Báo cáo tình hình công tác tư pháp quý 1.2024, ông Đỗ Xuân Quý cho biết, về công tác thi hành án dân sự (THADS), Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị sơ kết, đánh giá kết quả công tác 6 tháng đầu năm (tính từ tháng 10.2023 - hết tháng 3.2024). Theo đó, công tác THADS, theo dõi thi hành án hành chính thời gian qua tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực.
6 tháng đầu năm đã thi hành xong 242.304 việc và trên 47.595 tỷ đồng. Trong đó, kết quả thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế là 1.177 việc với hơn 10.000 tỷ đồng.
Công tác phòng, chống tham nhũng tiêu cực trong hệ thống cơ quan Thi hành án dân sự được tập trung chỉ đạo. Tính từ ngày 1.10.2023 đến 29.2.2024, cơ quan THADS thu hồi được số tiền 8.960 tỷ 312 triệu 295 nghìn đồng.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, Tòa án Nhân dân các cấp đã chuyển giao cho các cơ quan THADS 1.387 bản án hành chính. Các cơ quan THADS thực hiện theo dõi 1.387 bản án, số cũ chuyển sang là 776 việc, số tiếp nhận mới là 611 việc. Các cơ quan hành chính đã thi hành xong 400 việc.
Bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu thi hành án dân sự được giao năm 2024, ông Đỗ Xuân Quý cho biết, Bộ Tư pháp sẽ bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu thi hành án dân sự được giao năm 2024; thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả thi hành án hành chính.
Cùng với đó, tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 2.6.2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực về thu hồi tài sản trong các vụ án về tham nhũng, kinh tế. Chú trọng thi hành tốt các vụ án lớn, có nhiều người được thi hành án, thu hồi tài sản trong các vụ án về kinh tế, tham nhũng.
Liên quan đến thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế, trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội tại Phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nhấn mạnh, thu hồi tài sản trong các vụ việc về tham nhũng, kinh tế là một trong những trọng tâm mà nhiệm vụ chính trị quan trọng đặt ra trong ngành tư pháp nói chung và hệ thống thi hành án dân sự nói riêng.
Bộ trưởng cũng chỉ ra những khó khăn trong thu hồi tài sản trong các vụ án này, bởi hầu hết các vụ án lớn nằm rải rác ở các địa phương khác nhau trên phạm vi cả nước. Nguồn gốc, tính pháp lý của nhiều tài sản được kê biên, đưa ra xử lý phức tạp và mất nhiều thời gian để làm rõ. Có trường hợp cần phải xác minh tài sản đó là tài sản chung hay tài sản riêng, tài sản của người phạm tội và của người ngay tình đến mức nào…
Về giải pháp, Bộ trưởng khẳng định tiếp tục bám sát và thực hiện tốt hơn nữa Chỉ thị số 04 cùa Ban Bí thư về tăng cường thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế; bám sát các ý kiến, kết luận của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, trong đó có cơ chế phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan điều phối. Ngoài ra, Bộ trưởng Lê Thành Long cũng đề nghị cơ quan dân cử, Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật tăng cường việc giám sát. “Chúng ta có nhiều mắt tập trung vào đây thì việc tẩu tán và giấu tài sản tham nhũng sẽ giảm đi”, Bộ trưởng Lê Thành Long nhấn mạnh.