Pháp luật về trưng cầu dân ý

Hồng Minh 26/06/2015 08:19

Hiến pháp Hàn Quốc quy định cả về trưng cầu dân ý bắt buộc và trưng cầu dân ý tùy nghi ở cấp quốc gia, trong khi lại không cho phép quyền đề xuất trưng cầu dân ý. Ở cấp địa phương, Luật Chính quyền địa phương cho phép người đứng đầu chính quyền địa phương (tỉnh trưởng) có thể đưa ra trưng cầu dân ý đối với một số vấn đề nhất định.


Quy định trong Hiến pháp

Hiến pháp Hàn Quốc yêu cầu trưng cầu dân ý bắt buộc đối với các sửa đổi Hiến pháp: Theo Chương X của Hiến pháp nền Cộng hòa thứ sáu, Tổng thống hoặc đa số đại biểu Quốc hội có thể đề nghị sửa đổi Hiến pháp. Điều 129 quy định: đề xuất sửa đổi Hiến pháp phải được Tổng thống đưa ra công chúng trong vòng ít nhất 20 ngày. Sau đó, Quốc hội phải biểu quyết về việc sửa đổi đã được đề xuất trong vòng 60 ngày kể từ ngày thông báo công khai. Việc Quốc hội thông qua các sửa đổi Hiến pháp đòi hỏi phải được 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội tán thành. Giai đoạn cuối, các sửa đổi Hiến pháp phải được trưng cầu dân ý.

Điều 130 (2) quy định: các đề xuất sửa đổi Hiến pháp được đưa ra trưng cầu dân ý trong vòng 30 ngày sau khi được Quốc hội chấp thuận và phải được sự tán thành của đa số phiếu bầu hợp lệ với số lượng cử tri đi bầu cao hơn so với đa số tuyệt đối cử tri đủ điều kiện bỏ phiếu trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội.

Về trưng cầu dân ý không bắt buộc, Điều 72 Hiến pháp Hàn Quốc quy định: “Tổng thống có thể đưa các chính sách quan trọng liên quan đến ngoại giao, quốc phòng, thống nhất đất nước và các vấn đề khác liên quan đến vận mệnh quốc gia ra trưng cầu dân ý ở cấp quốc gia nếu xét thấy cần thiết.”

Luật Trưng cầu dân ý cấp quốc gia

Ngày 12.10.1962, Quốc hội Hàn Quốc ban hành Luật Trưng cầu dân ý cấp quốc gia (Luật 1166). Luật này quy định các thủ tục và phương pháp trưng cầu dân ý cấp quốc gia đối với đề nghị sửa đổi Hiến pháp được thực hiện theo quy định tại Điều 9 Luật Về các biện pháp khẩn cấp để tái thiết quốc gia. Đạo luật này, với hai lần sửa đổi, cũng được áp dụng đối với trưng cầu dân ý để thông qua Hiến pháp ngày 7.12.1962 và đó là cuộc trưng cầu dân ý đầu tiên của Hàn Quốc.

Trong các năm sau đó, Luật Trưng cầu dân ý cấp quốc gia đã trải qua nhiều lần sửa đổi, bãi bỏ và ban hành lại vào năm 1963, năm 1969 và năm 1973, chủ yếu là vì lợi ích của Chính phủ. Luật Trưng cầu dân ý cấp quốc gia hiện hành là Luật được sửa đổi lần cuối cùng - Luật 4086 ngày 25.3.1989. Luật có 125 điều, quy định: (1) các cử tri đủ điều kiện bỏ phiếu phải đủ 20 tuổi trở lên, (2) các đảng chính trị có thể tiến hành các cuộc vận động ủng hộ hoặc chống lại một cuộc trưng cầu dân ý, chẳng hạn tập hợp người dân để diễn thuyết, thực hiện các cuộc phỏng vấn truyền hình, với điều kiện bất kỳ người nào không đủ điều kiện trở thành thành viên của một đảng phái chính trị theo quy định của Luật Các đảng phái chính trị sẽ không tham gia vào bất kỳ chiến dịch vận động nào liên quan đến trưng cầu dân ý, (3) cho phép mỗi đảng chính trị chọn ba người trong số cử tri đủ điều kiện làm quan sát viên của cuộc trưng cầu dân ý.

Luật Trưng cầu dân ý cấp địa phương

Luật Chính quyền địa phương được Quốc hội thông qua ngày 29.1.2004 và có hiệu lực 6 tháng sau đó. Theo Điều 13 (2) của Luật Chính quyền địa phương, người đứng đầu chính quyền địa phương (tỉnh trưởng) có thể đưa các những vấn đề quan trọng nhất định ra trưng cầu dân ý. Cùng 29.1.2004, Luật Trưng cầu dân ý cấp địa phương đã được thông qua và có hiệu lực vào ngày 30.7.2004, trong đó quy định, phải có ít nhất 1/3 số cử tri tham gia bỏ phiếu và đa số phiếu bầu là ủng hộ đề xuất này thì đề nghị trưng cầu dân ý mới được chấp nhận.

Luật Trưng cầu dân ý cấp địa phương có 30 điều, quy định những vấn đề cần thiết phải hỏi ý kiến của người dân cư trú tại địa phương, chẳng hạn như, các vấn đề, các yêu cầu và thủ tục để chính quyền địa phương tổ chức trưng cầu dân ý ở địa phương về các vấn đề quan trọng của địa phương đó. Luật này quy định: (1) Ủy ban bầu cử phải chịu trách nhiệm về công việc trưng cầu dân ý như thông báo về trưng cầu dân ý ở địa phương và điều hành công việc kiểm phiếu, (2) người dân sinh sống ở địa phương đủ 20 tuổi trở lên sẽ là cử tri đủ điều kiện, trong khi người nước ngoài sống ở địa phương có thể được trao quyền bỏ phiếu nếu đáp ứng được các điều kiện nhất định, (3) những vấn đề cần được sự chấp thuận thông qua cuộc trưng cầu dân ý địa phương phải được quy định trong một pháp lệnh, trong đó có những vấn đề có thể đặt gánh nặng quá lớn hoặc ảnh hưởng đến người dân sống ở địa phương, (4) một số vấn đề, chẳng hạn như ngân sách, quản lý tài sản, thuế, và thành lập và/hoặc thay đổi cơ quan hành chính, bị loại khỏi đối tượng của trưng cầu dân ý cấp địa phương, và (5) các vấn đề được thông qua bởi đa số phiếu hợp lệ khi 1/3 cử tri địa phương bỏ phiếu trở lên...

    Nổi bật
        Mới nhất
        Pháp luật về trưng cầu dân ý
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO