Quyết liệt để giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại của ma túy

- Thứ Năm, 23/06/2022, 17:27 - Chia sẻ

Ma túy là con đường ngắn dẫn tới địa ngục, hủy hoại sức khỏe của bản thân và cuộc sống của gia đình, đặc biệt dễ trở thành tội phạm. Do đó, công tác phòng chống ma túy phải được thực hiện thường xuyên, liên tục… Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm Vũ Đức Đam nhấn mạnh tại Lễ mít tinh hưởng ứng Tháng hành động phòng, chống ma túy; Ngày quốc tế và Ngày toàn dân phòng, chống ma túy 26.6 diễn ra sáng ngày 23.6 tại Hà Nội.

100% các địa phương quản lý sau cai nghiện tại cộng động

Thứ trưởng Bộ Công an, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc cho biết: Trong những năm qua, do tác động trực tiếp của tình hình tội phạm ma túy trong khu vực và trên thế giới, đặc biệt là khu vực “Tam giác vàng”, tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy ở nước ta diễn biến rất phức tạp, nhất là trên các tuyến, địa bàn trọng điểm. Phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm ma túy ngày càng tinh vi, nhất là gia tăng sử dụng công nghệ cao, mạng xã hội và các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để thực hiện hành vi phạm tội.

Nhân tháng hành động phòng, chống ma túy:Quyết liệt để giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại của ma túy -0
Cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc quyết liệt phòng, chống ma túy

Trước thực trạng trên, nhận thức vai trò của cuộc đấu tranh phòng chống ma tuý, Đảng, Quốc hội, Chính phủ, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia vào công tác phòng, chống ma tuý, nhằm từng bước kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn ma tuý ra khỏi đời sống xã hội, qua đó đã đạt được một số kết quả đáng kích lệ: công tác tuyên truyền giáo dục, phòng ngừa ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả hơn, tập trung hơn vào các đối tượng có nguy cơ cao, địa bàn trọng điểm, phức tạp về ma tuý, nhận thức tác hại về ma tuý của cán bộ và các tầng lớp nhân dân được nâng lên.

Công tác cai nghiện, phục hồi và quản lý sau cai nghiện tiếp tục được quan tâm chỉ đạo. Nhờ đó, trong 6 tháng đầu năm các cơ sở cai nghiện ma tuý đã điều trị cai nghiện cho gần 42.000 người trong đó tiếp nhận mới gần 4.500 người theo quy định mới của luật phòng chống ma tuý sửa đổi năm 2021, 100% các địa phương tổ chức quản lý sau cai nghiện tại cộng đồng, đã tổ chức nghiên cứu, triển  khai thí điểm một số mô hình cai nghiện ma tuý hoạt động hiểu quả theo đề án đổi mới công tác cai nghiện của chính phủ.

Với nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, hiện nay so với khu vực Đông Nam Á, tỷ lệ người nghiện/100 người dân thì Việt Nam chỉ bằng 1/3 trung bình của cả khu vực.

Chủ động đấu tranh ngăn chặn nguồn ma túy

Không thể phủ nhận những kết quả trong công tác phòng, chống ma túy thời gian qua, song thực tế hằng ngày, hằng giờ ma túy vẫn rình rập tất cả mọi người, đặc biệt trong bối cảnh số người nghiện ma túy ngày càng trẻ hóa. Chính điều này khiến các nhà chức trách lo ngại, nếu không quyết liệt ngăn chặn tội phạm ma túy, sẽ khiến nguy cơ an ninh phi truyền thống mang tính xuyên quốc gia bởi lượng ma túy từ nước ngoài vận chuyển vào nước ta còn nhiều; số người nghiện vẫn ở mức cao. Bởi, số liệu của Bộ Công an cho thấy, Việt Nam hiện có 217.000 người nghiện mà túy có hồ sơ quản lý, 59.537 người sử dụng ma túy trái phép.

Nhân tháng hành động phòng, chống ma túy:
Quyết liệt để giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại của ma túy
 -0
Tăng cường tuyên truyền đẩy lùi ma túy ra khỏi cộng đồng

Do đó, để “giảm cung, giảm cầu và giảm tác hại của ma túy”, Thứ trưởng Bộ Công an, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc cho rằng, Ban chỉ đạo phòng, chống ma tuý các cấp, các ngành và địa phương tiếp tục quán triệt phương châm lấy phòng ngừa là chính, hạn chế phát sinh người nghiện mới; kiềm chế, không để gia tăng tội phạm và tệ nạn ma túy. Các Bộ, ngành và địa phương cần đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy; tuyên truyền về hậu quả nghiêm trọng của các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống ma túy, về tác hại của ma túy, nhất là ma tuý tổng hợp, nhằm nâng cao nhận thức về phòng, chống ma tuý cho mọi tầng lớp nhân dân; trong đó, chú trọng tuyên truyền cho thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên và những người dễ tổn thương bởi tội phạm và tệ nạn ma tuý, tạo sự đồng thuận và sức lan tỏa của toàn xã hội tham gia vào công tác phòng, chống ma tuý.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng cho rằng, ma túy là con đường ngắn dẫn tới địa ngục, hủy hoại sức khỏe của bản thân và cuộc sống của gia đình, đặc biệt dễ trở thành tội phạm. Do đó, công tác phòng chống ma túy phải được thực hiện thường xuyên, liên tục, không chỉ có ngày, tháng hưởng ứng phòng chống ma túy, mà đây là việc phải làm quanh năm, không kể ngày đêm. Công tác cai nghiện, trợ giúp người nghiện phải được đẩy mạnh hơn nữa trên tinh thần "không chỉ là trách nhiệm của ngành Lao động, Thương binh và Xã hội mà cả hệ thống chính trị, nhất là sự vào cuộc của các đoàn thể, toàn thể nhân dân". Mặt khác, cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể… cần tích cực triển khai "đi từng ngõ gõ từng nhà, rà từng người", không chỉ phát hiện người có liên quan đến mà túy mà còn kết hợp tuyên truyền, vận động về tác hại khôn lường của ma túy.

Cùng với đó, Chỉ thị 36-CT/TW 2019 của Bộ Chính trị, Luật Phòng, chống ma túy 2021, Chiến lược quốc gia phòng, chống và kiểm soát ma túy, các kế hoạch, chương trình hành động, chỉ thị, công điện của Thủ tướng Chính phủ, Uỷ ban quốc gia… đều thể hiện tinh thần nhất thiết phải hành động thường xuyên, liên tục. Do đó, các cấp chính quyền, đoàn thể dưới sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng và toàn dân cùng tiếp tục hành động quyết liệt hơn nữa để bảo vệ cuộc sống an toàn của từng người, từng gia đình và toàn xã hội", Phó Thủ nhấn mạnh.

Bài và ảnh: Thanh Mai
#