Phát hành trái phiếu của doanh nghiệp phi tài chính sẽ duy trì ổn định
Công ty CP Xếp hạng Tín nhiệm Đầu tư Việt Nam (VIS Rating) dự báo hoạt động phát hành trái phiếu của doanh nghiệp phi tài chính sẽ duy trì ổn định trong năm nay. Các chủ đầu tư bất động sản nhà ở tiếp tục là động lực chính cho thị trường trong khi ngành ô tô và điện có tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ về phát hành mới.
Tổng giá trị phát hành tiếp tục phục hồi
Báo cáo “Doanh nghiệp phi tài chính: Phát hành trái phiếu năm 2025” do VIS Rating công bố mới đây cho biết, tổng giá trị phát hành của các doanh nghiệp phi tài chính trong năm 2024 tiếp tục phục hồi, đạt 150 nghìn tỷ đồng, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó gần 50% phục vụ mục đích tái cơ cấu nợ.
Năm nay, VIS Rating dự báo hoạt động phát hành của các doanh nghiệp phi tài chính sẽ duy trì ổn định. Trong đó, các doanh nghiệp bất động sản dân cư, đặc biệt là phân khúc nhà ở và nghỉ dưỡng, đang đứng trước triển vọng phát hành tích cực. Việc hoàn tất thủ tục pháp lý tại nhiều dự án và nhu cầu mua nhà ở tiếp tục gia tăng đã thúc đẩy các doanh nghiệp quay lại thị trường vốn. Dự báo của VIS Rating cho thấy, tốc độ tăng trưởng phát hành trái phiếu năm 2025 có thể đạt mức tương đương 13% của năm 2024. Với môi trường kinh doanh đang dần thuận lợi hơn, các doanh nghiệp trong lĩnh vực này sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ khả năng tiếp cận tín dụng ngân hàng tốt hơn.
Trong ngành ô tô, việc miễn thuế nhập khẩu linh kiện, có hiệu lực từ tháng 2.2025, là cú huých đáng kể. Các doanh nghiệp lớn như VinFast, Tasco đã lên kế hoạch mở rộng sản xuất trong nước và nhiều khả năng sẽ tìm đến kênh trái phiếu để huy động vốn phục vụ kế hoạch này. VIS Rating kỳ vọng hoạt động phát hành trong ngành ô tô sẽ giữ ở mức cao, với mức tăng trưởng ước đạt 33% so với cùng kỳ 2024.
Còn trong ngành điện, hoạt động phát hành trái phiếu được dự báo sẽ tăng mạnh vào cuối năm 2025. Sự cải thiện trong cơ chế xác định giá bán điện cho các dự án năng lượng tái tạo mới sẽ nâng cao hiệu quả tài chính, qua đó khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng đầu tư và huy động vốn thông qua trái phiếu.

Bất động sản khu công nghiệp đối mặt nhiều thách thức
Ngược lại, VIS Rating nhận định, bất động sản khu công nghiệp sẽ là lĩnh vực chịu ảnh hưởng lớn nhất từ các rủi ro thuế quan. Cụ thể, vốn FDI đăng ký mới trong 4 tháng đầu năm 2025 giảm 24% so với cùng kỳ năm trước, nối tiếp xu hướng giảm 3% của năm 2024. Những lo ngại liên quan đến việc áp thuế mới đối với hàng hóa xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ đang khiến hoạt động đầu tư và triển khai các dự án khu công nghiệp gặp khó khăn. Trước bối cảnh đó, nhiều chủ đầu tư có xu hướng trì hoãn việc mở rộng sản xuất hoặc triển khai dự án mới.
Dù vậy, từ đầu năm 2024, nhóm doanh nghiệp này đã được hưởng lợi từ chính sách tín dụng nới lỏng. Ngân hàng Nhà nước đã ban hành quy định giảm hệ số rủi ro đối với các khoản vay trong lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp, góp phần cải thiện khả năng tiếp cận vốn vay. Nhờ đó, tổng dư nợ ngân hàng của 30 chủ đầu tư khu công nghiệp niêm yết hàng đầu đã tăng 34% trong năm 2024 - cao hơn nhiều so với mức tăng trung bình 9% trong giai đoạn 2019 - 2023. Tuy nhiên, giá trị phát hành trái phiếu của nhóm này lại giảm 18%, cho thấy hoạt động phát hành trái phiếu vẫn sẽ bị hạn chế trong năm 2025.
Rủi ro tái cơ cấu nợ được kiểm soát tốt
Cũng theo báo cáo của VISRating, mặc dù tổng giá trị trái phiếu phi tài chính đáo hạn trong năm 2025 đạt 151 nghìn tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước, rủi ro tái cơ cấu nợ được đánh giá là sẽ được kiểm soát tốt. Trong 4 tháng đầu năm 2025, nhiều tổ chức đã chủ động mua lại và thanh toán trái phiếu trước hạn, với tổng giá trị tăng 97% so với cùng kỳ năm trước.
Theo VIS Rating, khoảng 60% số trái phiếu đáo hạn trong năm 2025 thuộc lĩnh vực bất động sản nhà ở. Với triển vọng thị trường thuận lợi và khả năng tiếp cận hiệu quả các nguồn vốn, các chủ đầu tư được kỳ vọng sẽ thuận lợi trong việc thanh toán trái phiếu đáo hạn hoặc đạt được thỏa thuận gia hạn kỳ hạn với các trái chủ.
Đối với ngành điện, khoảng 30% trong tổng số 4,1 nghìn tỷ đồng giá trị trái phiếu đáo hạn có liên quan đến các dự án điện tái tạo chuyển tiếp, hiện đang trong tình trạng chậm trả gốc và lãi. Tuy nhiên, việc các dự án này hoàn tất thỏa thuận giá bán điện và bắt đầu vận hành thương mại được kỳ vọng sẽ cải thiện dòng tiền, từ đó nâng cao khả năng thanh toán các nghĩa vụ nợ. Hoạt động thanh toán trái phiếu, bao gồm cả các khoản mua lại trước hạn, đã tăng gấp đôi trong 4 tháng đầu năm 2025.
Đối với các doanh nghiệp có dòng tiền yếu, việc kéo dài kỳ hạn trái phiếu được xem là một giải pháp khả thi để tránh rủi ro tái cơ cấu nợ. Thanh khoản thị trường trái phiếu cải thiện cũng sẽ hỗ trợ các tổ chức phát hành trong quá trình tái cơ cấu nợ. Đáng chú ý, có tới 73% trong số 13,2 nghìn tỷ đồng trái phiếu mới phát hành trong 4 tháng đầu năm có mục đích sử dụng vốn là tái cơ cấu nợ.