Pháp luật về chống bạo lực gia đình ở Hàn Quốc: Cơ chế xử phạt nghiêm

Ngọc Minh 14/07/2019 08:21

Vừa qua, vụ việc một người vợ Việt Nam bị chồng Hàn Quốc đánh đập dã man trong 3 tiếng liền trước mặt con trai 2 tuổi đã gây ra làn sóng phẫn nộ của người dân xứ sở kim chi. Chắc chắn, người chồng sẽ bị pháp luật nghiêm trị bởi một số luật điều chỉnh hành vi thô bạo trên như Luật Xử phạt tội phạm bạo lực gia đình, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và bảo vệ nạn nhân…

Căn bệnh trầm kha

Tờ Korea Times mới đây nhấn mạnh bạo hành trong gia đình, đặc biệt khi nạn nhân là người vợ ngoại quốc, đang trở thành vấn nạn trong xã hội Hàn Quốc. Báo cáo năm 2018 của Ủy ban Nhân quyền quốc gia Hàn Quốc cho biết có 4/10 người ngoại quốc lấy chồng Hàn là nạn nhân của bạo hành trong gia đình. Trong vòng 10 năm trước, khi báo cáo được tổng kết, có 9 trường hợp người vợ ngoại quốc bị giết hại tại Hàn Quốc với hung thủ đa phần chính là người chồng.

Thậm chí, một cựu lãnh đạo cấp cao của Hàn Quốc từng nhận xét, bạo lực gia đình là một trong 4 căn bệnh trầm kha của xã hội nước này bên cạnh bạo lực tình dục, bạo lực học đường và thực phẩm không bảo đảm an toàn vệ sinh.

Wikipedia dẫn thống kê của Văn phòng Công tố Tối cao Hàn Quốc cho thấy, 60% các vụ bạo lực gia đình đã bị loại bỏ khỏi các cáo buộc truy tố vào năm 2015, trong khi chỉ có 15,6% trải qua các thủ tục tố tụng. Tổng cộng có 118.178 trường hợp được báo cáo nhưng chỉ có 8.762 vụ bắt giữ được thực hiện.

Đối với một số người, bạo lực gia đình ở Hàn Quốc là vấn đề riêng tư, không cần cơ quan thực thi pháp luật phải giải quyết. Theo luật hiện hành, nếu nạn nhân của bạo lực (thông thường là người vợ) không muốn tố cáo, quyền buộc tội sẽ bị xóa. Tuy nhiên, với các luật mới, ngay cả khi nạn nhân bị mất quyền buộc tội, người bị kết án vẫn phải trải qua 20 đến 40 giờ tư vấn tại Trung tâm Tư vấn bạo hành gia đình sau khi được giáo dục từ 8 đến 16 giờ tại Văn phòng Quản chế. Hơn nữa, những người mang vũ khí có thể gây chết người hoặc dụng cụ nguy hiểm sẽ bị bắt nếu bị nghi ngờ gây tổn hại cho gia đình của họ. Ngay cả những trường hợp bạo lực hoặc đe dọa nhỏ cũng sẽ bị cảnh sát gửi đến Tòa án Quan hệ đối nội. Đối với các gia đình đa chủng tộc, cảnh sát lên kế hoạch cung cấp người phiên dịch và luật sư cho các nạn nhân thông qua các trung tâm hỗ trợ đa văn hóa…

Nhấn mạnh vai trò của Nhà nước và cơ chế xử phạt nghiêm

Luật Phòng chống bạo lực gia đình và bảo vệ nạn nhân Hàn Quốc ra đời năm 1997 và sửa đổi gần nhất năm 2008 quy định rất rõ trách nhiệm của Nhà nước và chính quyền địa phương. Trong đó có việc thiết lập và vận hành hệ thống báo cáo về các hành vi bạo lực gia đình; điều tra, nghiên cứu, giáo dục và phổ biến các biện pháp ngăn chặn; thành lập và quản lý các cơ sở bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân; xây dựng hệ thống hợp tác giữa các cơ quan chức năng có liên quan để tạo điều kiện dễ dàng hơn cho việc bảo vệ, giúp đỡ các nạn nhân; phân bổ ngân sách cho các mục đích trên…

Bộ trưởng Bộ Bình đẳng giới có trách nhiệm điều tra tình trạng bạo lực gia đình thực tế trên cơ sở ba năm, công bố kết quả và sử dụng những phát hiện đó như những tài liệu cơ bản trong hoạch định chính sách ngăn chặn bạo lực gia đình.

Nhà nước và các chính quyền địa phương cũng cần thiết lập và điều hành trung tâm tư vấn liên quan đến bạo lực gia đình cũng như các cơ sở bảo vệ nạn nhân. Đó có thể là các cơ sở bảo vệ ngắn hạn không quá 6 tháng hoặc các cơ sở bảo vệ dài hạn, trong đó cung cấp nơi cư trú thuận tiện cho các nạn nhân để họ tự sinh sống trong khoảng thời gian không quá 2 năm. Ngoài ra còn có các cơ sở bảo vệ cho các nạn nhân là người nước ngoài có vợ hoặc chồng là công dân Hàn Quốc và các nạn nhân là người khuyết tật trong thời gian cũng không quá 2 năm.

Chính quyền từ Trung ương đến địa phương sẽ trợ cấp một phần chi phí cho việc thành lập và điều hành các trung tâm tư vấn và cơ sở bảo vệ nói trên. Đặc biệt đối với các cơ sở bảo vệ nạn nhân là người khuyết tật, chính quyền sẽ hỗ trợ tài chính nhằm bảo đảm lắp đặt các thiết bị đạt tiêu chuẩn mà Bộ Bình đẳng giới đưa ra…

Tương tự như Luật Phòng chống bạo lực gia đình và bảo vệ nạn nhân, Luật về xử phạt tội phạm bạo lực gia đình năm 1997 cũng quy định nhà nước và các cơ quan quản lý địa phương phải có biện pháp ngăn chặn bạo lực gia đình và bảo vệ nạn nhân; cho phép người phạm tội có thể tự thú hoặc có thể bị tố cáo bởi những người có quan hệ huyết thống. Để có thể nhanh chóng bảo vệ các nạn nhân, luật quy định khi có vụ việc bạo lực gia đình, cảnh sát đến hiện trường có quyền tạm thời cách ly hoặc cấm tiếp cận các đương sự. Luật cung cấp các phương tiện để nạn nhân có thể tự bảo vệ an toàn của bản thân, cho phép họ trực tiếp đến tòa án yêu cầu được bảo vệ. Những người vi phạm quy định bảo vệ, không chấp hành lệnh bảo vệ nạn nhân hoặc lệnh bảo vệ tạm thời nạn nhân có thể bị phạt nặng như phạt tù 3 năm hoặc nộp phạt với số tiền tương đương với 30.000 USD.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Pháp luật về chống bạo lực gia đình ở Hàn Quốc: Cơ chế xử phạt nghiêm
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO