Chuyển mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng phòng hộ phải tuân thủ theo tiêu chí cụ thể
Nhìn nhận về quy định việc quản lý chuyển đổi mục đích sử dụng các loại đất, TS. Hà Công Tuấn, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng, pháp luật hiện hành quy định chặt chẽ việc quản lý việc chuyển mục đích sử dụng các loại đất. Cụ thể, đất lúa nước quy mô trên 10ha, đất rừng phòng hộ quy mô trên 20ha, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên phải được Thủ tướng chính phủ hoặc Chính phủ chấp thuận bằng văn bản.
Tuy nhiên, theo ông Tuấn, việc tập trung quản lý quá mức vào Trung ương như hiện nay đang có nhiều hệ lụy về phân cấp, phân quyền, không phát huy được sự sáng tạo của địa phương, giảm hiệu quả tính cơ hội, tăng chi phí xã hội và chưa quán triệt tư tưởng cải cách nền hành chính nhà nước. Quy định quản lý chuyển mục đích sử dụng các loại đất này thời gian qua xuất phát từ đòi hỏi thực tiễn quản lý, giảm thiểu tác động có tính cục bộ lợi ích địa phương mà thiếu cân nhắc cân đối tổng thể bảo đảm sự phát triển hài hòa giữa các địa phương, khu vực, và phát triển bền vững quốc gia, nhất là trước yêu cầu chiến lược về bảo đảm an ninh lương thực, thích ứng với biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt.
Để khắc phục được những tồn tại, Điều 122 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định, cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ được quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất sau khi có Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh thông qua và phù hợp với quy định tại Điều 116 của Luật này (quy định căn cứ để giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất). Việc chuyển mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất phải tuân thủ theo tiêu chí, điều kiện do Chính phủ quy định.
Theo ông Tuấn, quy định như dự thảo Luật đã thể chế hóa mạnh mẽ tư tưởng phân cấp, phân quyền từ Trung ương cho địa phương, theo đó phân cấp cho Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh chấp thuận việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên trước khi Ủy ban Nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định bằng văn bản để thực hiện. Đồng thời, Luật giao Chính phủ quy định về điều kiện, tiêu chí, chế tài để kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng các loại đất này.
Nhấn mạnh việc tăng cường phân cấp về việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên là phù hợp với xu thế quản lý mới, tuy nhiên ông Tuấn cho rằng, cũng không nên chuyển “thái cực” một cách “quá tả” theo suy nghĩ Trung ương sẽ “buông” việc này cho địa phương. Và như vậy, những hệ lụy đã xảy ra những năm trước đây sẽ khó tránh khỏi, ngay cả khi chúng ta đã tăng cường thể chế pháp lý.
Nghiêm cấm chia nhỏ dự án để lách luật
Để tránh thái cực một cách “quá tả”, ông Tuấn đề nghị, nên cân nhắc để phân cấp theo quy mô diện tích chuyển mục đích sử dụng, những dự án yêu cầu lớn về đất đai vẫn cần sự chấp thuận của Chính phủ.
Cùng với đó, nhằm quán triệt Chỉ thị số 13-CT/TW của Ban Bí thư về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, ông Tuấn cũng đề nghị, Luật này cũng cần quy định đồng bộ với Luật Đầu tư, Luật Lâm nghiệp hiện hành. Theo đó, vẫn nên quy định, Chính phủ chấp thuận chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng với dự án sử dụng đất trồng lúa trên 10ha, đất rừng đặc dụng trên 20ha, đất rừng phòng hộ trên 50ha, đất rừng sản xuất trên 200ha. Đối với các dự án có quy mô chuyển mục đích sử dụng đất nhỏ hơn, phân cấp cho địa phương như quy định tại Điều 122 của dự thảo Luật. Cùng với đó, “cần bổ sung quy định nghiêm cấm việc chia nhỏ các dự án có chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất để “lách luật”, giữ lại thẩm quyền quyết định của địa phương” - ông Tuấn đề nghị.
Đồng quan điểm về việc cần bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, đại diện Vụ Pháp chế Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị, cần quy định cụ thể điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất rừng phải có quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng của Thủ tướng Chính phủ hoặc Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh theo quy định pháp luật về lâm nghiệp (Điều 20 Luật Lâm nghiệp). Đồng thời, nghiên cứu quy định cụ thể tiêu chí, điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất tại điều này.