Tư vấn của Luật sư Nguyễn Hoàng Thịnh (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội):
Xe cứu thương có được quyền ưu tiên hay không?
Xe cấp cứu – Xe cứu thương là phương tiện chuyên dụng vận chuyển bệnh nhân trong nhiều tình huống khẩn cấp. Xe cứu thương được trang bị biển hiệu, đèn báo nhấp nháy, còi báo động.
Theo Khoản 4, Điều 3, Nghị định số 109/2009/NĐ-CP quy định "Xe ưu tiên là phương tiện đang thực hiện nhiệm vụ khẩn cấp bao gồm xe quân sự, xe công an, xe cứu thương và các xe đang thi hành biện pháp đặc biệt. Các phương tiện ưu tiên có quyền được nhường đường đi trước khi tham gia giao thông."
Như vậy, xe cứu thương là một trong các loại xe được quyền ưu tiên khi tham gia giao thông.
Xe ô tô vượt đèn đỏ bị xử phạt như thế nào?
Theo điểm a, Khoản 5 Điều 5, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 123/2021/NĐ-CP thì mức xử phạt lỗi vượt đèn đỏ của ô tô đã có sự thay đổi. Cụ thể như sau:
“Điều 5. Xử phạt người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ
5. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông.”
Đồng thời, căn cứ theo điểm b, c, khoản 11, Điều 5, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP, thực hiện hành vi quy định tại điểm a, khoản 5, Điều 5 sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 tháng đến 3 tháng. Đồng thời, nếu gây ra tai nạn sẽ bị tước Giấy phép lái xe từ 2 tháng đến 4 tháng.
Như vậy, người điều khiển ô tô vượt đèn đỏ sẽ bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng và bị tước Giấy phép lái xe trong thời hạn nêu trên. Vì thế, để không bị xử phạt vi phạm hành chính, người điều khiển phương tiện cần phải tuân thủ các quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, theo khoản 3, Điều 2, Nghị định số 123/2021/NĐ-CP của Chính phủ, người điều khiển phương tiện không nhường đường hoặc gây cản trở xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ sẽ bị xử phạt về hành vi "Không nhường đường hoặc gây cản trở xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ".
Vượt đèn đỏ để nhường đường cho xe cứu thương có bị xử phạt vi phạm không?
Theo tâm lý thông thường, việc nhiều người lo sợ, không dám vượt đèn đỏ dù phía sau là xe ưu tiên là tâm lý thông thường khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, căn cứ quy định của pháp luật, người vượt đèn đỏ trong trường hợp này sẽ không bị xử phạt.
Theo Điều 11, Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, hành vi vi phạm hành chính trong tình thế cấp thiết là trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính. Điều 12 Luật này quy định: "tình thế cấp thiết là tình thế của cá nhân, tổ chức vì muốn tránh một nguy cơ đang thực tế đe dọa lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác mà không còn cách nào khác là phải gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa."
Không nhường đường cho xe cứu thương bị xử phạt như thế nào?
Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: Không nhường đường hoặc gây cản trở xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ (Điểm h, Khoản 5, Điều 5, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP)
Hình thức phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 tháng đến 3 tháng. Nếu gây tai nạn giao thông thì bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 2 tháng đến 4 tháng.
Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: Không nhường đường cho xe đi trên đường ưu tiên, đường chính từ bất kỳ hướng nào tới tại nơi đường giao nhau (Điểm n, Khoản 3, Điều 5, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP).
Hình thức phạt bổ sung: Nếu gây tai nạn giao thông thì bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 2 tháng đến 4 tháng.
Đối chiếu với trường hợp của bạn đọc Phạm Thị Huyền, có thể thấy, việc bạn vượt đèn đỏ để nhường đường cho xe cứu thương là cần thiết. Đây là hành động vi phạm, song chỉ gây thiệt hại cho trật tự quản lý hành chính, an toàn giao thông. Thiệt hại này nhỏ hơn so với thiệt hại sức khỏe, tính mạng của người trên phương tiện xe cấp cứu. Do đó, đây là trường hợp vi phạm hành chính trong tình thế cấp thiết, thuộc trường hợp loại trừ trách nhiệm, người vi phạm không bị xử phạt hành vi vi phạm hành chính.