Theo báo cáo của Chính phủ, khai thác nguồn thu gặp nhiều khó khăn, nhu cầu chi vẫn ở mức cao và chi đầu tư phát triển năm 2014 đã phải bố trí giảm so với dự toán năm 2013. Do đó, cần bổ sung vốn trái phiếu Chính phủ cho đầu tư giai đoạn 2014-2016. Mặt khác, trong khi cân đối ngân sách Nhà nước còn nhiều khó khăn, việc phát hành trái phiếu Chính phủ rất cần thiết để tăng nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng quan trọng của đất nước, góp phần thúc đẩy sản xuất, nâng cao đời sống của các vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc và các vùng khó khăn. Đây cũng là nguồn vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đang đầu tư dở dang bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ nhưng chưa được bố trí đủ vốn.
Nhu cầu đầu tư trong tương lai và các công trình sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ đều đang cần có nguồn vốn này. Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ mới chỉ tính toán đến nhu cầu sử dụng chung, cũng như với mỗi công trình đang thực hiện dở dang, còn thiếu nhiều thông tin liên quan. Trong khi đó, nhiều ĐBQH chỉ rõ: việc huy động vốn trái phiếu Chính phủ sẽ phụ thuộc vào các định chế tài chính, trong đó ngân hàng thương mại chiếm 86% và các định chế tài chính khác chiếm 12%. Dòng tiền chỉ tập trung cho xây dựng cơ bản mà thu hẹp đầu tư vào sản xuất, nên không thể loại trừ nguy cơ mất cân đối giữa đồng tiền và tổng sản phẩm vật chất xã hội, gây tác động đến lạm phát. Đặc biệt, theo phương án phân bổ trái phiếu Chính phủ, thì dòng tiền sẽ chuyển vào các doanh nghiệp xây dựng, nên không ngoại trừ khả năng dòng tiền sẽ quay trở về với các lĩnh vực mà các doanh nghiệp này đầu tư, đặc biệt ở các ngân hàng thương mại đang có mối quan hệ về bất động sản với tài chính. Nói cách khác, nguy cơ mất cân đối dòng tiền có thể nhìn thấy rõ.
Một lo lắng khác là phát hành trái phiếu Chính phủ thực chất là hình thức đi vay ở thị trường trong nước. Tuy nhiên, do là hình thức vay ngắn hạn nên đến năm 2015 áp lực trả nợ sẽ rất cao, trong khi, nguồn trả nợ chưa được xác định rõ trong báo cáo của Chính phủ. Như vậy, điều dễ xảy ra là các định chế tài chính sẽ sử dụng trái phiếu Chính phủ như một sản phẩm tài chính tái sinh. Tức là khi ngân hàng thương mại, các định chế tài chính mua trái phiếu Chính phủ, thì trái phiếu Chính phủ đương nhiên trở thành sản phẩm tài chính và có thể sử dụng sản phẩm tài chính này để tái sinh, cầm cố bất kỳ hoạt động nào trong tài chính. Chính phủ cũng chưa có đánh giá rõ ràng về hiệu quả cũng như chưa có quy chế kiểm soát hiệu quả của quá trình này.
Nhưng có lẽ, nhiều ĐBQH băn khoăn về phương án này cũng vì kỷ cương trong sử dụng ngân sách còn lỏng lẻo. Hiện vẫn chưa thực hiện tiết kiệm triệt để trong chi tiêu, Chính phủ vẫn đặt QH vào sự đã rồi khi mức bội chi thực tế thường cao hơn chỉ tiêu đã đề ra. Trong khi đó, nguồn vốn từ ngân sách có thể tiết kiệm được nếu như chỉ dành cho những dự án có hiệu quả, tạo ra nguồn thu để trả nợ, không được chi vào những hạng mục đầu tư về bản chất là chi tiêu dùng (mua sắm trang thiết bị, xây dựng hay cải tạo trụ sở làm việc). Hơn nữa, có nhiều nguồn tiền chưa được huy động vào ngân sách như các quỹ tài chính ngoài ngân sách; nguồn tiền thu được từ thoái vốn của doanh nghiệp nhà nước; từ cổ tức từ phần vốn đầu tư nhà nước vào doanh nghiệp; cũng như nguồn thu từ khai thác, bán tài sản...
Trong lúc đầu tư tư nhân suy giảm, thì phải tăng đầu tư công để bảo đảm mức tổng đầu tư toàn xã hội, cũng như bảo đảm mức tăng trưởng hợp lý. Hơn nữa, nếu để hàng trăm công trình thi công dở dang thì sẽ dẫn đến sự lãng phí lớn, chưa kể ảnh hưởng về mặt xã hội. Vì thế, lựa chọn phát hành thêm trái phiếu Chính phủ sẽ là lựa chọn bất khả kháng với QH. Nhưng theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Phúc, dù đây là giải pháp trong ngắn hạn, thì cũng không thể giữ cách làm mang tính phản ứng tình thế. Phát hành thêm trái phiếu Chính phủ phải gắn liền với quá trình tái cơ cấu đầu tư công theo Nghị quyết của QH, từ đó bảo đảm nguồn lực và hiệu quả của dòng vốn.
Mặt khác, nguồn vốn từ phát hành thêm trái phiếu Chính phủ nếu nhìn qua cũng có thể thấy không thấm so với nhu cầu hoàn thiện cơ sở hạ tầng, xây dựng phòng học, giảm tải ở các bệnh viện... Do đó, để các ĐBQH có thể yên tâm biểu quyết thông qua phương án này, Chính phủ cần cung cấp thêm các thông tin liên quan và đưa ra các phương thức sử dụng để bảo đảm hiệu quả đầu tư.