Phát huy nội lực, khuyến khích sáng tạo

- Thứ Tư, 01/12/2021, 06:29 - Chia sẻ
Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) được kỳ vọng sẽ mang lại cú hích phát triển công nghiệp điện ảnh. Để tạo ra tác động như vậy, các chuyên gia cho rằng, Luật cần có những quy định mang tính đột phá để điện ảnh Việt Nam phát triển hội nhập quốc tế, nhưng vẫn giữ bản sắc.
	Có quy định phù hợp nhằm phát triển công nghiệp điện ảnh - Nguồn: cafef.vn
Có quy định phù hợp nhằm phát triển công nghiệp điện ảnh
Nguồn: cafef.vn

Phát triển điện ảnh dựa vào nội lực
Sáng 30.11 đã diễn ra hội thảo “Thực trạng pháp luật về điện ảnh và những vấn đề đặt ra trong sửa đổi Luật Điện ảnh” do Viện Nghiên cứu lập pháp và Ban Chủ nhiệm đề tài cấp bộ “Pháp luật về điện ảnh Việt Nam - Thực trạng và giải pháp” tổ chức. Hội thảo thu hút ý kiến của nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu, người làm trong ngành điện ảnh...
Ông Lê Thanh Liêm, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chia sẻ, dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) đã được đại biểu Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Hai, qua nhiều lần chỉnh sửa, tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề băn khoăn. Để phát triển công nghiệp điện ảnh, vướng mắc nhất là cơ chế chính sách ưu đãi, về tín dụng, thuế và đất đai đối với các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh. Nhưng chỉ Luật Điện ảnh không xử lý được. Vụ đang tập trung rà soát những quy định pháp luật về thuế liên quan đến lĩnh vực văn hóa, tham mưu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình cấp có thẩm quyền đề xuất sửa đổi.
Bên cạnh đó, Quỹ Phát triển điện ảnh đã có trong Luật Điện ảnh hiện hành, nhưng qua hơn 10 năm thực hiện, Quỹ vẫn chưa được triển khai trong thực tiễn với nguyên nhân chủ yếu được cho là Luật chưa quy định cụ thể cơ chế vận hành cũng như nguồn thu của Quỹ. Ông Lê Thanh Liêm cho biết, nếu được thành lập, Quỹ sẽ giúp hoạt động điện ảnh phát triển mạnh hơn thời gian tới thông qua hỗ trợ tài chính kịp thời đối với từng lĩnh vực của hoạt động điện ảnh. Nhưng cái khó nhất hiện nay là nguồn ở đâu? Ngân sách nếu có chỉ hỗ trợ ban đầu, quy định xã hội hóa thì mang tính kêu gọi. Từ nay đến thời điểm trình Quốc hội thông qua dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) chỉ còn vài tháng, đánh giá được nguồn đóng góp mang tính ổn định để trích kinh phí vẫn là bài toán nan giải. 
Trong khi đó, ông Nguyễn Danh Dương, Giám đốc Trung tâm Chiếu phim Quốc gia cho rằng: Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) cần giải quyết được những vướng mắc hiện tại để phát triển điện ảnh Việt Nam mang tính dân tộc, hội nhập, mang lại giá trị kinh tế. Các quy định cần hướng tới phát triển điện ảnh dựa vào nội lực, có sự tham gia của đầu tư nước ngoài. Luật cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam có thể sản xuất phim một cách thuận lợi nhất; tăng cường đầu tư vào rạp chiếu phim - nơi mang lại lợi nhuận khá lớn, đồng thời bảo đảm đầu ra cho phim Việt, góp phần truyền tải tư tưởng, bảo tồn và phát huy văn hóa. 
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng, điện ảnh là lĩnh vực thu lợi nhuận lớn, nhưng rủi ro cao. Do đó, Luật cần có các quy định cụ thể trong hoạt động thẩm định và phân loại phim, đồng thời có chính sách, cơ chế rõ ràng nhằm thu hút đầu tư vào lĩnh vực này. 
Bảo vệ bản quyền, khuyến khích sáng tạo
Xem xét điện ảnh dưới nhiều góc độ, ngành giải trí gắn với yếu tố kinh tế, ngành nghệ thuật gắn với yếu tố tuyên truyền, ông Phạm Văn Hùng, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, điều quan trọng là điện ảnh cần thu hút khán giả. Do đó, Luật phải bảo vệ tối đa quyền tự do sáng tạo của nghệ sĩ; bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; tạo hệ sinh thái điện ảnh. 
Việc phát hành, phổ biến phim, khai thác, sử dụng phim, tư liệu phim kỹ thuật số kéo theo những yêu cầu về bản quyền, bảo vệ bản quyền và quyền liên quan đối với phim ảnh và tư liệu nghe nhìn dạng số. Cùng với sự phát triển của công nghệ, các hành vi xâm phạm bản quyền ngày càng tinh vi.

Theo ThS. Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, tình trạng xâm phạm quyền tác giả tác phẩm điện ảnh dưới dạng các bản sao chép không được phép của chủ thể quyền đối với phim chiếu rạp hoặc phim truyền hình hiện nay vẫn xảy ra, đặc biệt là vi phạm trong môi trường internet, như phim chiếu rạp bị khán giả livestream, gây thiệt hại cho nhà sản xuất, hoặc phim chiếu rạp, chiếu trên truyền hình bị khán giả ghi lại và phát tán trên mạng internet. Các hành vi xâm phạm bản quyền rất đa dạng, từ xâm phạm quyền tài sản như quyền sao chép, quyền truyền đạt, phân phối tác phẩm đến quyền nhân thân như quyền công bố tác phẩm, quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm... 
Trong khi đó, tác phẩm điện ảnh đòi hỏi có sự đầu tư lớn về tài chính và sáng tạo. Việc xâm phạm bản quyền, quyền liên quan gây tổn hại lớn đến các nhà làm phim và doanh nghiệp. Do đó, vấn đề bảo vệ quyền tác giả trong môi trường số cần được quan tâm đúng mức.
Theo ông Đỗ Quốc Việt - Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh, với Luật An ninh mạng và sự điều chỉnh của Nghị định 158/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo, nhận thức của xã hội ngày càng được nâng cao, những vụ việc vi phạm bản quyền trong điện ảnh đã giảm nhiều so với giai đoạn trước. Tuy nhiên, căn cơ thì cần có quy định cụ thể Luật.
Để phù hợp với Luật Sở hữu trí tuệ và bảo đảm thực thi quyền trên không gian mạng, ThS. Phạm Thị Kim Oanh đề nghị bổ sung nội dung “áp dụng biện pháp công nghệ bảo vệ quyền nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền tác giả” vào Điều 12, Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi). Luật Sở hữu trí tuệ cũng đang trong quá trình sửa đổi, bổ sung, do đó cần rà soát các nội dung về quyền tác giả đối với tác phẩm điện ảnh tại Dự thảo Luật cho phù hợp với thực tiễn.
Việc hoàn thiện hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ sẽ góp phần khuyến khích các chủ thể đầu tư sáng tạo và cá nhân, tổ chức khai thác, thụ hưởng tác phẩm điện ảnh một cách hợp pháp, góp phần phát triển công nghiệp điện ảnh.

Ngọc Phương