Phát huy sức mạnh toàn dân trong phòng cháy, chữa cháy

Trực tiếp cứu chữa hàng trăm vụ cháy, vụ tai nạn trên địa bàn thành phố Hà Nội, tham gia chi viện chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy đó là những chiến công tiêu biểu của lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ, Công an TP. Hà Nội. 

Ưu tiên “4 tại chỗ”, huy động sức mạnh toàn dân

Ngày 4.10.1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký lệnh số 53/LCT của Chủ tịch nước công bố “Pháp lệnh quy định việc quản lý Nhà nước đối với công tác phòng cháy chữa cháy”. Sự kiện lịch sử này đã đánh dấu sự thay đổi trong công tác phòng cháy, chữa cháy của Nhà nước, đồng thời mở ra trang mới trong quá trình hình thành và phát triển của lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH) nói chung và lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH - Công an Thủ đô nói riêng. 63 năm, trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH - Công an thành phố Hà Nội ngày một phát triển, lớn mạnh, không ngừng phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.

Năm 2001, nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về phòng cháy và chữa cháy, qua đó góp phần đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, Quốc hội khóa X đã thông qua Luật Phòng cháy và chữa cháy, có hiệu lực thi hành từ ngày 4.10.2001, trong đó quy định rõ phòng cháy và chữa cháy là trách nhiệm của mỗi cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trên lãnh thổ Việt Nam.

Luật Phòng cháy chữa cháy quy định ngày 4.10 hàng năm là “Ngày toàn dân phòng cháy, chữa cháy”. Đồng thời khẳng định, công tác phòng cháy chữa cháy là trách nhiệm của toàn dân, trong đó lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ giữ vai trò nòng cốt.

111-2176.jpg
Lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH tham gia chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại Công ty TNHH SX&TM Cường Việt.

Xuyên suốt 63 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, thấm nhuần chỉ đạo của Đảng, vận dụng tư tưởng “lấy dân làm gốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nghị quyết của Đảng uỷ Công an Trung ương, Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Công an trong công tác PCCC&CNCH và các Chỉ thị, Nghị quyết của Thành uỷ, HĐND và UBND Thành phố về nhiệm vụ xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội ở Thủ đô, cán bộ, chiến sỹ lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH - Công an Thành phố Hà Nội luôn bám sát địa bàn, cơ sở, tuyên truyền vận động quần chúng nhân dân tham gia công tác phòng cháy chữa cháy.

Trong đó, chú trọng công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân xây dựng mô hình, phong trào, điển hình tiên tiến tại các nhà máy, xí nghiệp, khu dân cư nhằm phát huy phương châm 4 tại chỗ, đồng thời huy động sức mạnh to lớn của các cấp, các ngành và Nhân dân trong công tác phòng cháy chữa cháy, từng bước xây dựng lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ ngày một lớn mạnh theo hướng “Chính quy, chuyên nghiệp, từng bước hiện đại”.

Giảm thiệt hại về người và tài sản

Sau 23 năm thực hiện Luật Phòng cháy chữa cháy, ngày toàn dân phòng cháy chữa cháy 4.10 đã dần đi vào ý thức của mỗi người dân Thủ đô, như một ngày hội, ngày mà ai ai trong mỗi chúng ta dường như đều có ý thức hơn, trách nhiệm hơn trong công tác PCCC&CNCH. Bước chuyển biến rõ nét nhất chính là sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị, xã hội và Nhân dân trong công tác phòng cháy chữa cháy, qua đó góp phần không nhỏ thay đổi về nhận thức, ý thức, kiến thức, kỹ năng về phòng cháy chữa cháy của người đứng đầu cơ sở, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, các hộ gia đình và mỗi người dân Thủ đô.

Trong dịp này, nhiều hoạt động sôi nổi, thiết thực và sáng tạo đã đồng loạt diễn ra tại các khu dân cư, nhà máy, xí nghiệp, chợ, trung tâm, thương mại… như mít tinh biểu dương lực lượng; hội thao, hội thảo; diễn tập phương án chữa cháy, cứu nạn cứu hộ; tuyên truyền trực quan, ký cam kết bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy, tuyên dương điển hình tiên tiến về phòng cháy chữa cháy. Các cơ quan báo chí của Trung ương và Hà Nội đều quan tâm và dành thời lượng để tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiến thức, kỹ năng về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ. Nhiều chương trình, sản phẩm tuyên truyền với hình thức thể hiện mới mẻ, hấp dẫn, nội dung sâu sắc có sức lan tỏa rộng rãi, thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân.

2-386.jpg
Lực lượng Phòng cháy, chữa cháy tại chỗ tham gia hoạt động diễn tập chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Theo thống kê trong 9 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn TP. Hà Nội xảy ra 925 vụ cháy, trong đó có đến 503/925 vụ cháy (chiếm 53,38%) số vụ cháy được lực lượng tại chỗ (người dân, Công an phường, dân phòng, phòng cháy chữa cháy cơ sở…) chủ động triển khai chữa cháy, dập tắt, góp phần giảm thiệt hại cả về người và tài sản do cháy nổ gây ra.

Bên cạnh đó, Thực hiện Chỉ thị số 01 của Thủ tướng Chính phủ, việc triển khai xây dựng các mô hình vận động quần chúng nhân dân tham gia công tác phòng cháy chữa cháy như: “Tổ liên gia an toàn phòng cháy chữa cháy”, “Điểm chữa cháy công cộng”,… tại các khu dân cư, tổ dân phố cũng đã và đang phát huy hiệu quả tích cực trong công tác phòng cháy chữa cháy ngay từ cơ sở theo phương châm “4 tại chỗ”...

Những kết quả trên cho thấy sự những nỗ lực không ngừng nghỉ, góp phần lan toả nhiệm vụ phòng, chống “giặc lửa” tới người dân của lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH, qua đó kiềm chế sự gia tăng số vụ cháy và giảm thiểu thiệt hại cả về người và tài sản do cháy, nổ gây ra.

Hưởng ứng "Ngày toàn dân phòng cháy chữa cháy 4.10", Công an thành phố Hà Nội kêu gọi toàn dân hãy chủ động phòng ngừa, nâng cao ý thức, kiến thức, kỹ năng phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ. Khi có cháy, nổ, sự cố xảy ra, hãy gọi số 114 để được hỗ trợ.

Xã hội

Long An: Nâng cao chất lượng môi trường nông thôn
Môi trường

Long An: Nâng cao chất lượng môi trường nông thôn

Hoạt động thu gom, xử lý rác thải tại nông thôn được các địa phương tập trung thực hiện, từng bước giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường. Người dân ý thức hơn trong bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan nông thôn xanh, sạch, đẹp.

Sinh viên Khóa 1 Tiếng Nhật do Công ty XKLĐ hợp tác với Trường Cao đẳng Yên Bái trong buổi khai giảng.
Đời sống

Nhiều gia đình khá giả nhờ xuất khẩu lao động

Nhờ quan tâm triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác đưa người lao động (NLĐ) đi làm việc ở nước ngoài nên giai đoạn 2019-2023, tỉnh Yên Bái đã có 2.212 lao động đi làm việc tại các thị trường chủ yếu như: Trung Đông, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Nga...