Phát huy giá trị di sản Thăng Long - Hà Nội

Hương Sen 09/10/2014 08:32

Từ mùa thu năm Canh Tuất 1010, Thăng Long đã trở thành nơi hội tụ và lan tỏa văn hóa của đất nước, với văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú - văn hóa đó là kết tinh trí tuệ, sức sáng tạo của nhiều thế hệ Thăng Long - Hà Nội và là văn hiến Thủ đô.

Theo Ts Nguyễn Danh Tiên, Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, với vị thế là trung tâm văn hóa của đất nước, Hà Nội có điều kiện mở rộng giao lưu, hợp tác về văn hóa với các quốc gia, dân tộc trên thế giới. Đây cũng là cơ hội để đánh giá đúng vị trí, vai trò của văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội nhằm khai thác các giá trị văn hóa như một động lực để xây dựng Hà Nội trở thành biểu tượng của văn hóa Việt Nam theo ba định hướng lớn: bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống (vật thể và phi vật thể) của đất Thăng Long nghìn năm văn hiến; từng bước xây dựng và hoàn thiện những giá trị mới trong thời đại Hồ Chí Minh, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; mở rộng giao lưu và hợp tác quốc tế, phát triển Hà Nội thành trung tâm văn hóa lớn của đất nước.

Ảnh: Bùi Khánh Hòa
Ảnh: Bùi Khánh Hòa
Kết tinh trí tuệ, sức sáng tạo của nhiều thế hệ cư dân Thăng Long - Hà Nội là các giá trị văn hóa cội nguồn của người Hà Nội: yêu nước, ý thức cộng đồng, tự cường dân tộc; hiếu thảo, hiếu học, tôn sư trọng đạo, thờ cúng tổ tiên; bổn phận, tự trọng, tình nghĩa; hòa thuận, kính trên nhường dưới, nền nếp, thanh lịch; tài hoa, chuộng người tài, khéo léo, tế nhị, mến khách… Những giá trị tốt đẹp của nền văn hóa Việt Nam nói chung và văn hóa Hà Nội nói riêng đã làm nên sức sống mãnh liệt, giúp dân tộc ta vượt qua biết bao thử thách cam go để không ngừng phát triển và lớn mạnh. Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, tác động nhiều chiều đến bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống Hà Nội - Ts Nguyễn Danh Tiên khẳng định. Tuy nhiên, vấn đề trọng tâm hiện nay là xây dựng con người Hà Nội vừa hiện đại, vừa giàu bản sắc nghìn năm văn hiến với những giá trị tốt đẹp ấy. Thủ đô cần phát triển, thu hút các tài năng khoa học, công nghệ, doanh nghiệp, văn hóa, nghệ thuật… đặc biệt, tạo điều kiện để phát huy sự năng động sáng tạo, ý thức tự cường, tự tôn dân tộc của người Hà Nội, xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại; giàu về văn hóa, mạnh về kinh tế, tiến kịp Thủ đô các nước trong khu vực và trên thế giới.

Về kho tàng văn hóa vật thể và phi vật thể của Thăng Long - Hà Nội, Phó giám đốc Sở VH, TT và DL Hà Nội Trương Minh Tiến nhấn mạnh: di tích lịch sử, văn hóa dù gắn với các vương triều hay với cộng đồng dân cư, đều hàm chứa những giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật và khoa học mà các thế hệ tiền nhân đã để lại. Qua thời gian, do những biến động của thiên nhiên, chiến tranh, có di tích không còn nguyên vẹn. Vì thế, việc kiểm kê, xếp hạng di tích trên địa bàn Hà Nội đã được tiến hành quy củ, nhằm bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích. Thành phố đặc biệt quan tâm đầu tư tôn tạo, khai thác một số di tích tiêu biểu như: Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long... Gần đây, 5 di tích, danh thắng của Hà Nội đã được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, là đền Hai Bà Trưng (Mê Linh), đền Hát Môn (Phúc Thọ), đền Phù Đổng (Gia Lâm), hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn (quận Hoàn Kiếm) và đình Tây Đằng (Ba Vì). Một số di sản văn hóa của Hà Nội đã được UNESCO tôn vinh, như khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long.

Vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể cũng được Hà Nội đặt ra một cách cấp bách, với mục tiêu bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể ngay chính trong đời sống cộng đồng vì cộng đồng là môi trường sản sinh ra các di sản văn hóa phi vật thể và là nơi nuôi dưỡng, làm phong phú nó trong đời sống. Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đồng nghĩa với việc phải bảo vệ người nắm giữ di sản - các nghệ nhân dân gian, để họ trao truyền các giá trị di sản văn hóa truyền thống của Thủ đô. Ông Trương Minh Tiến lý giải: Thực tế đã chứng minh rằng, chỉ cần những người thừa kế di sản văn hóa phi vật thể còn sống thì những di sản văn hóa truyền thống sẽ không bị biến mất; chỉ cần những người kế thừa di sản văn hóa phi vật thể vẫn còn tràn đầy sức sống thì di sản văn hóa phi vật thể sẽ không ngừng được sáng tạo trong quá trình trao truyền và kế thừa; chỉ cần người kế thừa di sản văn hóa phi vật thể vẫn truyền nghề, thì di sản có người kế thừa, kéo dài mãi mãi.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Phát huy giá trị di sản Thăng Long - Hà Nội
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO