Huy động vốn năm 2024 đạt 83% kế hoạch
Năm 2024, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công trong nước còn chậm, tồn ngân quỹ nhà nước ở mức cao, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã tổ chức phát hành trái phiếu Chính phủ với khối lượng phù hợp với nhu cầu vốn của ngân sách nhà nước, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả.
Bà Trần Thị Huệ, Phó Tổng giám đốc KBNN cho biết, công tác phát hành trái phiếu Chính phủ được duy trì thường xuyên để vừa huy động vốn cho ngân sách, vừa duy trì ổn định thị trường trái phiếu Chính phủ. Toàn bộ trái phiếu Chính phủ được phát hành theo phương thức đấu thầu qua Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, bảo đảm công khai, minh bạch và cạnh tranh.
Kỳ hạn phát hành linh hoạt, tập trung vào kỳ hạn dài từ 5 năm trở lên để tiếp tục cơ cấu lại danh mục nợ TPCP theo hướng kéo dài kỳ hạn, giảm áp lực trả nợ ngắn hạn theo Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18.11.2016 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững. Lãi suất phát hành được điều hành theo nguyên tắc thị trường và định hướng điều hành chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ.
Tính đến hết ngày 31.12.2024, KBNN đã huy động được 330.375 tỷ đồng, đạt 83% kế hoạch; kỳ hạn phát hành trái phiếu Chính phủ bình quân năm 2024 là 11,12 năm; thời gian đáo hạn bình quân danh mục là 9,02 năm. Lãi suất phát hành bình quân năm 2024 là 2,52%/năm, thấp hơn 0,69 điểm phần trăm so với năm 2023 (3,21%), giúp giảm chi phí vay nợ cho ngân sách nhà nước.
Với sự phát triển mạnh mẽ, thị trường trái phiếu Chính phủ đã trở thành kênh huy động vốn cho đầu tư phát triển của Chính phủ, các ngân hàng chính sách và chính quyền địa phương; là hình thức đầu tư an toàn, hiệu quả cho các nhà đầu tư.
Kế hoạch phát hành năm 2025 cao nhất từ trước tới nay
Để đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội cũng như triển khai các công trình trọng điểm quốc gia, nhu cầu huy động vốn trong giai đoạn tới là rất lớn. Chủ trương phát huy nội lực để phát triển kinh tế đất nước trong kỷ nguyên mới cũng đặt ra yêu cầu phải phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ cả về quy mô, tính thanh khoản và chủ động hội nhập với thị trường quốc tế.
Đơn cử, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam hơn 1,7 triệu tỷ đồng. Dự án này dự kiến hoàn thành cơ bản trong 10 năm, đòi hỏi mỗi năm cần huy động 170.000 tỷ đồng; do đó, về lý thuyết, nhu cầu huy động vốn nói chung dự kiến tăng từ 500.000 - 600.000 tỷ đồng/năm hiện nay lên 700.000 - 800.000 tỷ đồng/năm trong thời gian tới, phụ thuộc vào tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Trong bối cảnh như vậy, Bộ Tài chính cho biết sẽ tập trung phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ làm nòng cốt để phát triển thị trường trái phiếu, đáp ứng yêu cầu huy động vốn cho ngân sách nhà nước trong giai đoạn tới.
Cụ thể, năm 2025, Bộ Tài chính giao cho KBNN huy động vốn qua phát hành trái phiếu Chính phủ đợt 1 là 500.000 tỷ đồng, tăng thêm 170.000 tỷ đồng so với số phát hành thực tế của năm 2024 và cũng là mức cao nhất từ trước tới nay. Trên thực tế, chưa bao giờ, phát hành trái phiếu Chính phủ vượt quá 400.000 tỷ đồng.
Ông Lưu Hoàng, Cục trưởng Cục Quản lý ngân quỹ (KBNN) cho biết, kế hoạch của năm 2025 cao gấp 1,25 lần kế hoạch đặt ra trong năm 2024 và gấp 1,7 lần kết quả thực hiện của năm 2024. Việc đặt kế hoạch ở mức cao như vậy là nhằm thực hiện nhiều nhiệm vụ, hướng tới mức tăng trưởng 2 con số mà Chính phủ đã đề ra. Hơn nữa, 2025 cũng là năm phải thực hiện trả nợ gốc cao..., vì thế, phải nỗ lực thực hiện huy động vốn để có nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ Chính phủ, Bộ Tài chính đưa ra.
Theo ghi nhận từ KBNN, tính từ đầu năm đến hết ngày 8.1.2025, tổng khối lượng trái phiếu Chính phủ huy động đạt 2.323 tỷ đồng. Kỳ hạn phát hành bình quân là 10,36 năm; lãi suất phát hành bình quân là 2,78%/năm.