Phát huy giá trị đền thờ Công chúa Khúc Thị Ngọc

H.Sen 09/12/2023 21:05

Ngày 9.12, UBND huyện Thường Tín, Hà Nội tổ chức tọa đàm “Công chúa Khúc Thị Ngọc - con Đức trị vì Tĩnh Hải Quân Khúc Thừa Dụ” và chủ trương đầu tư dự án tu bổ, tôn tạo cụm di tích đền - chùa Vĩnh Mộ, xã Nguyễn Trãi.

Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản cho biết, Thường Tín gắn liền với các danh xưng: Đất học, đất danh hương, đất khoa bảng, đất trăm nghề, huyện anh hùng, cùng nhiều tên tuổi lớn của dân tộc như Nguyễn Phi Khanh, Nguyễn Trãi, Lý Tử Tấn...

Đặc biệt, còn một cái tên không thể không nhắc đến là Công chúa Quỳnh Hoa (Khúc Thị Ngọc), nhân vật lịch sử được dân chúng tôn thờ là Thánh mẫu. Bà là con gái của Tiên chúa Khúc Thừa Dụ, là em gái Trung chúa Khúc Hạo và cũng là trợ thủ đắc lực của cha, anh trong xây dựng và giữ vững nền tự chủ. Bà có công trong phát triển nông nghiệp, khôi phục nền kinh tế đất nước thế kỷ X.

Đền thờ bà được dựng trên gò đất cao tại đầu làng Vĩnh Mộ, xã Nguyên Trãi, ban đầu chỉ là túp lều tranh, xung quanh là đồng chiêm trũng; trải qua các triều đại phong kiến dần được xây dựng, tôn tạo. Công trình đã được trùng tu nhiều lần, gần đây nhất năm 1995, đến nay công trình ngày càng  xuống cấp…

Phát huy giá trị di sản đền thờ Công chúa Khúc Thị Ngọc -0
Đền thờ Quỳnh Hoa công chúa được tôn tạo năm 1995, với ngôi nhà ba gian lợp ngói, có một hậu cung. Nguồn: phapluat.tuoitrethudo.com.vn

Tọa đàm xoay quanh các chuyên đề: Công lao của Công chúa Khúc Thị Ngọc đối với đất nước và đặc biệt với quê hương Thường Tín; những truyền thuyết lịch sử về Quỳnh Hoa công chúa với quê hương Thường Tín, nơi có cụm di tích đền - chùa Vĩnh Mộ. Đặc biệt, chủ trương thực hiện dự án Tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị văn hóa lịch sử của cụm di tích đền - chùa Vĩnh Mộ, thôn Vĩnh Mộ, xã Nguyễn Trãi cần được triển khai trong thời gian tới.

Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm, PGS.TS. Nguyễn Công Việt nhận định, huyện Thường Tín tiến hành trùng tu và mở rộng quy mô khu di tích đền thờ công chúa Khúc Thị Ngọc là việc làm thiết thực tưởng nhớ đến đóng góp của bà đối với nhân dân thời kỳ đầu dựng nền tự chủ.

Đồng thời, tạo dựng thiết chế văn hóa cơ sở nhằm bảo đảm người dân có địa chỉ thể hiện lòng biết ơn và sự kính ngưỡng với đóng góp của công chúa Khúc Thị Ngọc. Hơn nữa, việc thực hiện dự án còn có ý nghĩa quan trọng với gia tộc họ Khúc trong cả nước cùng hướng về tổ tiên dòng họ Khúc nói chung và bà chúa Khúc Thị Ngọc nói riêng.

Quá trình thiết kế, đầu tư xây dựng phải đặt tên cụm di tích sao cho hài hòa, phù hợp với khu vực, tránh trùng lặp tên di tích ở các địa phương khác. Đối với các hạng mục công trình của cụm di tích cần xây dựng cho xứng tầm để gìn giữ giá trị văn hóa, lịch sử, thu hút du khách thập phương.

Phát huy giá trị di sản đền thờ Công chúa Khúc Thị Ngọc -0
Nhà nghiên cứu văn học dân gian Nguyễn Hùng Vĩ  chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: kinhtedothi.vn 

Nhà nghiên cứu văn học dân gian Nguyễn Hùng Vĩ chia sẻ, tài nguyên văn hóa gắn với con người không khai thác có nguy cơ mất đi và khai thác đúng đắn sẽ song song với bảo tồn và phát huy, quảng bá giá trị.

“Với truyền thuyết về Tôn thần Khúc Thị Ngọc, chúng ta có một di sản tinh thần quý báu gắn với đại tộc họ Khúc, gắn với việc khẳng định chủ quyền quốc gia dân tộc, gắn với quá trình dựng nước và giữ nước, gắn với hệ thống thực hành tín ngưỡng Mẫu Tam phủ… Đó là tài nguyên tinh thần quý giá của Hà Nội và của cả nước”, ông Vĩ nhấn mạnh.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Phát huy giá trị đền thờ Công chúa Khúc Thị Ngọc
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO