Vẫn là câu hỏi về trách nhiệm...

- Thứ Sáu, 05/08/2022, 16:13 - Chia sẻ

Vụ hỏa họa xảy ra tại quán karaoke ISIS ở số 231 Quan Hoa, phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, Hà Nội vừa qua khiến 3 cán bộ đội Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu hộ cứu nạn Công an quận Cầu Giấy là Trung tá Đặng Anh Quân, Đội trưởng; Trung úy Đỗ Đức Việt, Binh nhì Nguyễn Đình Phúc tử vong.

Nguyên nhân ban đầu, theo cơ quan chức năng là sau khi triển khai tổ chức chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, hướng dẫn, đưa 8 người ra ngoài an toàn, các cán bộ, chiến sĩ quay lại tiếp tục tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ. Khi lên tới tầng 4 thì cầu thang bị sập, làm đứt đường vòi chữa cháy, trần nhà bất ngờ bị sập, đè vào người. Bàng hoàng, xót thương, cảm phục, biết ơn những người đã xả thân vì bình yên của cuộc sống - là tâm trạng của rất nhiều người.

Cũng từ đây, nhiều câu hỏi về công tác quản lý được đặt ra bởi không phải là lần đầu xảy ra các vụ cháy quán karaoke gây hậu quả nghiêm trọng. Trước đó, tại Hà Nội cũng đã xảy ra các vụ cháy quán karaoke khiến nhiều người thương vong, điển hình như vụ cháy tại quán karaoke 68 Trần Thái Tông, quận Cầu Giấy khiến 13 người tử vong hồi đầu tháng 11.2016 hay vụ cháy ở quán karaoke 43G Giảng Võ vào tháng 5.2014 khiến 5 người chết.

Các vụ cháy quán karaoke thường để lại hậu quả nghiêm trọng là do một số cơ sở kinh doanh chưa tuân thủ đúng các tiêu chuẩn về phòng cháy chữa cháy, hoạt động khi chưa đủ điều kiện cho phép. Bên cạnh đó còn có nguyên nhân nữa là phần lớn các cơ sở kinh doanh karaoke hiện nay là kiểu nhà hộp hoặc nhà ống, không có ban công. Bề mặt tường là vật liệu xốp cách âm, mặt ngoài thường được che kín bằng các biển hiệu lớn nên khi xảy ra cháy nổ, công tác cứu hộ, cứu nạn gặp nhiều khó khăn.

Có thể thấy, ngoài những nguyên nhân trên, không thể không đặt câu hỏi về trách nhiệm của địa phương. Như ý kiến của Ủy viên Ủy ban Pháp luật Phạm Văn Hòa thì phải khách quan xem lại công tác phòng cháy, chữa cháy trên cả nước cũng như của TP. Hà Nội, nhất là tại địa bàn quận Cầu Giấy. Chính quyền quận Cầu Giấy cũng như lực lượng phòng cháy chữa cháy của quận phải "soi" lại việc quản lý, cấp phép phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn. Cần tăng cường việc kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở kinh doanh, cơ sở nào không bảo đảm phòng cháy, chữa cháy phải xử phạt nặng, có thể tước giấy phép kinh doanh.
Ngoài ra, cần xem lại những văn bản chỉ đạo liên quan đã đủ "liều lượng" chưa, nếu chưa thì phải có văn bản nhắc lại vì thực tế, thời gian qua, chính quyền cũng như công an thành phố đã có nhiều văn bản liên quan đến phòng cháy, chữa cháy. Đặc biệt phải quy rõ, xem xét trách nhiệm của người đứng đầu địa phương trong công tác này.

Ý kiến khác thì đề nghị cơ quan chức năng làm rõ nguyên nhân vụ cháy để có căn cứ xử lý theo quy định của pháp luật. Nếu cơ quan chức năng không quyết liệt, chưa giám sát chặt chẽ và chính quyền cơ sở có dấu hiệu buông lỏng quản lý thì phải xử lý nghiêm minh để không xảy ra các vụ việc tương tự.

Khương Ninh
#