lập, chính sách ưu tiên về các thủ tục hành chính (cấp giấy đăng ký lưu hành, cấp phép nhập khẩu); chính sách áp dụng các cơ chế ưu đãi, hỗ trợ từ các quỹ hỗ trợ cho hoạt động khoa học và công nghệ trong nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm lâm sàng, chuyển giao công nghệ, sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc; chính sách phát triển hệ thống cung ứng thuốc theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại; chính sách phát huy các bài thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu; chính sách nâng cao chất lượng nguồn nhân lực… như thể hiện tại Điều 7 dự thảo Luật.
Dự thảo Luật còn quy định chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư trong phát triển công nghiệp dược, trong đó xác định quy mô dự án thuộc lĩnh vực dược được áp dụng ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt; quy định tỷ lệ được trích tối đa thu nhập tính thuế hàng năm của doanh nghiệp dược để lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ như thể hiện tại Điều 8 (sửa đổi). Giao Chính phủ quy định chi tiết Điều 7 (sửa đổi) và Điều 8 (sửa đổi) để bảo đảm tính khả thi.
Cũng theo báo cáo, một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị quy định cơ chế ưu đãi để thu hút các doanh nghiệp đầu tư ở khu vực miền núi và vùng đồng bào dân tộc, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn; có chính sách cụ thể để phát triển ngành dược liệu, phát triển vùng dược liệu, phát triển y học cổ truyền, ưu đãi đặc biệt đối với hoạt động ứng dụng khoa học công nghệ về bào chế, sản xuất, bảo tồn dược liệu quý hiếm ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; cân nhắc giao Chính phủ hoặc các bộ, ngành có thẩm quyền quy định chi tiết các chính sách.
Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung Điều 7 và Điều 8 theo hướng bổ sung chính sách “xúc tiến thương mại để xuất khẩu thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền” tại khoản 8 Điều 7 (sửa đổi), quy định áp dụng chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt trong nuôi trồng dược liệu tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, nghiên cứu để bảo tồn, phát triển nguồn gen dược liệu quý, hiếm, đặc hữu trong nước; tạo giống mới từ nguồn gen dược liệu có giá trị kinh tế cao tại khoản 1 Điều 8 (sửa đổi); giao Chính phủ quy định chi tiết các nội dung này tại khoản 14 Điều 7 và khoản 4 Điều 8 (sửa đổi).
Quy định chung chung, chính sách sẽ không vào thực tế cuộc sống
Nghiên cứu các quy định về chính sách của Nhà nước về dược (Điều 7 dự thảo Luật) và chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư trong phát triển công nghiệp dược (Điều 8 dự thảo Luật), ĐBQH Nguyễn Lâm Thành (Thái Nguyên) cho rằng, hai nội dung này dễ gây khó trong quá trình triển khai thực hiện vì ranh giới giữa các chính sách về dược và các chính sách ưu tiên, ưu đãi chưa rõ ràng. Do vậy, đại biểu đề nghị rà soát lại các nội dung này nhằm bảo đảm tính khả thi.
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành cũng thấy rằng, các chính sách của Nhà nước về dược và phát triển công nghiệp dược còn thiếu vắng hoặc quy định rất mờ nhạt chính sách về quy hoạch và phát triển nguồn dược liệu. “Việt Nam sống trên một rừng thuốc nhưng chúng ta lại không phát triển được nguồn và vùng dược liệu để phục vụ khám, chữa bệnh, điều trị y tế cho Nhân dân và kể cả xuất khẩu”. Đặt vấn đề này, đại biểu Nguyễn Lâm Thành đề nghị cần tách một khoản riêng trong Điều 7 thành nội dung ưu tiên trong Điều 8 để quy định về cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển vùng dược liệu.
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành cũng nhấn mạnh, dự thảo Luật cần làm rõ các cơ chế ưu đãi, nhất là các chính sách về vốn, thuế, hỗ trợ phát triển, tổ chức, quản lý, sản xuất…, bởi đây là những chính sách quan trọng, gắn rất nhiều với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. “Một trong những đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là hướng đến phát triển các vùng dược liệu, trở thành một nguồn lực phát triển kinh tế nhằm xóa đói, giảm nghèo và phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho người dân”, đại biểu cho biết.
Tại điểm b khoản 1 Điều 8 dự thảo Luật quy định chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư cho dự án nuôi trồng dược liệu tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; nghiên cứu để bảo tồn, phát triển nguồn gen dược liệu quý, hiếm, đặc hữu trong nước; tạo giống mới từ nguồn gen dược liệu có giá trị kinh tế cao. Góp ý vào điều khoản này, đại biểu Nguyễn Lâm Thành cho rằng, nội dung này nên tách làm hai nhóm riêng, bởi lẽ vấn đề nghiên cứu, phát triển nguồn gen dược liệu quý, hiếm, đặc hữu trong nước là một nội dung đặc thù trong nghiên cứu, phải đầu tư rất bài bản; còn vấn đề về nuôi, trồng dược liệu là hoạt động khác, liên quan tới phát triển vùng nguyên liệu.
Đại biểu cũng cho rằng, trong chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư cho phát triển nuôi trồng dược liệu, không nên đặt vấn đề chỉ áp dụng với đối tượng là vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, bởi lẽ dần dần sẽ không còn đối tượng để thực hiện. Đây cũng là một trong những vướng mắc trong thực hiện Thông tư của Bộ Y tế hướng dẫn triển khai nội dung "Đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý" thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia. “Phát triển vùng dược liệu có cả ở vùng 1, vùng 2, vùng 3 chứ tại sao cứ khoanh vào vùng đặc biệt khó khăn là chỗ chỉ có núi cao, còn những vùng khác có điều kiện phát triển dược liệu lại không có cơ hội để làm”. Nêu vấn đề này, đại biểu đề nghị, các vùng có điều kiện phát triển dược liệu cần được nghiên cứu và quy định cụ thể, bảo đảm phù hợp với thực tiễn để những chính sách ưu đãi của Nhà nước mang tính khả thi.
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành nhận thấy, các quy định pháp luật về đầu tư liên quan đến lĩnh vực dược cũng không nhiều, đặc biệt liên quan đến đối tượng ở các vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn cũng không thấy nhiều. Trong khi đó, khoản 2 Điều 8 dự thảo Luật quy định thực hiện chính sách ưu đãi hỗ trợ đầu tư đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực dược theo quy định của pháp luật về đầu tư. Đại biểu nhấn mạnh, các chính sách ưu đãi cần quy định rất cụ thể trong dự thảo Luật. Qua giám sát về thực hiện chính sách ưu đãi đầu tư, thu hút đầu tư cho các vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng cho thấy, kết quả thực hiện những chính sách này không được nhiều vì “chúng ta cứ quy định chung chung thì chính sách không vào thực tế cuộc sống”, đại biểu Nguyễn Lâm Thành cho biết.