Nguy cơ bùng dịch sởi khi học sinh quay lại trường
Phát biểu tại hội nghị, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam Rana Flower cho biết, Việt Nam đã đạt được những thành công nhất định trong phòng, chống dịch sởi. Tuy nhiên, việc đại dịch Covid-19 hoành hành đã gây gián đoạn nguồn cung ứng vaccine, cũng như công tác tiêm chủng vaccine. Điều này tạo ra khoảng trống vaccine ở nhiều trẻ em Việt Nam.
Tuần lễ tiêm chủng thế giới hàng năm là sáng kiến do WHO phát động nhằm kêu gọi các quốc gia, tổ chức hành động cần thiết để trẻ em, cộng đồng được bảo vệ khỏi nguy cơ mắc và tử vong do các bệnh có thể phòng ngừa bằng vaccine, giúp họ sống hạnh phúc hơn, khỏe mạnh hơn. Tuần lễ tiêm chủng năm 2024 diễn ra cùng thời điểm kỷ niệm 50 năm thành lập Chương trình tiêm chủng mở rộng toàn cầu, là dịp để tôn vinh thành tựu, nêu bật tác động của chương trình trong cứu sống, bảo vệ sức khỏe con người và thúc đẩy sáng kiến đổi mới.
Trong những tháng vừa qua, dịch sởi đã bùng phát ở nhiều tỉnh, thành phố tại Việt Nam, đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh và có thể bùng phát mạnh vào thời điểm học sinh quay trở lại trường trong tháng 9.
"Chúng ta cần triển khai kịp thời các biện pháp để kiểm soát dịch sởi, đặc biệt là tiêm chủng vaccine. Chúng tôi khuyến khích tất cả các tỉnh, thành phố coi chiến dịch tiêm chủng này là ưu tiên hàng đầu" - bà Rana Flower nhấn mạnh.
Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam Angela Pratt chỉ rõ, tại Việt Nam, hàng trăm nghìn trẻ em đã không được tiêm chủng từ năm 2021 tạo nên sự suy giảm trong tiêm chủng chưa từng thấy. Kết quả là số ca mắc các bệnh có thể phòng ngừa bằng vaccine đang gia tăng như bạch hầu, ho gà đặc biệt là sởi đang lây nhiễm rất mạnh mẽ hiện nay.
Theo bà Angela Pratt, với các tỉnh, thành phố có các chùm ca bệnh gia tăng nhanh chóng, WHO khuyến nghị công bố dịch để có thể kích hoạt các phương án chống dịch kịp thời.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, hiện, cả nước đang bước vào năm học mới, học sinh các cấp đang quay trở lại trường học; có nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm, nhất là với một số bệnh truyền nhiễm như sởi, ho gà, tay chân miệng và một số bệnh lây truyền qua đường hô hấp.
Bám sát tình hình thực tế, Bộ Y tế đã phối hợp với WHO, UNICEF xây dựng và ban hành Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng, chống dịch sởi năm 2024 với hơn 1 triệu liều vaccine; số vaccine này do Chính phủ Úc tài trợ thông qua WHO. Chiến dịch được triển khai tại các cơ sở giáo dục, cơ sở y tế tại các quận, huyện có nguy cơ và đang có các ca sởi/dịch sởi. Vaccine được cung cấp miễn phí cho trẻ từ 1 đến 10 tuổi; nhân viên y tế có nguy cơ tại các cơ sở khám, chữa bệnh điều trị bệnh nhân sởi chưa được tiêm đủ mũi vaccine chứa thành phần sởi theo quy định.
Sẵn sàng các phương án chống dịch
Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Hoàng Minh Đức thông tin, trong chiến dịch đặc biệt này, chúng ta mở rộng đối tượng tiêm là trẻ từ 1 - 10 tuổi, trừ những trường hợp đã tiêm đầy đủ hai mũi vaccine sởi.
"Chúng tôi đánh giá nguy cơ của 63 tỉnh, thành phố và thấy rằng, dựa trên bộ công cụ do Tổ chức Y tế Thế giới cung cấp, hiện tại đến bây giờ có 18 tỉnh, thành phố nằm trong nguy cơ. Chúng tôi đánh giá nguy cơ đến tận tuyến huyện và có hơn 100 huyện sẽ nằm trong chiến dịch đợt 1 này, để tổ chức tiêm chủng. Toàn bộ vaccine tiêm trong chiến dịch này là vaccine miễn phí" - ông Đức chia sẻ.
Theo Bộ Y tế, để triển khai thành công chiến dịch này, UBND tỉnh cần quan tâm chỉ đạo sở, ban ngành xây dựng, ban hành kế hoạch tại địa phương, bố trí đầy đủ kinh phí, nhân lực, trang thiết bị cho điểm tiêm chủng; bao gồm cả các đội cấp cứu lưu động, tổ chức tiêm chủng và theo dõi, xử trí các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng.
Bộ Y tế sẽ tăng cường phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc rà soát, lập danh sách trẻ em mầm non, học sinh thuộc độ tuổi tiêm chủng chưa tiêm chủng hoặc tiêm chủng chưa đầy đủ. Song song với đó, các địa phương cần tuyên truyền ý nghĩa, lợi ích của chiến dịch tiêm vaccine Sởi - Rubella cho đội ngũ cán bộ, giáo viên các khối tiểu học, mầm non, mẫu giáo vận động phụ huynh đồng ý cho con em tham gia tiêm vaccine.
Cũng tại hội nghị, Bộ Y tế đề nghị các tổ chức quốc tế như Tổ chức Y tế Thế giới, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc, Liên minh toàn cầu về Vaccine và Tiêm chủng (GAVI)… tiếp tục đồng hành, hỗ trợ cho công tác tiêm chủng mở rộng của Việt Nam, một quốc gia có dân số lớn và đặc điểm dịch tễ bệnh truyền nhiễm phức tạp.