Pháp tiên phong trong luật hóa quyền ngắt kết nối

- Chủ Nhật, 07/02/2021, 07:00 - Chia sẻ
Trên thế giới, ở cấp độ quốc gia, Pháp được coi là nhà tiên phong trong việc công nhận về mặt pháp lý quyền ngắt kết nối để bảo vệ và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người lao động sau giờ làm việc.

Quyền ngắt kết nối trở thành quyền hợp pháp ở Pháp vào năm 2016 sau khi luật El Khomri (luật sửa đổi Bộ luật Lao động mới) được ban hành, trong đó giới thiệu quyền ngắt kết nối như một chủ đề để đàm phán bắt buộc trong các công ty có hơn 50 nhân viên. Luật El Khomri (đặt theo tên người khởi xướng cải cách - Bộ trưởng Lao động Pháp lúc bấy giờ là Myriam El Khomri) được xây dựng dựa trên phán quyết của Tòa án Tối cao Pháp năm 2001, trong đó ghi rõ, “nhân viên không có nghĩa vụ phải chấp nhận làm việc tại nhà hoặc mang hồ sơ và công cụ làm việc của mình về nhà”, và một quyết định năm 2004 của cùng tòa án rằng nhân viên không thể bị khiển trách vì không liên lạc được ngoài giờ làm việc.

	Nguồn: ITN
Nguồn: ITN

Luật cũng tuân theo Thỏa thuận liên ngành quốc gia được các đối tác xã hội ký vào ngày 19.6.2013 có tên “Hướng tới chính sách cải thiện chất lượng cuộc sống tại nơi làm việc”. Thỏa thuận này, có nội dung sử dụng công nghệ hợp lý và tôn trọng quyền có cuộc sống riêng tư của người lao động, bao gồm khái niệm bảo vệ “thời gian ngắt kết nối”, vốn đã được thử nghiệm tại một số công ty ở Pháp vào thời điểm đó.

Trong lần cải cách bộ luật lao động năm 2016, Chính phủ Pháp đã đưa vào chương “Thích ứng luật lao động với thời đại kỹ thuật số” một điều khoản sửa đổi và đưa ra quyền ngắt kết nối như một yếu tố cho các cuộc đàm phán bắt buộc giữa các đối tác xã hội ở cấp công ty tại Điều L2242-17. Như vậy, người lao động trong cả khu vực tư nhân và nhà nước có quyền ngắt kết nối để bảo đảm tôn trọng thời gian nghỉ ngơi, nghỉ phép, nghỉ lễ cũng như quyền riêng tư cá nhân và gia đình của họ.

Trước đó, vào tháng 9. 2015, một báo cáo được Chính phủ Pháp ủy quyền và do tác giả Bruno Mettling thực hiện đã được phát hành với tiêu đề Chuyển đổi kỹ thuật số và cuộc sống tại nơi làm việc (hay được gọi là “Báo cáo Mettling”). Báo cáo nghiên cứu tác động của công nghệ thông tin và truyền thông kỹ thuật số đối với ba khía cạnh tại nơi làm việc: Điều kiện làm việc, tổ chức công việc và quản lý, đồng thời đưa ra 36 khuyến nghị để giúp thúc đẩy thành công quá trình chuyển đổi kỹ thuật số tại nơi làm việc ở Pháp.

Báo cáo Mettling xác định, điện thoại thông minh đôi khi đã bị sử dụng lạm dụng, khiến nhân viên khó tuân thủ các nghĩa vụ nghỉ ngơi hàng ngày và hàng tuần. Báo cáo nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo vệ sức khỏe của người lao động khỏi những tác động tiêu cực có thể xảy ra của quá trình chuyển đổi kỹ thuật số nơi làm việc, bao gồm các nguy cơ quá tải về mặt nhận thức và tình cảm. Các công cụ kỹ thuật số tại nơi làm việc có thể là nguyên nhân gây ra cái mà Báo cáo Mettling gọi là “bệnh nghề nghiệp như kiệt sức hoặc hội chứng FOMO (sợ bỏ lỡ, sợ mất cơ hội)”, tạo ra một dạng lo âu xã hội biểu hiện như “mối quan hệ ám ảnh” đối với các công cụ truyền thông nghề nghiệp.

Liên quan đến khả năng “ngắt kết nối” của nhân viên khỏi các nghĩa vụ công việc và các thiết bị liên lạc di động, Báo cáo Mettling thảo luận chi tiết về sự căng thẳng giữa môi trường chuyên môn và cá nhân, cũng như các cách thức mà việc chuyển đổi kỹ thuật số tại nơi làm việc có thể làm tăng căng thẳng đó. Theo báo cáo, cả người lao động và người sử dụng lao động đều có trách nhiệm xây dựng “quyền ngắt kết nối”, trong đó người lao động phải “học kỹ năng” ngắt kết nối và người sử dụng lao động phải hỗ trợ quyền này thông qua các chính sách và thay đổi văn hóa làm việc.

Một báo cáo khác vào năm 2016 của nhóm nghiên cứu Eleas của Pháp cho thấy, 1/3 lao động Pháp dùng thiết bị số để làm việc sau khi rời cơ quan mỗi ngày. Khoảng 60% người lao động muốn được có quy định rõ ràng về quyền lợi của mình trong trường hợp phải “kết nối” sau giờ làm việc. Theo Technologia, một công ty chuyên nghiên cứu về các bệnh văn phòng, 12% nhân viên tại Pháp, khoảng 3,2 triệu người, đang đứng trước nguy cơ khủng hoảng tâm lý do làm việc. Hậu quả của văn hóa làm việc ngoài giờ không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân mà còn đến cả quốc gia khi mỗi năm đất nước của chú gà trống Gaulois bị mất khoảng 2 đến 3 tỷ euro vì stress.

Vì vậy, một trong những lời chỉ trích phổ biến nhất đối với luật pháp về quyền ngắt kết nối của Pháp là nó không đưa ra bất kỳ hình phạt rõ ràng nào cho việc không tuân thủ. Thay vào đó, người sử dụng lao động (và đại diện công đoàn, nếu có) quyết định các hình phạt thích hợp. Tuy nhiên, công ty Rentokil Initial của Anh từng bị phạt và phải trả 60.000 euro vì không tôn trọng quyền được ngắt kết nối của một trong những nhân viên của mình là người Pháp . Vụ việc trên kết thúc vào tháng 7.2018 và được cho là trường hợp đầu tiên liên quan đến quyền được ngắt kết nối.

Linh Anh