Thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu bền vững

Phát huy năng lực nội sinh

- Thứ Hai, 11/01/2021, 07:27 - Chia sẻ
Năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề từ Covid-19 song Việt Nam vẫn xuất siêu kỷ lục, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt trên 500 tỷ USD. Với những lợi thế sẵn có như khống chế thành công đại dịch Covid-19, ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do, nền kinh tế sẽ bước vào giai đoạn phát triển cất cánh…, “kim ngạch xuất nhập khẩu sẽ đạt 1.000 tỷ USD vào năm 2025”, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tính toán.

Kim ngạch xuất nhập khẩu có cơ hội đạt 1.000 tỷ USD vào năm 2025

Theo Bộ Công thương, năm 2020, trong bối cảnh kinh tế thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề từ Covid-19, xuất khẩu của các nước trong khu vực đều giảm, xuất khẩu của Việt Nam vẫn đạt kim ngạch gần 281,5 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2019. Có tới 31 mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 9 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD và 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 92% tổng kim ngạch xuất khẩu.

	Việt Nam có thể đạt kim ngạch xuất nhập khẩu 1.000 tỷ USD vào năm 2025. Nguồn ITN
Việt Nam có thể đạt kim ngạch xuất nhập khẩu 1.000 tỷ USD vào năm 2025.
Nguồn ITN

Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt khoảng 262,4 tỷ USD, tăng 3,6% so với năm 2019. Tăng trưởng nhập khẩu trong giai đoạn 2016 - 2020 đạt trung bình 9,6%/năm. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt khoảng 543,9 tỷ USD. Năm 2020 cũng ghi nhận xuất siêu ở mức kỷ lục gần 19,1 tỷ USD, qua đó ghi nhận 5 năm liên tiếp thặng dư cán cân thương mại.

Nhìn vào những con số này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng “đáng tự hào”, đồng thời tin tưởng sẽ tạo đà quan trọng để nền kinh tế hồi phục vững chắc vào năm 2021. Ông nêu rõ, để có được kết quả này còn bởi Việt Nam khống chế thành công dịch Covid-19. Bên cạnh đó là nỗ lực khai thác cơ hội từ thực thi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, như CPTPP, EVFTA; đa dạng hóa thị trường, tạo lập và kết nối các chuỗi cung ứng mới; khai thác thành công tính bổ sung cơ cấu kinh tế và khoảng trống trong cơ cấu nhu cầu tiêu dùng của thị trường nước ngoài…

Còn theo PGS.TS Nguyễn Thường Lạng, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, những con số trên sẽ còn ấn tượng hơn nữa trong giai đoạn tới. Ông tính toán, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam 5 năm tới có thể lên tới 1.000 tỷ USD, gấp đôi so với mức hiện nay.

Lý giải cho tính toán này, ông Lạng nêu rõ, tính trong giai đoạn 1991 - 2020, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam là 17,7% và thường cao hơn GDP 2 - 2,6 lần. Như vậy, trong 5 năm tới, với xuất phát điểm tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2020 là 543,9 tỷ USD, mức tăng trưởng GDP bình quân là 6%, tốc độ tăng trưởng kim ngạch này là 12% thì tổng kim ngạch năm 2025 sẽ là 958,537 tỷ USD. Nếu tốc độ tăng GDP 5 năm tới là 6,5%/năm, tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu là 16,25% thì tổng kim ngạch năm 2025 sẽ là 1.154,74 tỷ USD.

Với cách phân tích xuất - nhập khẩu dựa trên lợi thế so sánh, ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do, nền kinh tế phát triển chưa đến mức tiềm năng, nhất là khi từ năm 2021 nền kinh tế sẽ bước vào giai đoạn phát triển cất cánh, vị chuyên gia này nhấn mạnh “hoàn toàn có cơ sở để đạt được tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu vào năm 2025 khoảng 1.000 tỷ USD”. Nói cách khác, đây là "mục tiêu trong tầm tay", ông Lạng nhìn nhận.

Xây dựng chiến lược phòng ngừa, cảnh báo phòng vệ thương mại

Mặc dù lạc quan với những kết quả xuất nhập khẩu đạt được năm 2020 trong bối cảnh chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, song theo giới phân tích, Việt Nam vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Bởi lẽ, xuất khẩu của nhóm hàng nông, lâm sản giảm 1,9% so với năm 2019; nhóm hàng thủy sản giảm 1,8%. Xuất khẩu sang nhiều thị trường quan trọng bị thu hẹp (thị trường EU giảm 2,7%; thị trường ASEAN giảm 8,7%; Nhật Bản giảm 5,7%...). Khu vực kinh tế trong nước xuất khẩu giảm 1,1% và chỉ chiếm khoảng 28% tổng kim ngạch xuất khẩu, vẫn tiếp tục nhập siêu 15,5 tỷ USD…

Do vậy, để thúc đẩy xuất khẩu, tận dụng tối đa cơ hội từ việc tham gia các hiệp định thương mại, các chuyên gia cho rằng trước tiên cần nghiên cứu kỹ các hiệp định để biết có thể tận dụng được gì, đồng thời cần tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tài chính, tiền tệ và thông tin thị trường; đẩy mạnh tái cơ cấu ngành hàng, sản phẩm và doanh nghiệp; nâng cao năng lực đổi mới công nghệ và cạnh tranh của hàng xuất khẩu.

Đối với hoạt động xúc tiến xuất khẩu cần tập trung ở nhóm ngành hàng chủ lực, có tiềm năng phát triển. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển thương mại điện tử và tăng cường xuất khẩu hàng qua hệ thống mạng lưới phân phối của các tập đoàn bán lẻ nước ngoài. Ngoài ra, phải chủ động nghiên cứu thị trường và đáp ứng các tiêu chuẩn hàng rào kỹ thuật khắt khe nhất.

Thừa nhận để đạt được mục tiêu kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 1.000 tỷ USD vào năm 2025 dù trong tầm tay song “không hoàn toàn là con đường rải hoa hồng”, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng cho rằng Việt Nam cần nỗ lực rất lớn. Bởi lẽ, khi tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng mạnh đồng nghĩa chiếm thị trường của các đối tác, kéo theo sự nghi kị, rà soát từ đối tác, hệ quả là có nguy cơ tăng cường các biện pháp phòng vệ thương mại. Do đó, Việt Nam phải có chiến lược phòng ngừa, chiến lược dự báo, cảnh báo để đưa ra tín hiệu giúp doanh nghiệp điều chỉnh trong trường hợp cần thiết.

Đặc biệt, theo vị chuyên gia này, hiện khu vực đầu tư nước ngoài vẫn chiếm trên 70% kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước, phần của Việt Nam gia công là chính. Vì thế, cần thúc đẩy phần trong nước tăng lên thông qua có chiến lược kết nối để chuyển giao và tiếp nhận, phát huy năng lực nội sinh.

Đan Thanh