Phát hiện dấu tích kiến trúc thành cổ Luy Lâu
Qua khai quật khảo cổ học tại thành cổ Luy Lâu, phường Thanh Khương, thị xã Thuận Thành, Bảo tàng Lịch sử quốc gia phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Ninh đã phát hiện nhiều dấu tích kiến trúc.
Cụ thể, tại vị trí tường thành ngoại phía Tây, trên tổng diện tích khoảng 76m2, các nhà khảo cổ phát hiện nhiều dấu tích kiến trúc, nổi bật là đường móng kiến trúc xây bằng gạch chữ nhật màu xanh xám, chạy dọc tường thành hướng về phía sông Dâu. Đường móng dài khoảng 3,3m, xây tường đôi rộng 40cm, nhiều đoạn còn bảo lưu tới tám hàng gạch; đặc biệt, mặt phía Tây giật cấp phẳng, cho thấy kỹ thuật xây dựng vững chắc, tinh xảo của cư dân cổ.

Ngoài ra, tại lớp đắp gia cố tường thành, các nhà khảo cổ ghi nhận việc sử dụng gạch vỡ từ thế kỷ VII - IX, tái sử dụng gạch thế kỷ VI, phản ánh quá trình kế thừa kỹ thuật xây dựng qua nhiều thời kỳ lịch sử. Các dấu tích như móng kiến trúc thời Nguyễn làm bằng vôi vữa, cọc tre chống lún càng chứng minh sự phát triển liên tục của khu vực này trong dòng chảy lịch sử.
Đáng chú ý, di vật thu được trong lần khảo cổ này rất phong phú, gồm nhiều loại gạch xây, gạch trang trí hoa văn tinh xảo, ngói ống, ngói máng và đồ gia dụng bằng đất nung, sành, gốm men như bát, đĩa, bình, vò... Một số viên gạch mang ký tự Hán cổ cung cấp tư liệu cho việc xác định niên đại và bối cảnh văn hóa, chính trị của thành Luy Lâu.
Kết quả khai quật năm 2025 tiếp nối những phát hiện từ năm 2022 tại hố T14, với diện tích mở rộng và tài liệu phong phú hơn, góp phần củng cố luận cứ khẳng định giá trị đặc biệt của thành Luy Lâu. Đây không chỉ là trung tâm hành chính, quân sự lớn thời Bắc thuộc, mà còn là biểu tượng sinh động cho quá trình tiếp biến văn hóa, kỹ thuật xây dựng trong lịch sử Việt Nam.
Việc xác định tường thành ngoại phía Tây khi khởi dựng được xây bằng gạch là một phát hiện quan trọng, mở ra nhiều hướng nghiên cứu mới về kiến trúc thành cổ Luy Lâu. Các nhà khoa học kiến nghị cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương sớm có phương án bảo vệ hiện trạng, nghiên cứu phương án trưng bày tại chỗ, góp phần quảng bá giá trị lịch sử văn hóa đặc sắc của thành cổ Luy Lâu tới công chúng và bạn bè quốc tế.